Câu 1: Tìm thành phần phụ chú trong đoạn trích sau và cho biết chúng bổ sung điều gì.

“Giáo dục tức là giải phóng. Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và công lí. Những người nắm giữa chìa khoá của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy”.

(Phê-đê-ri-cô May-0, Giáo dục – chìa khoá của tương lai)

Câu 2: Nêu những nét chính về tác giả Kim Lân và hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Làng.

Câu 3: Vận dụng kiến thức đã học về trường từ vựng để phân tích cái hay trong cách dùng từ ở bài thơ sau:

Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ảnh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro, em biết không?
(Vũ Quần Phương, Áo đỏ)

Câu 4: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Thành phần phụ chú trong đoạn trích là: – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ.

– Tác dụng: Làm rõ nghĩa cho Những người nắm giữa chìa khoá của cánh cửa này.

Câu 2:

a) Những nét chính về tác giả Kim Lân:

– Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài.

– Ông sinh năm 1920, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

– Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. 

– Ông am hiểu sâu sắc về cuộc sống ở nông thôn nên hầu như ông chỉ viết về sinh hoạt ở làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

b) Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Làng”: Truyện Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

Câu 3: Cái hay của tác giả là đã rất linh hoạt trong việc sử dụng các từ cùng trường từ vựng và những từ ngữ đối lập. Cụ thể

– Xét về trường từ vựng, đoạn thơ có hai trường từ vựng:

+ Trường từ vựng chỉ màu sắc: (áo) đỏ; (cây) xanh, (ánh) hồng

+ Trường từ vựng chỉ lửa và những sự vật, hiện tượng có quan hệ, liên tưởng tới lửa.

+ Các từ thuộc hai trường từ vựng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau. Màu áo đỏ của cô gái thắp lên trong mắt chàng trai (và bao người khác) ngọn lửa. Ngọn lửa đó lan toả trong con người anh làm anh say đắm, ngất ngây (cháy thành tro) và lan ra cả không gian, làm không gian cũng biến sắc (Cây xanh như cũng ảnh theo hồng).

– Ngoài việc dùng các từ cùng trường từ vựng, bài thơ còn dùng những cặp từ ngữ đối lập: cây xanh – ánh hồng, em đi – anh đứng.

Nhờ nghệ thuật dùng từ, bài thơ đã xây dựng được những hình ảnh gây ấn tượng mạnh với người đọc, qua đó thể hiện một tình yêu mãnh liệt và cháy bỏng.

Câu 4: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

1. Đặt vấn đề

– Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm 1970. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế tại Lào Cai của tác giả Nguyễn Thành Long.

– Truyện viết về những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

– Phân tích nhân vật anh thanh niên, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp và những đóng góp của anh cho đất nước.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật

– Truyện Lặng lẽ Sa Pa đưa ra bốn nhân vật: bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư mới ra trường và anh thanh niên ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. 

– Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát với bác lái xe, ông hoạ sĩ và cô kĩ sư.

– Qua cách nhìn và cảm xúc của mỗi người, anh thanh niên hiện lên trong tác phẩm mang nhiều phẩm chất tốt đẹp.

b) Hoàn cảnh sống và làm việc

– Anh sống một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.

– Nhiệm vụ của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Anh lấy số liệu để báo cáo về xuôi thật chính xác. Mỗi ngày phải báo cáo 4 lần: “bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giờ sáng”. Công việc tưởng là đơn giản nhưng thật ra rất vất vả. Đặc biệt là việc ghi chép vào một giờ sáng. Điều đó được chính anh thanh niên kể lại: “xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném đứt lung tung…”.

– Nhưng cái gian khổ nhất là phải vượt qua được sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng phải ở một mình trên đỉnh núi không một bóng người.

c) Anh thanh niên là người có lòng yêu nghề

– Anh thấy công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh thấy mình thật hạnh phúc khi được biết việc mình phát hiện ra một đám mây khô đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng.

– Anh có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “… khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao lại gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

d) Anh thanh niên là người sống khiêm tốn, cởi mở, chân thành

– Khi nói về công việc của mình, anh rất khiêm tốn. Khi biết người hoạ sĩ đang vẽ mình, anh đã nói: “Ơ, bác sẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác pẽ hơn”.

– Anh rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ trò chuyện với mọi người:

+ Khi mới lên làm việc, đã có lần anh lấy một khúc thân cây chắn ngang đường để xe phải dừng lại và anh có thể được gặp mọi người. 

+ Anh chu đáo biếu bác lái xe gói củ tam thất vì biết tin bác gái mới bị ốm dậy.

+ Anh ân cần chu đáo với bác lái xe, ông hoạ sĩ và cô kĩ sư: nấu nước “chè để mọi người cùng uống, hái hoa tặng cô kĩ sư, luộc trứng để mọi người ăn đường…

+ Anh sống ngăn nắp, gọn gàng, anh lấy sách làm người bạn trò chuyện.

3. Kết thúc vấn đề

– Chỉ bằng một số chi tiết và chỉ cho xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc.

– Truyện Lặng lẽ Sa Pa ngợi ca những con người lao động như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cái thế giới những con người như anh. Tác giả muốn nói với người đọc: Trong cái im lặng của Sa Pa, có những con người làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Đồng thời qua cầu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người: dù trong hoàn cảnh đơn độc giữa thiên nhiên vắng lặng quanh năm mà con người vẫn không cô đơn, buồn tẻ một khi người ta tìm thấy ý nghĩa của công việc và cuộc sống của mình.

Lặng lẽ Sa Pa có dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó của họ với thiên nhiên, đất nước, với mọi người.

ĐỀ 25 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết