HƯỚNG DẪN 

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nhà thơ Tố Hữu (1920 – 2002) quê ở Thừa Thiên – Huế, sớm giác ngộ lí tưởng cộng sản và hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Thơ Tố Hữu luôn đi song hành với những chặng đường cách mạng của Đảng: Từ ấy (1930 – 1946), Việt Bắc (1947 – 1954), Gió lộng (1955 – 1961), Ra trận (1962 – 1971), Máu và hoa (1972 – 1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999)…

2. Phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu:

– Là thơ trữ tình chính trị. Các sự kiện và các vấn đề lớn của đất nước, dân tộc là nguồn cảm hứng nghệ thuật của nhà thơ.

– Dạt dào cảm hứng lãng mạn cách mạng, chứa chan cảm xúc hướng về lí tưởng, tương lai với niềm lạc quan yêu đời.

– Đậm đà tính dân tộc từ nội dung đến hình thức, sử dụng thành công hai thể thơ: lục bát và song thất lục bát với lối nói quen thuộc, ví von, so sánh, giàu nhạc điệu.

3. Bài thơ Từ ấy được Tố Hữu sáng tác tháng 7 – 1938, thời gian nhà thơ được kết nạp vào Đảng. Bài thơ nằm trong phần Máu lửa của tập thơ Từ ấy (tập thơ Từ ấy gồm 3 phần: Máu lửa; Xiềng xích; Giải phóng). Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu…

II. NGHỆ THUẬT

1. Tố Hữu đã dùng những hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí, vườn hoa lá để chỉ lí tưởng. Những động từ bừng, chói, những cụm từ: đậm hương, rộn tiếng chim đã được nhà thơ sử dụng sáng tạo nhằm thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi nhà thơ được đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản.

2. Khi được ánh sáng của lí tưởng soi rọi, Tố Hữu đã có những nhận thức mới về lẽ sống. Nhà thơ khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hoà giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Tác giả đã tự buộc lòng để đến với mọi người, để sống chan hoà với mọi người trăm nơi, để có được sự đồng cảm chân thành, sâu sắc với mọi người. Từ đó, nhà thơ đã hoà trong một khối đoàn kết, gắn bó với mọi người. (Khổ thơ thứ hai)

3. Trong tình cảm của Tố Hữu đã có sự chuyển biến sâu sắc từ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Nhà thơ không còn là con người “Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn / Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời” (Nhớ đồng), mà đã thực sự đứng trong hàng ngũ những người lao khổ, là anh em, bè bạn của mọi người cần lao.

4. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ được tác giả dùng trong bài thơ vừa có tác dụng tạo nên những hình ảnh thơ trong sáng, gần gũi, có sức mạnh lôi cuốn sự chú ý của người đọc, người nghe lại vừa thể hiện được tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình đang say mê và bị cuốn hút bởi lí tưởng. Đặc biệt, trong bài thơ, cách sử dụng kết hợp các điệp từ, điệp ngữ đã tạo được một nhịp điệu vui tươi, luyến láy, giàu sức biểu cảm. Chính điều đó tạo nên một phong cách thơ Tố Hữu – trữ tình chính trị, vừa giàu tính dân tộc, vừa đại chúng, dễ gần, dễ thuộc.

ĐỀ 221: Nghệ thuật bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
Đánh giá bài viết