HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ XUÂN DIỆU

1. Xuân Diệu (1916 – 1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Bình Định. Theo lời Xuân Diệu, cả xứ Nghệ quê cha và xứ dừa quê mẹ đều có ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp văn chương của ông. Xuân Diệu đã thừa hưởng đức tính cần cù, kiên nhẫn trong lao động của người xứ Nghệ và hồn thơ của ông được bồi đắp nên từ thiên nhiên thơ mộng vạn Gò Bồi. Sau khi đỗ tú tài, Xuân Diệu đi dạy học tư, làm viên chức ở Mỹ Tho rồi ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Ông hăng hái tham gia các hoạt động xã hội với tư cách một nhà văn chuyên nghiệp: đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1996, Xuân Diệu được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, một nhà văn hoá lớn. Ngay từ khi mới bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu đã được nhìn nhận là nhà thơ “mới nhất trong những nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông là nhà thơ của mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu với một hồn thơ “khát khao giao cảm với đời” (Nguyễn Đăng Mạnh). Xuân Diệu luôn duy trì một nguồn cảm xúc tươi mới, một cặp mắt “xanh non” để nhìn vạn vật nên dòng thơ của ông cho đến cuối đời vẫn không hề vơi cạn. Sự đam mê sáng tạo của ông như một cuộc chạy đua với thời gian, tìm đến sự bất tử trong văn chương.

3. Tác phẩm chính của Xuân Diệu gồm các tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982); các tập văn xuôi: Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945); các tập tiểu luận, phê bình, nghiên cứu: Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (hai tập – 1981, 1982), Công việc làm thơ (1984),… 

II. BÀI THƠ VỘI VÀNG 

Vội vàng được in lần đầu trong tập Thơ thơ (NXB Đời nay, Hà Nội, 1938). Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng, cho thấy nhân sinh quan mới mẻ cùng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ.

NỘI DUNG 

1. Đoạn 1 (13 câu đầu): Tình yêu tha thiết đối với cuộc sống.

Thi nhân là người nhạy cảm hơn ai hết về sự phai tàn của cái đẹp trước thời gian, họ muốn níu giữ cả những gì mong manh nhất của hương sắc cuộc đời (muốn “tắt nắng đi” cho “màu đừng nhạt”, muốn “buộc gió lại” cho “hương đừng bay”). Những ước muốn “không tưởng” ấy được bộc lộ một cách chân thành, mãnh liệt bởi nó bắt nguồn từ tình yêu tha thiết đối với cuộc sống. Khác với nhiều thi nhân lãng mạn thời ấy, Xuân Diệu không cần phải tìm cách thoát li hiện thực, nhà thơ tìm thấy cho mình cả một “thiên đường” ngay trên mặt đất này:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật; 
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,         
Này đây là của cành tơ phơ phất;            
Của yến anh này đây khúc tình si;..         

Đấy là một cõi trần dạt dào nhựa sống giữa mùa xuân. Tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ bắt nhịp ngay với những gì đang nảy lộc đâm chồi, đang đơm hoa kết trái. Sự ngất ngây, say đắm của hồn thơ biểu hiện trong nhịp thơ tuôn chảy ào ạt (này đây… này đây…), những hình ảnh mang sắc màu rực rỡ (ong bướm…tuần tháng mật; hoa… đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất), nhưng âm thanh réo rắt (yến anh… khúc tình si),… Cảm nhận được sự sống xuân thì đang ở dạng phồn thực khiến cho các giác quan bất chợt thăng hoa, thi nhân đã có một so sánh đặc biệt tình tứ: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái đẹp của con người đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên đó là một phát hiện trong quan niệm mĩ học của Xuân Diệu. Nhưng ngay trong lúc ở đỉnh cao của sự đắm say giao hòa cùng vạn vật, cảm giác tiếc nuối thời gian vẫn song hành tồn tại (Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa – Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân).

2. Đoạn 2 (từ câu 14 đến câu 29): Nỗi băn khoăn, tiếc nuối về sự một đi không trở lại của tuổi xuân trước sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian.

– Cảm nhận về thời gian ở mỗi người, mỗi thời không giống nhau. Người xưa quan niệm thời gian là một vòng tuần hoàn, con người còn có kiếp luân hồi nên có thể tồn tại vĩnh hằng cùng trời đất. Thời hiện đại, ý thức về sự hiện hữu của “cái tôi, cá nhân kéo theo sự thay đổi quan niệm về thời gian”. Ở các nhà thơ mới, đặc biệt là Xuân Diệu, cảm thức về thời gian vô cùng nhạy bén. Đối với thi nhân, mỗi giây phút cuộc đời là vô cùng quý giá, một đi không trở lại, nên Xuân Diệu lúc nào cũng như chạy đua với thời gian, “giục giã” mình và mọi người “Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ!”. Nhà thơ cảm thấy thời gian đang chảy trôi vùn vụt trong mùa xuân của đất trời:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.            

Và nhận thấy con người hoàn toàn chịu sự chi phối của dòng chảy đó:

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.       
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,   

Cái đẹp của thiên nhiên là mùa xuân, cái đẹp của con người là tuổi trẻ. Mùa xuân của đất trời còn có thể tuần hoàn nhưng tuổi xuân của đời người thì chẳng bao giờ “thắm lại”! Đó là một nghịch lý nhưng lại là quy luật tất yếu. Cảm nhận sâu sắc và có phần đau đớn về sự một đi không trở lại của tuổi xuân khiến thi nhân nhìn đâu cũng thấy “mầm li biệt”:

Mùi tháng năm đều rớm bị chia phôi,   
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
– Con gió xinh thì thào trong lá biếc,      
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?         
Chim vội vàng bỗng đứt tiếng reo thi,      
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?         

3. Đoạn 3 (từ câu 30 đến hết): Lời giục giã cuồng nhiệt của nhà thơ.

Chính vì bất lực trước quy luật khắc nghiệt của thời gian nên nhà thơ mới vội vàng giục giã mọi người tận hưởng tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên thế gian này (sự sống… mơn mởn; mây đưa… gió lượn; cánh bướm… tình yêu, mùi thơm, ánh sáng,…). Tình cảm đắm say, tha thiết đến cuồng nhiệt đối với sự sống một lần nữa lại trào lên ở cuối bài thơ bằng những điệp từ (ta muốn… ta muốn) bằng những động, tính từ mạnh mẽ (riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đây, no nê,…) và lên đến cao trào: – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! 

Đó là cách bộc lộ cảm xúc vô cùng mãnh liệt, độc đáo và mới mẻ chỉ có ở Xuân Diệu. 

NGHỆ THUẬT

1. Sự kết hợp hài hoà giữa mạch cảm xúc trên bề mặt và mạch triết luận ở bề sâu. Mỗi cảm xúc ào ạt, mê say, đắm đuối tưởng như bột phát qua những hình ảnh tràn trề, rực rỡ thực chất đều bị chi phối bởi mạch luận lí ẩn bên trong. Có thể dõi theo hai mạch song hành đó qua trình tự các khổ thơ. Muốn tắt nắng, buộc gió, muốn giữ lại hương sắc cuộc đời (khổ 1) bởi cuộc sống trần gian rạo rực xuân thì, đẹp đến ngất ngây (khổ 2). Nhưng cái đẹp nào có tồn tại mãi. Mùa xuân của đất trời có thể tuần hoàn nhưng tuổi xuân của đời người thì một đi không trở lại, trong cái đang phơi. phới đã có mầm tàn lụi, vị chia li (khổ 3). Vì thế con người phải vội vàng lên, ôm trọn lấy cuộc đời, thâu nhận hết thảy sắc hương của sự sống (khổ 4). Nhịp thơ ở đây cũng biến đổi uyển chuyển, linh hoạt theo dòng cảm xúc. Khi diễn tả sự đắm say, sôi nổi thì nhịp điệu trở nên dồn dập, khi cần triết luận thì nhịp thơ dãn ra, lắng lại, những đoạn cao trào nhịp điệu lại được đẩy lên mạnh mẽ, sôi nổi.

2. Những sáng tạo độc đáo về hình ảnh và ngôn từ. Hình ảnh thơ táo bạo, mãnh liệt (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!…). Ngôn ngữ thơ phong phú và mới lạ: cách đảo ngữ rất tân kì (Của ong bướm này đây tuần tháng mật – Này đây hoa,…), phép điệp và phép đối được phát huy triệt để trong cấu trúc câu thơ làm tăng sức biểu hiện (Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua – Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,…), các giác quan được huy động tối đa dẫn đến những cảm nhận độc đáo (Mùi tháng năm đều rớm bị chia phôi – Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt,…).

3. Giọng thơ đắm say, sôi nổi. Đó là một nét riêng của giọng thơ Xuân Diệu được thể hiện rất rõ trong bài thơ này. Giọng thơ đã truyền được trọn vẹn cái đắm say trong tình cảm của nhà thơ và như vậy, bài thơ đã tìm được con đường ngắn nhất đến với trái tim người đọc.

ĐỀ 235: Nội dung và nghệ thuật của bài thơ Vội vàng.
Đánh giá bài viết