1. Tác giả

Tố Hữu (1920 – 2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở Thừa Thiên – Huế. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Tố Hữu sớm tham gia cách mạng. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng. Những chặng đường thơ của Tố Hữu vì vậy gần như song hành với những chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Một số tập thơ tiêu biểu của Tố Hữu: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và hoa (1977),…

2. Hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ Lượm được Tố Hữu sáng tác năm 1949, in trong tập thơ Việt Bắc.

– Hoàn cảnh sáng tác bài thơ qua lời kể của Tố Hữa: “Một đồng chí ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm. Nó là con của một chú em họ của tôi. Từ Cách mạng tháng Tám, nó đã về với tôi ở Huế và cùng một số bạn nhỏ tự nguyện theo các chú bộ đội. Nó đi liên lạc cho đơn vị và trong khi đưa thư qua một cánh đồng, cháu bị trúng đạn, hi sinh khi mới mười bốn tuổi. Anh em trong đơn vị thương tiếc nó như con, em của mình. Thế là Lượm đã ngã xuống như Kim Đồng và bao bạn nhỏ dũng cảm khác”.

3. Hình ảnh Lượm – Hình ảnh Lượm hồn nhiên, trong sáng

Đó là một chú bé liên lạc với trang phục đặc trưng là cái xắc và mũ ca lô. Ấn tượng nhất với tác giả là dáng vẻ “loắt choắt”, cử chỉ rất nhanh nhẹn của Lượm. Đặc biệt, hình ảnh Lượm hiện lên thật hồn nhiên và đáng yêu với cái đầu nghênh nghênh, mồm huýt sáo sang, cười híp mí, má đỏ bồ quân. Hình ảnh của Lượm, tác giả đã có một sự so sánh, liên tưởng độc đáo: như con chim chích, nhảy trên đường vàng. Nét hồn nhiên ấy còn thể hiện trong những lời nói tự nhiên, chân thật:

Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà.

Trong lời nói đó, ta cảm nhận được niềm vui, lòng say mê công việc kháng chiến của Lượm.

– Hình ảnh Lượm anh dũng, quả cảm

Người đọc không thể quên được chuyến đi liên lạc cuối cùng của em. Vẫn là chú bé Lượm, vẫn với chiếc mũ ca lô quen thuộc nhưng trong hoàn cảnh “đồng quê vắng vẻ”, “đạn bay vèo vèo” ta thấy Lượm thật kiên cường với suy nghĩ:

Thư đề thượng khẩn

Sợ chi hiểm nghèo,

thật anh dũng trong hành động:

Vụt qua mặt trận,

Vì nhiệm vụ, em quyết tâm vượt qua bao nguy hiểm, khó khăn. Phải chăng trong đó chứa đựng sức mạnh lớn lao của lòng yêu nước, yêu quê hương? Và, chú bé Lượm đã hi sinh anh dũng. Em đã ngã xuống giữa cánh đồng lúa quê hương như được trở về với vòng tay ấm áp của mẹ.

– Hình ảnh Lượm bất tử

Lượm ơi! Còn không?

Câu hỏi là lời khẳng định của tác giả và tất cả mọi người. Hình ảnh một chú bé liên lạc hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, rất anh dũng và quả cảm sẽ còn sống mãi trong tình yêu và niềm cảm phục của mọi người.

4. Tình cảm của tác giả

Bài thơ là tình yêu thương vô bờ mà tác giả Tố Hữu dành cho người cháu thân yêu của mình. Đằng sau hình ảnh Lượm, thấp thoáng một ánh nhìn đầy trìu mến và thân thương của tác giả. Vì thế, nhà thơ đã không kìm nổi xúc động và đau đớn khi nghe tin Lượm hi sinh. Câu thơ cảm thán bị ngắt đôi, đứng tách thành một khổ thơ như một nỗi đau nhói lên:

Ra thế!

Lượm ơi!…

Ngoài ra, đó còn là niềm tin vào sự bất tử của Lượm trong lòng mọi người.

Đề 24: Suy nghĩ về văn bản Lượm (Tố Hữu)
5 (100%) 2 votes