BÀI LÀM

I. TÁC GIẢ HÀN MẶC TỬ

1. Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, quê ở tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời Hàn Mặc Tử là số phận bi thương của một nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh. Mồ côi cha từ sớm, Hàn sống với mẹ ở Quy Nhơn, học trung học ở Huế, làm công chức Sở Đạc điện Bình Định, rồi vào Sài Gòn làm báo. Nổi danh là thần đồng thơ từ lúc 14, 15 tuổi, đang lúc tài năng nảy nở thì Hàn Mặc Tử mắc phải căn bệnh nan y: bệnh Han-sen (mà dân gian thường gọi là bệnh hủi, bệnh phong). Ông tự cắt đứt liên hệ với bạn bè, xa lánh mọi người, về Quy Nhơn chữa bệnh, tiếp tục sáng tác và mất tại nhà thương phong Quy Hoà.

2. Hàn Mặc Tử là một tài năng kì lạ nhất trong phong trào Thơ mới, một tiếng thơ bị thương, đau đớn tột cùng của tâm hồn nghệ sĩ tha thiết với cuộc đời mà buộc phải cách li với xã hội loài người, “bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã” (Hoài Thanh). Niềm khao khát hạnh phúc đời thường giản dị, nỗi đau đớn thể xác và ước vọng giải thoát linh hồn, lòng sùng đạo, mến đời, kính Chúa,… tất cả hòa trong máu thịt, tạo nên diện mạo phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn. Nhưng trong những vần thơ kì lạ ấy, người ta vẫn dễ dàng nhận ra cảm xúc chân thành, thống thiết của một con tim trong trẻo luôn hướng về cuộc đời trần thế.

3. Tác phẩm chính của Hàn Mặc Tử: Gái quê (1936), Thơ Điên, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cấm châu duyên (gồm một số bài thơ và 2 vở kịch thơ là Duyên kì ngộ và Quần tiên hội), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi),… Trừ tập Gái quê in lúc sinh thời, toàn bộ tác phẩm của Hàn Mặc Tử chỉ được in thành tập sau khi nhà thơ đã mất.

II. BÀI THƠ ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Đây thôn Vĩ Dạ được Hàn Mặc Tử sáng tác khoảng năm 1938 và đưa vào tập Thơ Điên (sau gọi là Đau thương) – tập thơ chỉ được in thành sách khi nhà thơ đã qua đời. Cùng với Mùa xuân chín, Tình quê,… Đây thôn Vĩ Dạ được coi là một trong những bài thơ trong sáng nhất của Hàn Mặc Tử và là một thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại. Nhiều người cho rằng cảm hứng của bài thơ được gợi nên từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái khuê các ở Vĩ Dạ, một thôn xóm nhỏ thơ mộng bên dòng sông Hương.

NỘI DUNG

1. Muốn hiểu được bài thơ cần nối lại đôi chút liên hệ với những yếu tố cơ bản làm nên phong cách thơ Hàn Mặc Tử: đó là một tình yêu tuyệt vọng với con người và cuộc đời; lối liên tưởng phi lôgíc ở bề mặt mà nhất quán ở bề sâu, sự chuyển đổi liên tục các kênh cảm giác; lớp biểu tượng dày đặc trong ngôn từ. Cả ba yếu tố đó đều có thể tìm thấy trong Đây thôn Vĩ Dạ, một bài thơ tưởng như đơn giản, nhưng không dễ hiểu chút nào.

 

2. Bài thơ gồm ba khổ tưởng như rời rạc nhưng vẫn liên kết được với nhau bởi đều là cảm nhận của nhà thơ về cảnh sắc và con người Vĩ Dạ, một vùng ngoại ô xứ Huế với cấu trúc nhà – vườn xinh xắn, với bóng dáng những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh, gắn với thời học sinh của Hàn Mặc Tử.

– Khổ 1: Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi da diết: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Ba câu tiếp theo mở ra một cảnh sắc trong veo: nắng mới lên trên hàng cau và mảnh vườn mướt xanh như ngọc, khuôn mặt người thấp thoáng trong vòm trúc – cảnh vật và con người như hoà vào nhau. Thôn Vĩ tươi mát, tràn đầy sức sống và người thôn Vĩ hiện lên trong một lời chào mời dịu nhẹ, tha thiết làm xốn xang lòng người. Nhà thơ như phân thân thành một khách thể nhìn thôn Vĩ từ xa, cũng có thể từ trong hồi ức. Cảnh sắc thôn Vĩ trong bài thơ đã thành vẻ đẹp tượng trưng cho cuộc sống tinh khôi tươi mát ngoài đời đang vẫy gọi. .

– Khổ 2: Từ giọng thơ chứa niềm vui bên trong ở khổ thơ đầu, giọng thơ tự dưng trầm hẳn xuống ở khổ 2. Đây là sự chuyển đổi cảm giác bất thường luôn thấy trong thơ Hàn Mặc Tử. Tâm trạng bất an thường trực cùng dự cảm phập phồng về sự chia li đã chi phối cái nhìn cảnh vật. Cảnh thôn Vĩ dường như bị đẩy về phía xa, nhuốm màu buồn bã và phiêu tán: Gió theo lối gió, mây đường mây – Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay. Cái nhìn của nhà thơ chuyển hẳn về miền tâm tưởng: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? Gió bay mây tản, nước chảy hoa lay, con thuyền đậu bến sông trăng… cảnh thôn Vĩ đã thành nửa hư nửa thực. Thi nhân đã mang cảnh thực vào thế giới mộng ngập ánh trăng của mình và gửi vào đó nỗi mong chờ phấp phỏng: Có chở trăng về kịp tối nay? – “ai” đó có đưa được thuyền trong mộng ước cập bến trần gian, đến với hồn ta trong phút giây hiện hữu? 

– Khổ 3: Cảnh thôn Vĩ không còn là cảnh thực nữa mà hoàn toàn là tâm cảnh. Đường xa, sương khói, nhân ảnh… là những cảnh sắc xa mờ, lay động trong vùng tâm tưởng của một tình mến yêu da diết. Trong khối mờ sương ấy, có một hình ảnh hút theo cái nhìn (áo em trắng quá nhìn không ra), và một câu hỏi đầy băn khoăn cất lên tự đáy lòng mong đợi (Ai biết tình ai có đậm đà?). Cảnh quá đẹp, người quá xa… thực đấy mà hư đấy, biết có nặng tình với nhau hay không mà mong đợi? Ở khổ thơ cuối này, cảnh đã hoá ảo mà để cho tình lộ diện. Cái kín đáo làm như khách thể ở khổ 1, cái mông lung không xác định ở khổ 2, đến khổ cuối dường như lộ rõ trong câu thơ kết: tất cả nghi hoặc, ao ước, mong chờ… chỉ vì một “tình ai” đậm đà, sâu nặng.

Ba khổ thơ là ba cấp độ khác nhau của cảnh vật và lòng người, nhưng cả ba đều gợi nên một Vĩ Dạ như thực như mơ đẹp đến nao lòng và cái nên thơ nhất là cảm xúc da diết với cuộc đời, xốn xang với tình người của nhân vật trữ tình cứ ẩn hiện trong dòng thơ.

NGHỆ THUẬT

1. Bút pháp tả thực kết hợp với tượng trưng tạo nên những hình ảnh độc đáo hiếm có. Cảnh thôn Vi trong bài thơ đều là cảnh thật ngoài đời: hàng cau, những mảnh vườn xanh mướt, nước sông Hương nhẹ trội, hoa bắp lay trong gió, con thuyền dưới ánh trăng, tà áo trắng, màn sương mờ ảo,… nhưng ở đây, những cảnh sắc ấy đã được hoà phối thành những nét đẹp tượng trưng vụt hiện hoặc mờ chồng trong tâm tưởng nhân vật trữ tình (Lá trúc che ngang mặt chữ điện; Thuyền ai đậu bến sông trăng đó; Ở đây sương khói mờ nhân ảnh…).

2. Những câu hỏi tu từ đặc sắc làm nên sức gợi cảm đặc biệt của lời thơ. Sao anh không về chơi thôn Vĩ? – câu hỏi giản đơn mà da diết, tạo sức cuốn hút và khơi gợi cảm xúc ngay từ đầu. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? câu hỏi ném vào hư không cho một “ai” phiếm chỉ với một hình ảnh hư ảo gợi nỗi mong đợi phập phồng, ước vọng mông lung. Ai biết tình ai có đậm đà? – cả hai đối tượng đều mơ hồ “ai biết… ai”, nhưng nội dung lời hỏi thì đã rõ ràng “tình ai có đậm đà?”, cái mơ hồ của cảnh sắc và cái mông lung của lòng người cuối cùng đã neo vào một ý cụ thể: ao ước một tấm chân tình sâu nặng.

ĐỀ 208: Cảm nhận nội dung và nghệ thuật bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Đánh giá bài viết