Câu 1: Gạch dưới thành phần tình thái trong câu sau và nói rõ tác dụng của thành phần tình thái đó:

Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy anh.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

Câu 2: Giới thiệu những nét chính về Nguyễn Duy và nêu xuất xứ, chủ đề của bài thơ Ánh trăng.

Câu 3: Viết một đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Tuấn là một người bạn rất tốt.

Câu 4: Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Thành phần tình thái trong câu: chắc

– Từ chắc ở câu trên là thành phần tình thái biểu thị cách nhìn của người nói đối với sự việc “anh nghĩ rằng con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm lấy anh” là có nhiều khả năng diễn ra. Nếu không có thành phần tình thái này thì nghĩa của câu chỉ thông báo sự việc “anh nghĩ rằng con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm lấy anh”.

Câu 2:

a) Những nét chính về Nguyễn Duy:

– Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948. – Quê: làng Quảng Xá, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá.

– Năm 1966, Nguyễn Duy gia nhập quân đội, vào binh chủng Thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường.

– Sau năm 1975, ông chuyển về làm báo Văn nghệ giải phóng.

– Từ năm 1977, Nguyễn Duy là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

– Nguyễn Duy được trao giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972 – 1973. Ông trở thành một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ.

b) Xuất xứ: Bài ánh trăng được ông sáng tác vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh.

c) Chủ đề của bài thơ “Ánh trăng”:

Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ”.

Câu 3: Khi làm bài tập này, các em cần chú ý mấy điểm sau đây:

– Viết đúng đoạn văn tự sự (kể lại buổi sinh hoạt lớp)

– Nội dung của đoạn văn: Lớp trao đổi, có ý kiến về bạn Tuấn, học sinh của lớp. Ý kiến phát biểu của em chứng minh Tuấn là một học sinh tốt.

– Trong đoạn văn phải có sử dụng yếu tố lập luận (nghĩa là em khẳng định Tuấn là học sinh tốt, em phải đưa ra được những lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục được mọi người cho rằng ý kiến của em là đúng). 

Câu 4: Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

1. Đặt vấn đề

– Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Giữa trong xanh (1972), Ly Sơn mùa tỏi (1980)…

– Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm 1970. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế tại Lào Cai của tác giả Nguyễn Thành Long.

– Lặng lẽ Sa Pa có cốt truyện đơn giản, xoay quanh một tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa.

– Phân tích tác phẩm, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của những con người làm việc nơi đây, đặc biệt là vẻ đẹp của người thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn.

2. Giải quyết vấn đề

a) Vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên Sa Pa

– Thiên nhiên Sa Pa đẹp như một bức tranh: “Còn nhà hoạ sĩ và cô gái cũng nín bật, vì cảnh trước mắt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ. Nắng bây giờ bắt đầu len tới độ cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

– “Nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”

→ Thiên nhiên Sa Pa như một bức tranh thơ, thu hút mọi người.

b) Vẻ đẹp của những con người làm việc thầm lặng ở Sa Pa

* Họ là những con người có hoàn cảnh làm việc rất khó khăn.

– Anh thanh niên một mình làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Anh lấy số liệu để báo cáo về xuôi thật chính xác. Mỗi ngày phải báo cáo 4 lần: “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng”. Công việc tưởng là đơn giản nhưng thật ra rất vất vả. Đặc biệt là việc ghi chép vào một giờ sáng. Điều đó được chính anh thanh niên kể lại: “xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…”. Nhưng cái gian khổ nhất là phải vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng phải ở một mình trên đỉnh núi không một bóng người.

– Ông kĩ sư ở vườn rau: “Ngày này sang ngày khác, ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong”.

– Người cán bộ nghiên cứu khoa học “trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, cứ nghe sét là choàng chạy ra”.

Điều gì đã giúp cho những người này vượt qua hoàn cảnh khó khăn ấy?

c) Họ là những người yêu nghề, thấy được công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người, cho đất nước

– Anh thanh niên suy nghĩ đúng và sâu sắc về công việc của mình: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em ở dưới kia. Chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Khi được biết là một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.

– Ông kĩ sư ở vườn rau: Mục đích công việc thầm lặng của ông là: “Để củ su hào nhân dân miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước”.

– Người cán bộ khoa học: đang làm “một cái bản đồ sét riêng cho nước ta, cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi”.

→ Tóm lại: Tác giả đã khám phá và miêu tả được vẻ đẹp của những con người làm việc thầm lặng ở Sa Pa. Họ tạo thành cái thế giới những con người như anh thanh niên ở trạm khí tượng, những con người miệt mài lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của mọi người.

d) Chất trữ tình của tác phẩm

– Chất trữ tình được toát lên từ những phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của người hoạ sĩ già, nó còn thấm đượm vẻ đẹp của cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ của nhân vật anh thanh niên, trong cuộc gặp gỡ tình cờ của ba nhân vật mà để lại nhiều dư vị, trong những suy nghĩ về con người, về cuộc sống, về nghệ thuật của các nhân vật.

– Chất trữ tình toát lên chủ yếu ở nội dung truyện: cuộc gặp gỡ tình cờ, vẻ đẹp giản dị của những người làm việc thầm lặng, cảm xúc mới nảy nở của ông hoạ sĩ, cô kĩ sư đối với người thanh niên…

3. Kết thúc vấn đề

– Tác giả đã phát hiện và miêu tả được vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Sa Pa, Lào Cai.

– Tác giả đã phát hiện và miêu tả được vẻ đẹp của những con người lao động thầm lặng với mục đích cao đẹp phục vụ đất nước, phục vụ cuộc sống của con người.

– Tác giả đã tạo được một không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa về vẻ đẹp của những sự việc con người rất bình dị..

– Truyện Lặng lẽ Sa Pa ngợi ca những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và thế giới những người như anh, tác phẩm đã gợi ra những vấn đề về ý nghĩa của niềm vui lao động tự giác vì những mục đích chân chính đối với con người: dù trong hoàn cảnh đơn độc giữa thiên nhiên vắng lặng quanh năm mà con người vẫn không cô đơn, buồn tẻ, một khi người ta tìm thấy ý nghĩa của công việc và cuộc sống của mình.

ĐỀ 26 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết