BÀI LÀM

Người ta đi du lịch trước hết là để “thay đổi không khí”, nói chính xác hơn, để tìm đến một môi trường mới, có lợi cho sức khỏe, tinh thần và phát hiện những điều mới lạ chưa biết tới. Không ai muốn đến một nơi mà môi trường có hại cho sức khỏe và tinh thần của họ. Nhưng buồn thay cái chân lý xem ra quá hiển nhiên đó thường được bỏ qua. Người làm du lịch có khuynh hướng chỉ chăm lo chỗ ăn ở, nơi tham quan của du khách, xe cộ… điều ấy là cần thiết và quan trọng nhưng chưa đủ. Ngoài những thứ đó, du khách còn cần một môi trường tốt dù họ sống ở đó một thời gian ngắn hay chỉ đi qua chốc lát mà thôi.

Hải Phòng là một địa điểm du lịch hấp dẫn, khách du lịch trong và ngoài nước thường thích về Hải Phòng bằng tàu hoả, vừa tiện, vừa rẻ lại được ngồi tàu Việt Nam dù chỉ để xem “nó chạy chậm thế nào” như lời một anh bạn Pháp nói với tôi. Tàu chạy chậm không sao, còn có thể là điều thú vị. Nhưng liệu du khách sẽ nghĩ như thế nào nếu ghé đầu qua cửa sổ khi tàu bắt đầu vào thành phố Cảng mong đợi. Họ sẽ nhăn mặt và hạ cửa kính xuống để khỏi phải nhìn thấy những đống rác, mái lều lụp xụp và dãy hố xí thùng bên cạnh đường sắt, mặt sau các dãy phố? Chỉ chừng ấy thôi thì công phu giới thiệu, quảng cáo và tham quan thắng cảnh của một thành phố đủ tiêu tan hết trong lòng du khách.

Những bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò với khách sạn hiện đại, sạch sẽ, bãi cát trắng phau, sóng biển dập dờn. Nhưng một người đến nghỉ mát từ các thành phố hay từ một nước Âu Mỹ đến, sẽ nghĩ như thế nào nếu nhìn thấy hoặc vô phúc dẫm phải, những thứ rác rưởi do du khách hay chính người dân bản địa xả ra?

Chùa Hương, chùa Thầy và nhiều ngôi chùa khác toạ lạc những nơi cô liêu, u tịch. Du khách tìm đến các chùa đẹp, có cảnh quan tuyệt mỹ nhiều khi chỉ để được hòa nhập trong chốc lát vào một môi trường mà họ không thể tìm thấy trong cuộc sống thị thành đã quá nhiều những cảnh lộn xộn ồn ào của chợ búa. Thế nhưng vừa đặt chân đến cổng chùa, họ đã lại gặp nguyên xi những cái chợ còn bệ rạc, lộn xộn hơn nhưng ồn ào, tranh cướp thì không kém những nơi mà họ vừa quyết định chạy trốn một thời gian? Đó là những chú bé còn thò lò mũi nhưng đã “tự nguyện” làm hướng dẫn viên dù chẳng ai yêu cầu, cuối cùng đòi tiền khách như đòi nợ. Những ông “cò” xe, cò nhà trọ, những kẻ bán đồ lưu niệm rởm, những cái máy chém du khách khi họ mua từ một quả chuối trở đi. Và làm thất vọng khách hơn hết có lẽ là những hướng dẫn viên nhạt nhẽo, kiến thức nghèo nàn, tóm lại là thiếu cái duyên thầm làm hướng dẫn viên du lịch. Những người này không tạo ra được một môi trường tinh thần mà khách mong đợi trong chuyến đi xa.

Vân vân và vân vân. Có vô số những chuyện về môi trường du lịch làm du khách chẳng những không muốn trở lại điểm du lịch mà đôi khi còn hối hận vì đã bỏ tiền túi ra để đến đó. Các luận chúng triển khai, phát triển điểm hay tuyến du lịch thường không quan tâm mấy đến môi trường do đó không có kế hoạch phối hợp hỗ trợ hay liên doanh. Chẳng hạn, chính quyền các cấp có cơ sở du lịch hay ngành giao thông vận tải chẳng hạn, đương nhiên là có trách nhiệm góp kinh phí (trích từ khoản thu thuế du lịch hay lợi nhuận tăng trưởng nhờ du lịch.) để cải thiện môi trường du lịch. Dùng một phần tiền thu được của khách để đưa lại niềm vui cho khách là thực sự biết kinh doanh du lịch, có văn hóa và hợp đạo lý.

ĐỀ 23: Suy nghĩ của anh (chị) về môi trường du lịch.
Đánh giá bài viết