HƯỚNG DẪN 

1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ

Hồi còn làm ở Sở Đạc điền, Hàn Mặc Tử có mối tình đơn phương với Hoàng Cúc – con gái chủ Sở, người Huế. Một thời gian sau Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo gia đình trở về Vĩ Dạ (Huế). Mặc Tử rất buồn. Về sau khi được biết Hàn Mặc Tử bị mắc bệnh hiểm nghèo, phải xa lánh mọi người để chữa bệnh. Hoàng Cúc đã gửi cho thi sĩ một tấm thiếp in phong cảnh, trong đó có nói rõ: Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước với lời hỏi thăm sức khỏe của Từ mà không kí tên (Theo Võ Đình Cường, Mấy tư liệu chính xác về mối tình giữa Hàn Mặc Tử và Hoàng Thị Kim Cúc – Tập văn Phật Đản, Ban Văn Hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam số 23/5/1992). Nhận được tấm thiếp thi sĩ rất xúc động. Tấm thiếp đã có tác động rất mạnh đến hồn thơ Hàn Mặc Tử. Thư của Hàn Mặc Tử đáp lại Hoàng Cúc kèm theo bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có câu: Có nhận được bức ảnh bến Vĩ Dạ lúc hừng đông hay là một đêm trăng? Ông viết bài thơ này khi đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Giá trị về nội dung

a) Vẻ đẹp của thôn Vĩ Dạ hiện lên như một phương diện độc đáo của cảnh Huế trong khổ thơ đầu bài thơ

– Thiên nhiên thôn Vĩ hiện lên qua vài nét vẽ thoáng nhẹ nhưng đầy ấn tượng. Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên trong sáng, tươi mới, và căng tràn sức sống.

– Không gian được nâng cao hơn lên chính bởi ánh nắng, lấp loáng trên những ngọn cây cau rất đẹp – một vẻ đẹp tinh khôi hiện rõ qua hình ảnh nắng mới lên. Giữa không gian này xuất hiện những khu nhà vườn xanh tươi tràn trề nhựa sống: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Từ mướt gợi một màu xanh mỡ màng, óng mượt, ngời sáng. Người đọc có thể nhận thấy rõ con mắt: ngỡ ngàng, đầy say mê, thán phục của Hàn Mặc Tử trước cảnh đẹp thôn Vĩ. 

– Vĩ Dạ đẹp không chỉ ở thiên nhiên mà còn đẹp hơn rất nhiều chính vì có sự xuất hiện của con người. Vẻ đẹp kín đáo, trầm lặng, dịu dàng, phúc hậu của con người xứ Huế được hiện lên qua cách nói ước lệ, cách điệu hoá của nhà thơ. Hình ảnh: Lá trúc che ngang mặt chữ điền càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bức tranh thôn Vĩ. Cảnh đẹp ấm áp tình người.

– Thiên nhiên và con người có sự gắn bó, hoà quyện, hấp dẫn. Nhà thơ đã ghi lại linh hồn của tạo vật với những gì đặc sắc, lắng đọng trong kí ức hoài niệm, trong nỗi niềm nhớ thương. Bằng việc miêu tả vẻ đẹp thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng, thiết tha, đằm thắm đối với cảnh và người xứ Huế. Tất cả ẩn chứa một sự nuối tiếc, một niềm khát khao được trở về thôn Vĩ yêu thương.

b) Bài thơ là tiếng lòng và nỗi niềm của một con người tha thiết yêu đời, yêu người, luôn khát khao cái đẹp tình yêu, hạnh phúc nhưng mang nặng một nỗi buồn đau vô vọng

Khổ thơ thứ nhất: Kết thúc với cái buồn nảy sinh từ một cảm xúc đẹp. Cái buồn ấy gắn với nỗi nuối tiếc về một Vĩ Dạ chỉ còn trong tâm tưởng, một Vĩ Dạ không còn được chiêm ngưỡng nữa. Nỗi niềm ấy tiếp tục trải dài trong suốt hai khổ thơ cuối của bài thơ. Tất cả giờ chỉ là sự chia lìa, là sự xa cách, bao phủ tất cả là một nỗi u buồn.

