BÀI LÀM 

I. MỘT VÀI LƯU Ý ĐỂ HIỂU THÊM VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra trong một gia đình công giáo toàn tòng ở làng Lệ Mĩ, Đồng Hới, Quảng Bình. Cha mất sớm, ông sống với mẹ và các anh chị ở Quy Nhơn. Ngay từ nhỏ Hàn Mặc Tử đã sớm bộc lộ thiên hướng của một người có cá tính đặc biệt. Theo hồi ức của người thân thi sĩ, ông là người ham học, say mê đọc sách một cách kì lạ. Trong hai năm học bậc Trung học ở trường Pe-lơ-ranh (Pellerin) Huế, ông được đánh giá là một trong số không nhiều những thiếu niên xuất sắc và lẽ ra, Hàn Mặc Tử sẽ được gửi sang Pháp du học nếu như ông không giao thiệp với Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước từng bị chế độ thực dân Pháp coi là nhân vật nguy hiểm số một đe doạ nền an ninh của chúng.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, Hàn Mặc Tử làm nhân viên Sở Đạc điện ở Quy Nhơn một thời gian, rồi vào Sài Gòn làm báo. Phát hiện mình bị bệnh phong, Hàn Mặc Tử trở ra Quy Nhơn điều trị và qua đời tại nhà thương Quy Hoà năm 1940.

Hàn Mặc Tử là một hồn thơ phong phú, mãnh liệt và độc đáo. Thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới trộn lẫn giữa thực với ảo nên vừa phức tạp vừa bí ẩn, vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc, vừa dẫn ta bay vào cõi siêu nhiên huy hoàng, sáng láng, vừa đưa ta về với đời thực bình dị, hồn nhiên. Thế giới đó nhiều khi gây ấn tượng rùng rợn bởi những đổ vỡ kinh hoàng nhưng cũng rất nhiều khi đem lại cảm giác bâng khuâng đến nao lòng trước bao vẻ đẹp tuyệt vời tinh khôi trong trẻo.

2. Năm 1937, nghe tin Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, Hoàng Cúc người con gái Hàn Mặc Tử từng say mê đơn phương hồi còn là nhân viên Sở Đặc điền Quy Nhơn, có gửi tặng một tấm bưu ảnh. Bức ảnh có dòng sông và con đò, có cô gái chèo đò và mấy khóm tre trúc, Hàn Mặc Tử cho rằng đó là thôn Vĩ và lấy thôn Vĩ làm không gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật trong bức ảnh khó xác định. Trong thư trả lời Hoàng Cúc, Hàn Mặc Tử viết: Có nhận được hình ảnh bến Vĩ lúc hừng đông hay một đêm trăng? Bài thơ vì thế dường như là cảnh thôn Vĩ lúc hừng đông vừa lại như là cảnh thôn Vĩ đêm trăng. Nhưng điều đó không mấy quan trọng. Đằng sau bức tranh thôn Vĩ là một nỗi buồn da diết, bâng khuâng của “cái tôi yêu đời mà phải rời xa cuộc đời. Đằng sau những kỉ niệm về thôn Vĩ có một tình yêu vừa được hồi sinh mãnh liệt, thiết tha mà vô vọng.

II. CẢM NHẬN

1. a) Nét đẹp của bức tranh thôn vườn Vĩ Dạ:

Khơi nguồn từ một câu hỏi mơ hồ đa nghĩa: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Câu thơ mang hình thức của một tu từ nghi vấn gợi nhiều sắc thái của cảm xúc và ý nghĩa. Tựa như một lời mời, một lời trách cứ nhẹ nhàng lại như một tự vấn, một day dứt làm sống dậy cả một thế giới của hoài niệm.

Thôn Vĩ hiện lên trong tâm tưởng của thi nhân với hai vẻ đẹp..

– Vẻ đẹp của đời thực: .

+ Với địa danh xác định: thôn Vĩ

+ Với những chi tiết cụ thể: có hình ảnh của cây cối: nắng hàng cau…; màu sắc: mướt quá xanh như ngọc…; khuôn mặt con người: mặt chữ điền...

