HƯỚNG DẪN 

– Thiên nhiên, sự sống hằng ngày qua cách nhìn đắm đuối nỗi yêu đời của Xuân Diệu trở nên tươi mới và lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu. Tất cả hiện lên đầy rạo rực, nồng nàn. Không khí xuân tình bao phủ thời gian, không gian, mùi vị, âm thanh và màu sắc của “Vội vàng”: tuần tháng mật, đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, ngon như một cặp môi gần gần, khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi… Cuộc sống trần gian trong “Vội vàng” phản chiếu tâm hồn đa cảm và đắm đuối của Xuân Diệu trước cuộc đời. Trái ngược với các nhà thơ trung đại, Xuân Diệu đã lấy con người làm thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo vật, làm cho những ban mai mùa xuân đầy ánh sáng cũng biết chớp hàng mi đẹp đẽ, tháng giêng thơm ngon như một cặp môi gần kề thanh khiết… Có thể nói, thế giới thiên nhiên và sự sống trong Vội vàng tuy có điểm giống nhưng vẫn rất khác với thiên nhiên và sự sống trong thơ trung đại.

– Quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc có nét mới mẻ so với các nhà thơ trung đại và các nhà thơ cùng thời. Đó là một quan niệm tích cực và thấm đẫm tinh thần nhân văn:

+ Với Xuân Diệu, cuộc sống ở cõi đời trần thế là cuộc sống đẹp nhất, không cõi nào sánh bằng, dù là cõi mộng. Đó là một cuộc sống bốn mùa mơn mởn đầy cánh bướm và tình yêu, cõi xuân hồng (trong bài thơ Tình mai sau, khi nghĩ đến lúc phải giã từ cuộc đời trần thế để trôi dạt vào một cõi mô tê nào đó, Xuân Diệu đã dằn dỗi chối từ: Đi sao được khi mặt trời vẫn nở – Bỏ sao đang những mái ngói yên buồn – Đang rất lặng với hàng cây hay nhớ – Xa sao đành mắt đẹp của hoàng hôn).

+ Với Xuân Diệu, thời gian đẹp nhất của một đời người là những tháng năm tuổi trẻ. Mỗi ngày trong năm tháng ấy là mỗi ngày của niềm rạo rực yêu đời, mỗi ban mai dầy rộn ràng hương vị mùa xuân và tình yêu (Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa).

+ Với Xuân Diệu, hạnh phúc không ẩn náu ở một cõi xa xôi trừu tượng nào cả mà tồn tại rất thực trong đời sống mỗi người. Hạnh phúc nồng nàn đó có mặt trong tình yêu của lứa đôi và trong tình yêu đối với cuộc đời.

ĐỀ 230: Thiên nhiên, sự sống được biểu hiện như thế nào qua nhãn quan của Xuân Diệu? Quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc có nét mới mẻ gì so với các nhà thơ trung đại và các nhà thơ cùng thời?
Đánh giá bài viết