Câu 1: Thế nào là từ tượng thanh, từ tượng hình? Tác dụng của việc sử dụng hai loại từ này? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 2: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật tu từ đó:

Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

Quang Huy

Câu 3: Nêu những nét chính về tác giả Phạm Tiến Duật, về hoàn cảnh sáng tác “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Câu 4: “Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước (sách Ngữ văn 9, tập một, trang 146).

Phân tích bài thơ Bếp lửa để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Thế nào là từ tượng thanh, từ tượng hình? Tác dụng của việc sử dụng hai loại từ này? Cho ví dụ minh hoạ.

– Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.

Ví dụ: líu lo, ríu rít,…

– Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

Ví dụ: lom khom, khúc khuỷu,…

– Tác dụng: hai loại từ này gợi được hình ảnh, âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao, thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự.

Câu 2:

– Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là nhân hoá:

Cả công trường – say ngủ
Những tháp khoan – ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben – sóng vai nhau nằm nghỉ

– Tác dụng của biện pháp nhân hoá: làm cho các sự vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Câu 3: Nêu những nét chính về tác giả Phạm Tiến Duật

a) Cuộc đời:

– Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, mất năm 2007 vì một bệnh hiểm nghèo.

– Quê: huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

– Ông học Đại học Sư phạm Hà Nội.

– 1964, ông gia nhập quân đội hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn.

b) Sự nghiệp sáng tác:

– Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Các tác phẩm tiêu biểu: Lửa đèn, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Gửi em – cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính,…

– Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch, sâu sắc.

c) Hoàn cảnh sáng tác “Bài thơ về tiểu đổi xe không kính”: Bài thơ được sáng tác vào năm 1969, trên con đường chiến lược Trường Sơn. Bài thơ được giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ Vầng trăng quầng lửa của tác giả. Trình bày những nét chính về tác giả Huy Cận.

Câu 4:

1. Đặt vấn đề

– Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm và mơ ước của tuổi trẻ nên gần gũi với bạn đọc trẻ, nhất là trong nhà trường.

– Bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học trường luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

– “Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước”.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà

– Hình ảnh bếp lửa và tình cảm của cháu đối với bà được thể hiện qua ba dòng thơ đầu:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

“Bếp lửa chờn vờn sương sớm” là một hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam từ bao đời. Từ “ấp iu” gợi đến bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng của người nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể. Dường như bếp lửa đang “chờn vờn” trong sương sớm hiện lên trước mắt tác giả. Và hình ảnh người bà đang “ấp iu” bếp lửa “nồng đượm” cũng đang hiển hiện trong tâm trí nhà thơ. Nghĩ về bà, tác giả nhớ và thương bà khôn xiết: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Cụm từ “biết mấy nắng mưa” vừa diễn tả được cuộc sống của bà còn vất vả, thiếu thốn vừa diễn tả được nỗi thương nhớ vô hạn của cháu đối với bà. 

b) Tác giả hồi tưởng lại những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà

– Kỉ niệm tuổi thơ bên cạnh bà là cuộc sống còn nhiều gian khổ, thiếu thốn nhọc nhằn:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gây
Chỉ nhớ khói hun nhoèn mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ, sống mũi còn cay.

“… năm đói mòn đói mỏi” chính là năm 1945. Nạn đói khủng khiếp xảy ra. Người chết như ngả rạ. Người sống thì “dật dờ như những bóng ma”. Hình ảnh “khô rạc ngựa gây” cũng phần nào diễn tả được hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của gia đình tác giả trong cái khốn khó chung của những người lao động. Bao năm tháng đã trôi qua nhưng nhớ về tuổi thơ, tác giả thấy “sống mũi còn cay”.

– Nhớ về những kỉ niệm là nhớ về bếp lửa, nhớ về tình bà cháu trong suốt tám năm bên bà.

Mẹ và cha đi công tác, tác giả ở cùng với người bà kính yêu của mình. Chính vì vậy khi xa quê hương, hình ảnh bếp lửa, hình ảnh bà, hình ảnh của cuộc sống đời thường hiện lên trong tâm trí tác giả:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa.