– Vẻ đẹp của mộng ảo: 

+ Nét tinh khôi, thanh khiết của nắng hàng cau: không chỉ là cau và nắng mà là nắng hàng cau gợi vẻ tươi sáng, như được lọc qua một thứ ánh sáng đặc biệt của nội tâm.

+ Không cần chữ xanh để tả màu sắc vườn Vĩ Dạ mà chỉ cần một chữ mướt đã gợi rất nhiều điều. Chữ mướt là một tính từ nhưng ở đây còn gần như là một động từ để gợi sức sống của cây cối tràn trề nhựa sống… 

+ Các chữ xanh như ngọc vừa gợi vẻ đẹp nguyên sơ và thần tiên, vừa như một giới hạn của chữ mướt, lại vừa tăng sức gợi cảm cho câu thơ. Cách so sánh của tác giả, một tín đồ Thiên Chúa giáo, khiến hình dung của người đọc được đẩy xa hơn: trong vẻ đẹp tuyệt mĩ, hồn nhiên và trong trẻo của vườn thôn Vĩ dường như còn lấp lánh một vẻ đẹp khác nữa, vẻ đẹp của một Vườn Địa Đàng trong trái tim Hàn Mặc Tử…

b) Tâm trạng man mác, bâng khuâng, nỗi buồn da diết nhưng sâu lắng và kín đáo gửi vào cảnh thôn Vĩ:

Có thể cảm nhận được tâm trạng bồi hồi, bâng khuâng của thi sĩ trong câu hỏi mở đầu với giọng điệu trữ tình tha thiết:

Nhân vật trữ tình anh tự phân thân bằng câu hỏi tu từ mở ra nhiều cung bậc cảm xúc:

+ Một lời mời từ khách quan trong tưởng tượng.

+ Một lời trách rất thật trong nội tâm.

+ Một day dứt, tiếc nuối của người mang trọng bệnh không bao giờ còn cơ hội về thăm thôn Vĩ nữa.

– Hai cảm xúc đan xen trong tâm trạng:

+ Niềm vui đầy bồng bột, cảm tính từ cái nhìn đầy hào hứng và say mê: bao đắm say trong một từ nhìn; bao bồi hồi và thiết tha qua hai từ nắng trên một dòng thơ đến tiếng reo thầm trong tâm trí: Vườn ai mướt quá gợi thật nhiều bâng khuâng….

+ Nỗi buồn da diết, kín đáo lắng sâu trong ám ảnh xa cách nhuốm màu vô vọng: ngay trong tiếng reo đã có sự khởi phát một nỗi buồn: từ vườn em đã chuyển thành vườn ai. Cái đẹp của cõi sống tuyệt vời kia giờ đây đã nằm ngoài tầm tay với…

2. Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai chủ yếu được miêu tả theo cảm nhận chủ quan của tác giả nên có những nét phi lí nếu xét trên tương quan thực tế, nhưng lại khá hợp lí trong diễn biến tâm trạng của nhà thơ:

+ Một không gian li tán, từ sự tương đồng trong khổ thơ đầu chuyển sang sự đối lập, chia tách phi hiện thực trong khổ thơ sau: gió bay theo lối của gió, mây trôi theo đường của mây.

Trong văn học chưa từng có sự chia tách ấy. Trong quan niệm và cách nhìn của người phương Đông, gió mây còn có sự gắn bó mật thiết. Đó là quan niệm: Hổ tòng phong, long tòng vân – Hổ theo gió và rồng theo mây, chỉ sự tương hợp, hài hoà – quan niệm này được gọi tắt là phong vân. Cảnh li tán ở đây phản chiếu nỗi ám ảnh về sự xa cách mang tính định mệnh giữa nhà thơ với cuộc đời và con người.

– Một hình ảnh phi lí:

Dòng nước buồn thiu

+ Phi lí vì theo hiện thực khách quan dòng nước là vô cảm.

