HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ 

Về tác giả Xuân Diệu (1916 – 1985) cần chú ý những điểm sau đây:

– Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hoá lớn. Trong phong trào Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

– Xuân Diệu đến với cách mạng sớm, sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhập cuộc ngay với cuộc sống cách mạng và thơ ông gắn liền với cuộc sống cách mạng của nhân dân.

– Xuân Diệu là một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có cách viết tài hoa với một tài năng đa dạng trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn xuôi, tiểu luận, phê bình văn học, dịch thơ… có đóng góp to lớn đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. 

II. TÁC PHẨM: VỘI VÀNG

Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938), là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.

* Đọc bài thơ. Cố gắng tập đọc diễn cảm theo nhạc điệu và cảm xúc hối hả tuôn trào của bài thơ: 

– Đoạn 1 (13 câu đầu): đọc với giọng thiết tha, say đắm. 

– Đoạn 2 (câu 14 – 30): đọc với giọng băn khoăn, day dứt, nuối tiếc. 

– Đoạn 3 (câu 31 – 39): đọc với giọng cuồng nhiệt, hối hả, vội vàng. 

1. Tìm bố cục của bài thơ

Bài thơ có thể chia làm ba đoạn: 

– Đoạn 1 (13 câu đầu): Tình yêu cuộc sống thiết tha, say đắm của Xuân Diệu.

– Đoạn 2 (câu 14 – 30): Nỗi băn khoăn của Xuân Diệu về tuổi trẻ của mình trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian.

– Đoạn 3 (câu 31 – 39): Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt, hối hả – vội vàng sống để tận hưởng mọi hạnh phúc của tuổi trẻ là tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu.

2. Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu trong bài thơ:

Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu được nói đến trong 11 câu thơ (câu 14 – 24) mang ý vị triết lí nhân sinh sâu sắc. Cảm nhận về thời gian của thi nhân ở đây gắn liền với mùa xuân và tuổi trẻ của một con người yêu cuộc sống thiết tha, say đắm, nên mang nét riêng của Xuân Diệu rất rõ. 

a. Thời gian và mùa xuân:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua, 
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,            
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.             

Xuân Diệu viết bài thơ này khi mới ngoài hai mươi tuổi, nghĩa là còn rất trẻ. Người trai trẻ ấy nghĩ về mùa xuân như vậy, mới biết sức tàn phá của thời gian như thế nào và thi nhân “sợ” thời gian trôi nhanh ra sao? Ở cái tuổi ấy, có lẽ ít người nghĩ thế và nhất là viết như thế để giãi bày lòng trong thơ. Hai câu thơ trên là đối lập (đương tới / đương qua; còn non / sẽ già) để đi đến một kết luận khẳng định về sự đồng nhất giữa mùa xuântác giả (con người):

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. 

Mùa xuân trôi đi thì cuộc đời con người cùng chấm hết. Cảm thức về sự tàn phá của thời gian thật mạnh và sâu, được nâng lên như một triết lí nhân sinh của Xuân Diệu. Một con người bình thường không thể nghĩ về thời gian, không thể “sợ” thời gian trôi nhanh đến mức như thế. Hẳn là trong ông có chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ, hay chính vì ông quá yêu cuộc sống nồng nhiệt và say đắm mà “sợ” thời gian cướp mất mùa xuân của mình? Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu ở dây, thực ra, suy cho cùng cũng chính là hệ quả tất yếu phải có của lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông. 

b. Thời gian và tuổi trẻ

Thời gian cướp đi mùa xuân cũng có nghĩa là cướp mất tuổi trẻ của nhà thơ. Đây chính là nỗi xót đau và lo lắng nhất của Xuân Diệu. Bởi chính ông là người yêu quý tuổi trẻ nhất và lo sợ thời gian trôi nhanh thì tuổi trẻ sẽ không còn nữa. Điều đó được ông bộc lộ thật chân thành, tha thiết:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật. 
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,      
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,       
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!          

Làm sao cuộc đời con người lại có hai lần “tuổi trẻ”? Và khi thời gian đã trôi nhanh thì liệu tuổi trẻ có còn? Như vậy, “xuân vẫn tuần hoàn” thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi tuổi trẻ đã hết? Với Xuân Diệu, cái quỹ nhất của đời người là tuổi trẻ, tuổi trẻ là đẹp nhất, cuộc sống thời tuổi trẻ là hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Và điều ông lo sợ nhất là mất đi cái thời quý giá ấy của cuộc sống con người. Nếu không con tuổi trẻ thì cuộc sống con người cũng chẳng còn:

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, 
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời      
Mùi tháng năm đều rớm bị chia phôi,    
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…

Qua cảm nhận về thời gian – cũng là qua nỗi băn khoăn của Xuân Diệu trước cuộc đời, ta thấy hiện lên cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cõi đời mà nhà thơ khao khát. Đó là tình yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu cuộc đời tha thiết như muốn sống mãi trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời. 

3. Cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu

a. Thiên nhiên và cuộc sống hiện lên trong bài thơ thật gần gũi, đẹp và đáng yêu:

– Bức tranh thiên nhiên đây xuân tình rạo rực, ứ tràn sức sống:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật; 
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;         
Này đây lá của cành tơ phơ phất;           
Của yến anh này đây khúc tình si.           

Bức tranh thiên nhiên ở đây, xét về hiện thực phản ánh, không có gì đặc biệt: cũng chỉ là những ong bướm, hoa lá, chim chóc mà thơ ca mọi thời đã nói đến. Cái đặc biệt ở đây chính là sự cảm nhận của nhà thơ đã khiến cho những ong bướm, hoa lá, chim chóc ấy bỗng như sống dậy, ngây ngất si mê dưới ngòi bút Xuân Diệu. Nhà thơ đã phát hiện ra những vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên quanh ông (“tuần tháng một của ong bướm”, “khúc tình si của yến anh.”) và thổi vào thiên nhiên một tình yêu rạo rực, đắm say (qua một loạt hình ảnh tươi mới đầy sức sống của ong bướm, hoa, lá, yến anh; bằng âm diệu dìu dặt, trữ tình của câu thơ 8 tiếng được cất lên từ các cấu trúc câu “của… này đây…”, “này đây… của…” xen kẽ với nhau trong đoạn thơ). Trước Xuân Diệu, ít thấy những bức tranh thiên nhiên đẹp và say người đến vậy.

– Bức tranh đời sống con người lại càng đằm thắm và đáng yêu hơn bằng những nét bút tài hoa tử một hồn thơ yêu đời, yêu người tha thiết Xuân Diệu. Chỉ ba câu thơ mà tạo ra một điểm nhấn thật đẹp cho tác phẩm, với những hình ảnh không thể nào quên:

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,      
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;     
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Cuộc sống đẹp biết bao khi “Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa” và hạnh phúc tràn đầy trong. “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Với Xuân Diệu, cuộc sống là vui và mùa xuân là đẹp nhất.

Thi sĩ của mùa xuân đã đem đến cho thế hệ trẻ một câu thơ đẹp và tài hoa về mùa xuân của con người, của cuộc sống:

Tháng giêng ngon như cặp môi gần.

 Đã có không ít câu thơ ca ngợi mùa xuân, nhưng đây là câu thơ độc đáo của riêng Xuân Diệu. Những gì là hạnh phúc, sức sống, vẻ đẹp của mùa xuân như được cô đúc lại trong một từ “ngon” rất gợi, lại được so sánh với “một cặp môi gần” rất đời thường, hàm chứa ý nghĩa mà không hề có chút gì là nhục cảm. Viết được một câu thơ như thế, Xuân Diệu phải yêu cuộc sống đời thường quanh ông biết bao!

b. Quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc:

– Xuân Diệu yêu cuộc sống nhưng đó là cuộc sống nào? Đó là cuộc sống trần thế xung quanh nhà thơ. Nó thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ của nhà thơ, như Hoài Thanh đã nhận xét: “Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiến, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới” (Thi nhân Việt Nam). Chính vì yêu tha thiết cuộc sống đời thường quanh ông, Xuân Diệu đã phát hiện ra trong cuộc sống đó những nét đẹp thật tinh tế, đáng yêu, giàu chất thơ như đã phân tích trên đây. Một quan niệm như thế ở một nhà thơ lãng mạn thật mới mẻ và đáng trân trọng.

– Xuân Diệu yêu tuổi trẻ và biết quý tuổi trẻ của mình bởi đây là quãng thời gian đẹp và đáng sống nhất, có nhiều hạnh phúc nhất của cuộc đời một con người (xem phân tích câu 2).

– Xuân Diệu quan niệm hạnh phúc không ở đâu xa (hoặc ở một cõi khác) mà chính là ở quanh ta. Ở sự sống quen thuộc của trần thế khi được cảm nhận một bức tranh thiên nhiên đẹp của hoa lá đồng nội, của ong bướm, chim chóc, được sống trong một tháng giêng ngon… Vì vậy, phải biết giữ lấy hạnh phúc, giữ lại những vẻ đẹp của cuộc sống cho mình bằng những ý tưởng thật táo bạo:

Tôi muốn tắt nắng đi       
Cho màu đừng nhạt mất; 
Tôi muốn buộc gió lại      
Cho hương đừng bay đi.  

Và chính vì thế, nhà thơ đã có một cách sống vội vàng để tận hưởng hạnh phúc của tuổi trẻ, của mùa xuân như nhan đề bài thơ mà ông đã bày tỏ nỗi lòng.

4. Tìm hiểu đoạn cuối bài thơ (chủ yếu về mặt nghệ thuật)

– Hình ảnh: Tươi mới, đầy sức sống: sự sống mơn mởn; mây đưa vào gió lượn; cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều; non nước, cỏ, cây; mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc; xuân hồng.

– Ngôn ngữ: Động từ mạnh, tăng tiến dần: ôm, riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đây, no nê, cắn.

– Nhịp điệu: dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt: được tạo nên bằng những câu dài ngắn xen kẽ, với những điệp từ có tác dụng tạo nhịp và ngắt nhịp nhanh, mạnh (ta: 5 lần, và: 3 lần, cho: 3 lần).

=> Đã bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống.

Đoạn thơ này rất tiêu biểu cho sự cách tân nghệ thuật của Xuân Diệu trong “Thơ mới”.

– Hình ảnh mới mẻ, độc đáo nhất: Anh (chị) tìm theo ý thích riêng của mình và nói rõ vì sao mình thích hình ảnh đó.

ĐỀ 237: Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu; cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng.
Đánh giá bài viết