Khổ thơ thứ hai:

– Không gian sông nước xứ Huế nhuốm màu sắc hư ảo. Nỗi buồn phủ khắp cảnh vật từ gió mây đến dòng nước và hoa bắp bên sông. Cảnh vật đã nhuốm màu sắc hư ảo, được tâm trạng hóa, mang màu sắc chủ quan rõ nét. Giómây vốn gắn kết cũng đã có sự chia lìa đôi ngả; dòng sông thì mang đầy tâm trạng, chảy về trong miền tâm tưởng; cộng hưởng cùng với dòng sông, dòng nước cũng như không muốn trôi, hoa bắp không muốn lay. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, đơn phương.

– Nếu như hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai, cảnh nhuốm màu sắc tâm trạng nhưng vẫn có sợi dây neo với hiện thực thì ở hai câu sau cảnh hoàn toàn hư ảo người đọc được dẫn vào cõi mộng của thi nhân: Thuyền ai cập bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? Câu thơ có những hình ảnh độc đáo, đầy sáng tạo Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng… một thế giới huyền ảo như thực, như hư. Hình ảnh: sông trăng, thuyền trăng là những biểu tượng cho thế giới của cái đẹp, của mơ ước, của khát khao mộng tưởng. Dòng sông Hương được mã hoá, lí tưởng hoá để trở thành con sông thơ mộng. Hình ảnh thơ vừa gợi hình vừa gợi cảm, vừa giàu tính thể hiện vừa có ý nghĩa biểu hiện.

– Trong cõi mộng ấy bỗng vọng lên một câu hỏi: Thuyền ai cập bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? Câu hỏi ẩn chứa một sự day dứt, một niềm mong ước và một nỗi lo sợ. Một niềm hi vọng đầy khắc khoải và phấp phỏng bởi Hàn Mặc Tử cảm nhận thời gian thì đang trôi chảy mà bản thân mình thì quá bất lực. Điều này càng lí giải rõ hơn sự giục giã trong lời mời gọi về với thôn Vĩ trong câu thơ đầu tiên, và đồng cảm hơn với khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ khi cái chết đang kề cận.

Khổ thơ thứ ba :

– Sống trong mơ nhưng nhà thơ vẫn không mất hết hi vọng, nỗi mong ước vẫn còn riết róng thể hiện trong lời thơ gấp gáp và da diết: Mơ khách đường xa, khách đường xa – Áo em trắng quá nhìn không ra. Người xưa hiện về khá cụ thể nhưng hình bóng ấy lập tức trôi vào mờ ảo. Người xưa hiện về trong bóng dáng chung chung của một người con gái xứ Huế rất thanh khiết, quá kín đáo. Chính vì thế mà càng trở nên huyền ảo và xa cách hơn.

Kết thúc bài thơ là một câu hỏi không thể trả lời như một sự xót xa, một sự hờn dỗi trách móc, tiếc hận. khắc khoải. Câu thơ cuối là tiếng dội của câu thơ đầu bài nhuốm màu hoài nghi, gợi bao liên tưởng, bao nỗi niềm cho người đọc: Ai biết tình ai có đậm đà? Đây là sự hoài nghi của một người yêu đời, yêu cuộc sống đến tha thiết. Nhà thơ trong trạng thái bị dày vò vì khát khao tình yêu, vì trái tim đang rơi vào trống trải. Câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn, mang theo cả nỗi buồn vô vọng và những uẩn khúc của Hàn Mặc Tử – một tâm hồn đau thương, chới với, bất lực trong mặc cảm của sự chia lìa nhưng cũng hết lòng thiết tha với cuộc đời.

ĐỀ 209: Giá trị nội dung bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử
Đánh giá bài viết