BÀI LÀM 

Giống một số bài thơ khác như Tảo giải (Giải đi sớm), Tẩu lộ (Đi đường), bài Mộ (Chiều tối) được Hồ Chí Minh sáng tác khi Người bị dẫn giải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Thơ cất lên từ cảnh ngộ bị lưu đày gian khổ, vất vả trong thân phận bị cầm tù mà không thấy hình ảnh người tù, ngỡ như áng văn chương của một lữ khách nào đó. Đề tài là chiều tối mà cảnh, mà tình không u ám, tối tăm. Riêng chữ tối ở cuối câu thứ ba, lỗi do người dịch. Nguyên tác chữ Hán, Bác viết, cả hai mươi tám chữ, chia đều bốn câu không có một chữ tối nào cả. 

Hai câu thơ mở đầu tả cảnh đường rừng, chiều vắng, chim về tổ: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ – Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Tác giả đã phác một bức tranh phong cảnh thật tinh tế. Ca dao xưa có câu: “Chim bay về núi, tối rồi”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết: “Chim hôm thoi thót về rừng”. Cảnh buồn đến não ruột. Cánh chim trong Chiều tối, qua ngòi bút chấm phá kiểu Đường thi, có nét gì như thoáng rộng, nhẹ nhàng hơn, gợi được cái hồn của cảnh. Cái nhìn của nhà thơ không dừng lại ở dưới thấp mà như đang hướng lên cao, nhìn trời rộng, mây trôi. Một chòm mây (nguyên tác chữ Hán là cô vân, chòm mây cô đơn) đang trôi nhẹ, lờ lững trên không. Dường như mây cũng đang mệt mỏi sau một ngày vật lộn, trôi nổi như cánh chim, muốn tìm một nơi để nghỉ. Thời gian lặng lẽ trôi theo cánh chim, theo làn mây. Không có chữ chiều mà gợi ra thật đúng cảnh chiều, một buổi chiều yên ả, vắng lặng. Sự mệt mỏi, nỗi cô đơn từ cảnh vật toát ra, thấm vào lòng người. Hay chính tự lòng người, trong cảnh ngộ bị lưu đày nơi đất khách, đã lan tỏa pha màu cho cảnh vật? Tất cả man mác một nỗi buồn, buồn nhưng vẫn đẹp, vẫn thơ. Dường như nhà thơ cố giấu mình đi, quên mình đi, tịnh không nói một lời nào về cảnh ngộ của mình để sẻ chia, rung cảm với vạn vật – mấy cánh chim mệt mỏi, một chòm mây cô đơn. Tấm lòng ấy bao la, rộng lớn biết nhường nào. Song tấm lòng của Bác không chỉ rộng mở trước thiên nhiên, mà còn luôn hướng tới con người, chia sẻ mọi nỗi buồn vui với con người. Đây mới là điều chủ yếu.

Hình ảnh con người và cuộc sống được nối tiếp, hiện lên trong hai câu cuối của bài thơ thật đặc sắc: “Cô em xóm núi xay ngô tối – Xay hết, lò than đã rực hồng”.

Giữa khung cảnh thiên nhiên, vạn vật mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, hiển hiện hình ảnh một người đang làm việc. Công việc chẳng nhẹ nhàng gì: xay ngô, chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Âm điệu của câu thơ chữ Hán trong nguyên tác nghe nặng nề và quanh quẩn làm sao: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc – Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”. Ba tiếng ma bao túc (xay ngô) ở câu trên, điệp vòng xuống câu dưới và đảo lại thành bao túc ma (ngô xay) miêu tả thật chính xác cái cử động vòng tròn trở đi trở lại của chiếc cối xay và cánh tay vất vả, nặng nhọc, quấn quanh của cô gái ở xóm núi. Không có một tấm lòng cảm thông, một cái nhìn nâng niu, trân trọng, nhà thơ không thể thấy được, ghi lại được những cảnh đời chân thực, gần gũi, thân thương đến như thế. Kết bài thơ, là hình ảnh “lò than đã rực hồng” thì tình thương lan tỏa thành một niềm vui. Với từ hồng, toàn bộ bài thơ như sáng rực hẳn lên. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi của chim núi, mây trời; bao nhiêu tâm trạng u buồn, cơ cực của người tù lữ thứ bỗng tiêu tan trong cái màu hồng của bếp than chiều tối đó. Màu hồng sưởi ấm cảnh vật. Màu hồng nhuộm thắm khuôn mặt cô em xóm núi. Màu hồng và hơi ấm tỏa ra từ lò than đang được đốt nóng, than của đời thường hay than lửa của chính tấm lòng nhà thơ? Cả bài thơ, đặc sắc nhất là chữ hồng này. Nó sáng bừng lên. Chỉ một âm tiết thôi, mà tỏa sáng niềm vui, như để cân lại với hai mươi bảy âm tiết ở trên, hai mươi bảy âm tiết tả cảnh chiều buồn. Hình ảnh “lò than hồng” có giá trị như một nhãn tự – con mắt của áng thơ Chiều tối.

Đọc Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, chúng ta thường bắt gặp những con mắt thơ mở sáng, ấm nồng như thế ở nhiều bài thơ. Điều đó, không chỉ do tài năng sáng tạo mà chính là do tâm hồn, tư tưởng, nhân cách của nhà thơ. Bài thơ Chiều tối khác nào một bếp lửa hồng, toả sáng tình yêu con người, yêu cuộc sống bao la, thấm thía, đúng như ý một câu thơ của Chế Lan Viên: Bác Hồ đã lấy cái vui của cuộc đời, đánh bạt mọi đau thương. Bài thơ viết về cảnh chiều, nhưng không tối, hồn thơ nhóm trong ngục tù mà lan tỏa ra ngoài đời, như một lò than hồng rực, sưởi ấm tâm hồn người làm thơ và người thưởng thức thơ. Chiều tối là một nét đẹp trong bức chân dung tinh thần mà Bác Hồ tự hoạ khi người viết Nhật kí trong tù – một điểm sáng trong phong cách nghệ thuật thơ trữ tình Hồ Chí Minh.

ĐỀ 258: Chứng minh rằng trong bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết