HƯỚNG DẪN

Nhạc điệu của Vội vàng rất đặc trưng cho thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng tám. Nhạc điệu đó là sự tổng hợp của những cảm xúc nồng nàn, hối hả; nhịp thơ sôi nổi, gấp gáp; hơi thơ dạt dào… Xuân Diệu đã tạo nên nhạc điệu đặc biệt của bài thơ này bằng những thủ pháp nghệ thuật đa dạng có sự hoà điệu với nhau một cách tài tình.

– Thủ pháp trùng điệp được dùng rất linh hoạt, biến hoá xuyên suốt bài thơ (như hối hả, gấp gáp, giục giã). Chẳng hạn, tác giả sử dụng yếu tố điệp cú nhằm bộc bạch ao ước cháy bỏng ( Tôi muốn tắt nắng đi – Cho màu đừng nhạt mất rồi Tôi muốn buộc gió lại – Cho hương đừng bay đi); vừa điệp vừa đảo để khẳng định sự sở hữu Của… này đây), đảo lại Này đây…của, hay nhấn mạnh Và này đây…; điệp để cắt nghĩa và thuyết phục (Xuân đương tới nghĩa là… Xuân còn non nghĩa là…), điệp các cụm từ, các từ để thể hiện khát khao mãnh liệt (Ta muốn… ta muốn…, cho… cho…, và… và…)…

– Cách chuyển tiếp các thể thơ và ngắt nhịp cũng khá đa dạng và linh hoạt. Bốn câu đầu là thơ năm chữ. Phần còn lại là thơ tám chữ. Phần cuối lại có sự phá cách bằng việc tách ra một câu riêng chỉ gồm ba chữ Ta muốn ôm. Nhịp điệu trong toàn bài không thể không bị chi phối bởi những chuyển đổi lớn này; nó tạo ra những bước ngoặt trong mạch thơ, những đột biến trong cảm xúc, tựa như việc chuyển điệu, chuyển làn, khiến hơi thở tràn đi thành những cao trào liên tiếp. Nhịp điệu trong câu thơ tám chữ thường là: 3 / 3 / 2 (Này đây lá / của cành tơ / phơ phất) rồi đảo nhanh sang 3 / 2 / 3 (Của yến anh / này đây / khúc tình si); có lúc câu thơ tám tiếng bỗng biến thành mười tiếng với nhịp giãn rộng 5/ 5 (Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng) tựa như những cú đảo phách trong âm nhạc, vừa hoà hợp với những bước trùng điệp về cú pháp, về từ lại vừa linh hoạt về tiết tấu. Tất cả khiến cho nhịp điệu cứ sôi nổi, bồng bột, chuyển tải được một điệu tâm hồn say sưa, chếnh choáng… .

– Lời thơ có rất nhiều yếu tố của lối “văn nói” – phù hợp với giọng thơ mang tính tranh biện (mật độ dày đặc trong đoạn hoặc trong từng câu thơ những từ thiên về khẩu ngữ như từ để trỏ, tạo nhịp điệu cho những động thái của chủ thể: “này đây…” (5 lần): lối cắt nghĩa liên tục: “Nghĩa là…” (3 lần); liên từ dùng cấp tập: “Và…” (4 lần)…

ĐỀ 227: Anh (chị) có cảm nhận thế nào về nhạc điệu của bài thơ Vội Vàng? Nhạc điệu ấy được tạo ra bằng những thủ pháp nghệ thuật gì?
Đánh giá bài viết