HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ TỐ HỮU 

1. Cũng giống như các tác giả Thanh Tịnh hay Thanh Hải, Tố Hữu là một người con của xứ Huế, miền quê có sông Hương núi Ngự, có khúc Nam bằng, Nam ai, có điệu hò mái nhì, mái đẩy. Sông núi ấy, các khúc hát điệu hò ấy của “Huế đẹp và thơ” đã góp phần làm nên tiếng thơ ngọt ngào, yêu thương, khiến thơ Tố Hữu có sức rung động lớn trong trái tim bao người đọc.

2. Là người cùng thế hệ với các thi nhân lãng mạn (sinh sau Xuân Diệu, Nguyễn Bính vài năm, cùng tuổi với Chế Lan Viên, kém Huy Cận và hơn Anh Thơ, Tế Hanh một tuổi), Tố Hữu là một nhà thơ rất mới mẻ, không chỉ về mặt nội dung so với các nhà “thơ mới” mà còn cả về mặt hình thức nghệ thuật so với phần lớn các tác giả của văn học yêu nước và cách mạng lúc bấy giờ. Đây chính là một trong những lí do làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Tố Hữu – nhất là của tập thơ Từ ấy – đối với những người trẻ tuổi.

3. Song điều khiến Tố Hữu trở thành nhà thơ luôn đứng ở hàng đầu của nền thi ca hiện đại vẫn là trong suốt đời thơ của mình, nhà thơ luôn gắn liền hoạt động thi ca với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình. Với Tố Hữu, làm thơ cũng là một công việc cách mạng, phục vụ cho cách mạng. Vì thế, thơ Tố Hữu là sự phản ánh những chặng đường lịch sử của cách mạng vô sản Việt Nam, từ những ngày đấu tranh gian khổ để làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vẻ vang, qua những năm chiến đấu chống thực dân Pháp, rồi xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc và chống đế quốc Mĩ, tới sau ngày toàn thắng. Đấy là điều có thể cảm nhận được khi đọc các tác phẩm mà nhà thơ đã sáng tác liên tục trong một sự nghiệp thơ ca kéo dài tới hơn 60 năm: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đàn. 

II. TẬP THƠ TỪ ẤY

1. Là tập thơ đầu lòng của Tố Hữu. Tập thơ mười năm: 1937 – 1946. Mười năm thơ của mười năm hoạt động cách mạng”.

Như vậy thời điểm người chiến sĩ Tố Hữu đến với cách mạng cũng là thời điểm người thi sĩ Tố Hữu đến với thơ. Bài thơ đầu tiên của tập thơ Từ ấy, cũng tức là bài đầu tiên trong sự nghiệp thi ca của Tố Hữu – bài Mồ côi, đăng trên báo Dân – được viết khi tác giả của nó đã đi vào con đường hoạt động cách mạng ở thành phố Huế quê hương.

Đây là chỗ khác nhau cơ bản giữa Tố Hữu với những nhà thơ mới, như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ (đã học hoặc đã đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 11) hay Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Tế Hanh (đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8), những thanh niên gặp thơ từ khá lâu trước khi thực sự gặp gỡ và hoà vào phong trào đấu tranh cách mạng.

2. Từ ấy gồm 72 bài thơ, chia thành 3 phần:

– Phần Máu lửa, gồm 29 bài thơ, được viết từ khi nhà thơ bắt đầu tham gia đấu tranh cách mạng cho đến khi bị bắt vào tù (1937 – 1939).

– Phần Xiềng xích, gồm 29 bài thơ, được viết trong các nhà ngục của thực dân (1939 – 1942).

– Phần Giải phóng, gồm 14 bài thơ, được viết từ khi tác giả vượt ngục Đắc-klay (Bắc Kon Tum), trở về hoạt động cách mạng ở Thanh Hoá, rồi ở Huế, cho tới trước ngày toàn quốc kháng chiến (1942 – 1946). – Một phần không nhỏ các bài trong tập Từ ấy, nhất là ở phần Xiềng xích, được lưu hành theo phương thức truyền miệng hoặc chép tay, chính tác giả cũng không nhớ hết. Có nhiều bài được “viết trên lá gội non với mũi kim nhọn […] mỗi bài phải dùng cả một cành có dăm bảy lá tươi […]. Những “cành thơ” ấy được đưa cho mấy anh thường phạm tốt […] mang ra ngoài”. Sẽ không có được con số 72 bài của tập thơ, nếu sau này không có những người chép lại những bài thơ họ đã thuộc lòng gửi đến cho tác giả.

3. Từ ấy là một “bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn”, nở ra từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong mười năm gian lao và anh dũng.

Đó là một tiếng hát tha thiết yêu thương: yêu cách mạng, yêu đời, yêu quần chúng nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu những cuộc đấu tranh cách mạng đang diễn ra trên thế giới (như ở Trung Quốc, Liên Xô, Pháp).

Đó là bài ca hùng tráng của những người hiểu rằng chiến đấu là con đường duy nhất để giành được độc lập, tự do, sung sướng, vì thế, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho “trường đấu tranh”, không sợ gian khổ, không sợ chết.

Đó là tiếng hát tràn ngập niềm tin tưởng, lạc quan của người biết rằng chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ thuộc về mình.

ĐỀ 215: Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu và tập thơ Từ ấy.
Đánh giá bài viết