HƯỚNG DẪN 

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?   
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.   

 – Thôn Vĩ hiện lên qua hồi tưởng của nhà thơ thật đẹp. Đó là cảnh thôn Vĩ trong một buổi sáng “nắng mới lên” ngày mới bắt đầu. Hai nét vẽ thật tài hoa: một nét trên cao, nắng ban mai rực rỡ, nhảy múa lung linh trên những hàng cau; một nét dưới thấp, màu xanh mướt như ngọc của vườn cây sum sê hoa trái. Bút pháp tả cảnh của thi nhân ở đây thật tinh tế: có “nắng mới lên” thì sương mới tan và vườn cây mới “mướt” (loang loáng nước) và có “mướt” thì mới “xanh như ngọc” được (một màu xanh trong suốt). Tất cả gợi lên một cảnh vườn quê đẹp và đầy sức sống cảnh vườn quê gần gũi, thân quen của bao vườn quê nhưng lại có nét thơ mộng trữ tình riêng của Vĩ Dạ. Phải yêu thôn Vĩ lắm thì trong hồi tưởng của mình, cảnh vườn quê thôn Vĩ mới sống dậy lung linh, rạo rực trong câu thơ như thế. Với hai câu thơ này, hàng cau quê hương và màu xanh làng quê đất Việt có thêm một giá trị mới trong ngòi bút thơ đầy phát hiện của Hàn Mặc Tử.

Cảnh đẹp nhưng lòng nhà thơ lại nuối tiếc, xót đau vì cảnh ấy đâu còn là của mình nữa? Câu hỏi mở đầu bài thơ đã cho ta thấy điều đó:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Đây là lời tư vấn lòng mình của Hàn Mặc Tử. Biết không về được với cảnh cũ người xưa một thời yêu dấu mà vẫn cứ phải hỏi thì nỗi đau đó phải day dứt, nhức nhối lắm. Và một chữ “ai” vừa như phiếm chỉ lại như xác định, nhói lên một nỗi đau:

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Đâu còn là vườn của mình nữa, đã là vườn của ai rồi, làm sao mà về lại nữa? Và cũng không thể về được trong hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo. Khi Thần Chết đang từng ngày chờ ông. Ở đây có sự đối lập giữa Đẹp và Đau: cảnh càng Đẹp thì lòng càng Đau và lòng thi nhân càng Đau thì cảnh thôn Vĩ hiện lên càng Đẹp qua nỗi nuối tiếc, xót xa của Hàn Mặc Tử.

ĐỀ 211: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử
Đánh giá bài viết