BÀI LÀM

“Không! không? Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc? Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”. Lời nói của Hồn Trương Ba cho ta thấy tấn bi kịch của nhân vật này: tâm trạng đau khổ, giày vò khi phải sống nhờ vào các anh hàng thịt thô lỗ, kềnh càng. Phải chăng hạnh phúc là được sống thật với chính mình?

Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng rất khó cắt nghĩa. Tôi nhớ một học giả Trung Quốc khi bàn về lối sống đẹp có nói: “Hạnh phúc của ta thuộc về cảm giác”. Mỗi người có một cảm giác khác nhau cũng như cách nhìn nhận về hạnh phúc khác nhau nhưng xét cho cùng đó là niềm hân hoan vui sướng của tâm hồn. Hạnh phúc có khi là sự sung sướng khi đạt được cái gì đó lớn lao, cao cả nhưng cũng có khi hạnh phúc là cái gì đó rất đỗi bình dị, thân thuộc như một tách trà nóng giữa ngày đông giá rét, như nụ cười cùng ánh mắt hân hoan của mẹ khi con cất tiếng nói đầu đời “Mẹ! Mẹ!” với những bước đi chập chững. Một tiếng nói ríu rít của trẻ thơ, một nụ hoa đỏ hồng vươn lên từ thân xương rồng xù xì gai nhọn còn đọng những giọt sương đêm đang khoe mình cũng là những ngân vang nhè nhẹ của bản nhạc hạnh phúc trong khúc giao hưởng cuộc đời. Nhưng cũng có lúc “Hạnh phúc không phải là ga mà bạn đến, mà là cách thức đến đó”.

Sống thật là sống thực, sống theo đúng nghĩa, sống theo bản chất vốn có, theo tính cách, theo quan điểm sống của bản thân mỗi người. Sống thật chính là giá trị cuộc sống, giá trị đó tồn tại trong mỗi con người không chỉ là thọ được bao nhiêu tuổi mà là tổng số chuỗi ngày họ được sống ấy thực ra có thể sống thật được bao nhiêu phần trăm đúng mình. Do đó sống thật với con người mình trước hết là để tạo ra một cuộc sống đặc biệt và thoải mái cho chính chúng ta. Hãy thử tưởng tượng, bạn đang là một cô bé rất năng động, thích bay nhảy nhưng vì một lí do ngớ ngẩn “người ta phần lớn đều thích thể” mà từ một cô bé có mái tóc dài rất mềm mại, duyên dáng, ưa nhìn bạn chuyển sang “nuôi tóc ngắn”, thay thế đôi giày thể thao thoải mái bằng đôi dép cao gót cho “tôn dáng” chẳng hợp với mình chút nào. Như thế là sống không thật, không sống đúng với tính cách của mình. Bạn là người thật thà, thẳng thắn, nhưng một lúc nào đó, muốn lấy lòng ai đó, bạn trở nên giả dối: “Bạn mặc chiếc áo này đẹp quá! Bạn đi đôi giày kia hợp phong cách hơn”… trong khi những trang phục đó không hợp với người bạn của bạn. Như thế cũng là sống không thật với chính mình.

Vậy tại sao “hạnh phúc” lại là “được sống thật với chính mình?” Hiểu theo đúng nghĩa của hai từ “hạnh phúc” và “sống thật” thì hạnh phúc là thành quả của việc sống thật, còn “sống thật” là cơ sở để có hạnh phúc. Phải sống thật thì mới có được hạnh phúc. Hạnh phúc của Chí (Chí Phèo – Nam Cao) là khi anh nhận ra những âm thanh quen thuộc bình dị của cuộc sống, nhận ra tình người, tình đời mà Thị Nở dành cho anh để anh khát khao sống thật, sống cuộc sống lương thiện. Còn nhân vật Hồn Trương Ba (Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ) cảm thấy hạnh phúc khi được thoát ra khỏi thân xác anh hàng thịt, được sống thật với chính mình, không phải sống một cuộc đời “bên trong một dòng bên ngoài một nẻo” nữa. Rõ ràng, niềm hạnh phúc, niềm vui mà mỗi người có được là do họ được sống đúng với bản thân mình, đúng theo suy nghĩ, hành động của mình mà không phải bắt chước ai, hay chạy theo thời đại. Chỉ cần bạn được sống đúng là mình, không giả tạo, không vay mượn, nghĩa là được sống thật, đây chính là niềm hạnh phúc!

Trong cuộc sống đôi khi “sống thật” là sống dũng cảm: biết chấp nhận sự mất mát để có được niềm hạnh phúc chân chính. Ông Nguyễn Phương Tùng – ngọn lửa cuối cùng của phố Lò Rèn là một người như thế. Trong khi nhiều người chạy theo cơ chế thị trường thay thế các lò rèn bằng hàng loạt cửa hàng khung nhôm cửa kính, sắt thép thì ông Hùng vẫn chấp nhận khó khăn để nối nghiệp ông cha. Ông gắn bó với nghề rèn. Ông coi sự vất vả, lò than hồng với tiếng búa nện chát chúa là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông.

Sống thật có ý nghĩa gì đối với mỗi người? Sống thật với chính mình có thể quyết định cả cuộc sống và tương lai lâu dài của bạn. Chỉ có sống thật mới giúp bạn tự tin trong cuộc sống. Và cũng chỉ có sống thật bạn mới tạo dựng được niềm tin đối với mọi người, được mọi người yêu mến, tôn trọng.

Sống thật với chính mình có dễ không? Sống thật là phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của con người. Nhưng để sống thật với chính mình không phải là điều dễ thực hiện đối với tất cả mọi người. Bởi lẽ, thói thường người ta hay thích những lời nói có cánh, những lời nói ngọt ngào mà “lời nói chẳng mất tiền mua”. Cho nên để không “mất lòng người khác, người ta dễ dàng “biểu diễn” ngôn từ, đánh lừa những giá trị đích thực của cuộc sống để tặng nhau như một món quà “thượng hạng”. Bản thân mỗi người cũng khó sống thật với chính mình, nhất là những lúc phạm sai lầm. Khi phạm sai lầm, người ta hay tìm cách bào chữa cho mình thay vì tìm ra ngọn nguồn của lỗi lầm để sửa chữa, khắc phục.

Sống thật không dễ nhưng để có được niềm hạnh phúc chân chính thì người ta phải biết dũng cảm, biết sống thật với chính mình. Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa và thảm đỏ nhưng bạn hãy luôn là chính mình. Điều đó sẽ giúp bạn hài lòng hơn về bản thân và cuộc sống xung quanh bạn của “hạnh phúc là được sống thật với chính mình”.

ĐỀ 22: Phải chăng hạnh phúc là được sống thật với chính mình?
Đánh giá bài viết