Tác giả nhớ rất nhiều tình cảm bà đã dành cho mình trong những năm tháng ba mẹ đi công tác. Những từ ngữ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” vừa diễn tả một cách sâu sắc tình thương bao la, sự chăm chút hết mình của người bà dành cho cháu, vừa thể hiện được lòng biết ơn của cháu đối với bà. Tình yêu và kính trọng bà của tác giả được thể hiện thật chân thành, sâu sắc: “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Tiếng chim tu hú kêu tha thiết mỗi độ hè về như giục giã, như khắc khoải một điều gì da diết lắm, khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong. Tiếng chim còn gợi ra tình cảnh vắng vẻ và nhớ mong của hai bà cháu đối với người cha đang hoạt động cách mạng ở chiến khu, người mẹ đang đi công tác.

– Nhớ về những kỉ niệm, tác giả còn nhớ về những năm tháng chiến tranh khốc liệt :

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi Nhà cửa bị đốt cháy rụi. Bà con giáp hai bà cháu dựng lại “túp lều tranh”. Nhưng hai bà cháu vẫn vững lòng tin. Bà vẫn dặn cháu:

Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.

Trong tâm trí của tác giả, hình ảnh người bà hiện lên thật đẹp, thật nhân hậu và cũng thật vững vàng. Bà không chỉ là người chăm chút cháu, bà còn là điểm tựa tinh thần cho cháu khi cha mẹ cháu vắng nhà.

c) Những suy ngẫm về bà và hình ảnh bếp lửa

– Những suy ngẫm về bà: Sự tần tảo, đức hi sinh chăm lo cho mọi người của bà được tác giả thể hiện trong một chi tiết hết sức tiêu biểu:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm.

Một lần nữa, tác giả lại khẳng định cuộc sống của bà còn vất vả, thiếu thốn: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà thật sâu nặng thiết tha.

– Hình ảnh bếp lửa: Hình ảnh bếp lửa vừa mang nghĩa tả thực vừa mang nghĩa tượng trưng:

+ Nghĩa tả thực: chỉ bếp lửa hàng ngày bà vẫn dậy sớm nhóm lên để nấu cơm, luộc khoai, luộc sắn…

+ Ý nghĩa tượng trưng: ngọn lửa là hơi ấm, là tình thương, là sự chở che, là niềm tin mà người bà đã dành cho cháu.

Trong tâm trí nhà thơ, bếp lửa và bà là những gì tuy thật bình dị song ẩn giấu điều cao quý thiêng liêng. Cảm xúc dâng trào, tác giả đã phải thốt lên:

Ôi kì lạ thiêng liêng – bếp lửa.

Hình ảnh bà và hình ảnh bếp lửa sáng đẹp lung linh trong tâm hồn nhà thơ.

d) Lòng kính yêu, tự hào về bà, lòng tự hào về quê hương đất nước

– Tác giả khẳng định cuộc sống đã đổi thay :

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả.

Đã lớn, đã đi học ở đất nước bạn xa xôi, và tác giả cũng đã thấy cuộc sống đang từng ngày, từng giờ đổi thay “niềm vui trăm ngả”. Nhưng cái mới lạ, hiện đại không thể làm nhà thơ quên đi hình ảnh bếp lửa, hình ảnh bà nơi quê nhà.

– Tác giả khẳng định lòng biết ơn, trân trọng của mình đối với bà, đối với bếp lửa bình dị của quê hương. Dù cuộc đời đã có nhiều đổi thay nhưng tình cảm của cháu đối với bà sẽ không bao giờ thay đổi, vẫn mãnh liệt và tha thiết.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt là bài thơ thấm đẫm tình bà cháu.

– Bài thơ còn thể hiện tình cảm gia đình hoà trong tình yêu quê hương, đất nước. Tiếng chim tu hú, bếp lửa “chờn vờn sương sớm”, vị ngọt bùi của khoai sắn, của nồi cơm gạo mới,… chính là cảnh vật, là hương vị của đồng quê…

– Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh sáng tạo của tác giả: vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng.

– Bài thơ có sự kết hợp miêu tả biểu cảm, tự sự và bình luận.

Một lần nữa chúng ta có thể khẳng định: “Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước”.

 

ĐỀ 21 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết