1. Tác giả, tác phẩm

Minh Huệ tên thật là Nguyễn Thái, sinh năm 1927, quê ở Nghệ An, làm thơ từ thời kháng chiến chống Pháp.

Đêm nay Bác không ngủ (1951) là bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm được sáng tác dựa trên một sự kiện có thật: Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Đầu năm 1951, Minh Huệ ở Nghệ An, gặp một chiến sĩ từ Việt Bắc về và kể cho nhà thơ nghe kỉ niệm gặp Bác trong một đêm trên đường tham gia chiến dịch Biên giới.

2. Hình tượng Bác Hồ

Hình tượng Bác Hồ được khắc họa qua nhiều phương diện: hình dáng, tư thế, hành động, cử chỉ, lời nói… và qua cái nhìn cảm phục và yêu mến của anh đội viên.

Minh Huệ đã tạc vào không gian đêm khuya hình ảnh Bác Hồ trầm tư, ngẫm ngợi. Sự lặng im được tuyệt đối hóa: lặng yên bên bếp lửa, ngồi đinh ninh, chòm râu im phăng phắc hòa quyện với sự tĩnh lặng của trời khuya và chi tiết ngoại hình mái tóc bạc đã thể hiện chiều sâu tâm trạng của Bác. Bên ngoài dáng vẻ tưởng như bất động ấy là sự tập trung suy nghĩ cao độ, là sự chăm chú tuyệt đối vào công việc của kháng chiến. Những hành động, cử chỉ của Bác là của người cha ân cần chăm sóc con: đốt lửa để mang hơi ấm, dém chăn cho từng người một. Đó cũng là hành động, cử chỉ của một người cha tâm lí, tế nhị: nhón chân nhẹ nhàng, sợ cháu mình giật thót. Qua đó, ta cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc. sự chăm chút ân cần, tỉ mỉ của Bác dành cho các anh đội viên. Khổ thơ cuối vang lên như một chân lí sâu sắc về Hồ Chí Minh:

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh

Đêm nay chỉ là một trong số vô vàn đêm trăn trở của Người để tìm ra con đường sáng cho dân tộc Việt Nam. Yêu thương con người cũng là lẽ sống thường tình của Bác… Bác là Hồ Chí Minh giản dị mà vĩ đại, đời thường mà cao cả. Bác là sự kết tinh vẻ đẹp cao quý của dân tộc Việt Nam.

3. Nhân vật anh đội viên

Nhân vật anh đội viên vừa là người chứng kiến vừa là người tham gia câu chuyện. Nhân vật này đã làm cho hình tượng Bác Hồ hiện lên tự nhiên, chân thực và khách quan, thể hiện một cách chân thành, cảm động tấm lòng kính yêu của đồng bào và chiến sĩ đối với lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Nhân vật anh đội viên chủ yếu được khắc họa qua tâm trạng: Khi ngạc nhiên, băn khoăn:

Mà sao Bác vẫn ngồi

Đên nay Bác không ngủ.

Khi thương cảm, xót xa:

Anh đội viên nhìn Bác

Càng nhìn lại càng thương.

Tình thương đó được thể hiện qua câu hỏi thổn thức, ân cần:

Bác ơi! Bác chưa ngủ?

Bác có lạnh lắm không?

qua nỗi lo lắng, bồn chồn:

Anh nằm lo Bác ốm…

Cảm xúc của anh đội viên phát triển theo chiều dài của thời gian đêm khuya. Khi được nghe Bác nói về tình thương, về nỗi lo, anh đội viên vô cùng hạnh phúc và cảm động vì đã hiểu tấm lòng và sự vĩ đại của lãnh tụ:

Lòng vui sướng mênh mông

Anh thức luôn cùng Bác.

4. Đặc sắc nghệ thuật

– Sử dụng thể thơ năm chữ thích hợp cho việc đan xen phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm.

– Cách gieo vần linh hoạt, ngắt nhịp 2/3, 3/2 tạo âm điệu nhịp nhàng, tình cảm thiết tha.

– Lối kể chuyện giản dị, chân thực. Sử dụng nhiều từ láy, phép so sánh độc đáo.

Đề 25: Phân tích văn bản Đêm nay Bác không ngủ
5 (100%) 1 vote