+ Hợp lí về lôgic tâm lí: dòng nước có tâm trạng trước cái nhìn của nhà thơ.

– Một chuyển cảnh phức tạp và tinh tế:

Hình ảnh sống, thuyền trong các câu thơ tiếp theo ở khổ thứ hai dường như đều được ảo hoá thành sông trăng; thuyền trăng khiến cảnh chuyển từ thực sang mộng, đồng thời bộc lộ những diễn biến phức tạp và tinh tế trong tâm trạng của nhà thơ song hành hai dòng cảm xúc từ hào hứng, bồi hồi, bâng khuâng sang nuối tiếc, day dứt, buồn bã; từ đợi mong, khao khát mãnh liệt sang xót xa, bi quan, vô vọng. Lưu ý. các câu thơ mang hình thức nghi vấn hướng về những hình ảnh đáng trôi về cõi xa vời: thuyền ai; có chở trăng về kịp tối nay…

3. Một hồn thơ vẫn tha thiết với tình đời, tình người trong hoàn cảnh đã trở nên tuyệt vọng.

Tâm sự trên của tác giả được bộc lộ:

– Qua lối điệp âm và nhịp điệu khẩn thiết của câu thơ:

Mơ khách đường xa / khách đường xa.

Qua sự tinh tế trong sử dụng ngôn từ: Mơ khách đường xa…

Từ mong người yêu dấu trong tâm trạng cụ thể chuyển hoá thành mơ khách đường xa... trong nỗi thấm thía tình cảnh tuyệt vọng của mình.

Qua hình ảnh có vẻ phi lí: áo em trắng quá nhìn không ra – như hoài niệm tha thiết về mối tình đầu, như một nỗi nhói đau trong hiện tại qua âm hưởng của hàng loạt thanh trắc: áo, trắng, quá.

– Qua câu hỏi đa nghĩa: Ai biết tình ai có đậm đà?

+ Câu hỏi nhưng cũng là một câu trả lời ứng với câu hỏi trong khổ thơ đầu.

+ Lời trách cứ nhẹ nhàng.

+ Một khát vọng được cảm thông.

+ Vẫn mong một hồi âm từ nơi xa… 

Câu thơ: Ai biết tình ai có đậm đà? vừa có chút hoài nghi mơ hồ vừa chứa đựng nỗi niềm phân vân giữa vô vọng và hi vọng. Chú ý kết cấu mang hình thức đối thoại ngầm của bài thơ: Câu thơ mở đầu đóng vai trò như một câu hỏi vọng về từ phía người muôn năm cũ câu thơ kết thúc đóng vai trò một câu trả lời của người vẫn thiết tha chờ đợi những tình cảm từ phương xa và mong một hồi âm từ nơi ấy bởi câu thơ trả lời cũng mang hình thức của một câu hỏi. Điều này cho thấy, lúc bấy giờ, mặc dù bệnh tình đã rất trầm trọng, gần như một bước chân của thi sĩ đã đặt trước ngưỡng cửa của hư vô, nhưng tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn tha thiết với cõi đời, với tình người. Bằng chứng là ở câu thơ cuối, nó được buông ra trong một tâm thế khắc khoải đợi chờ… 

4. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ bộc lộ nét độc đáo của một tài năng và vẻ đẹp riêng biệt trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Hai phẩm chất này được thể hiện qua sự vận động của tứ thơ và bút pháp.

Về tứ thơ: Tứ thơ vận động từ thực sang ảo tương ứng với mạch cảm xúc và suy tư khởi nguồn từ những kỉ niệm đẹp về thôn Vĩ; xứ Huế rồi mở ra chiều sâu không cùng của một tâm hồn thiết tha với tình đời tình người. Một điều đặc biệt khác là từ những tình cảm đáng trân trọng đó, thấy toát lên ánh hồi quang kì lạ của một tình yêu đơn phương vừa kín đáo, vừa sâu: sắc, vừa mãnh liệt, vừa vô vọng.

Về bút pháp: chuyển đổi từ thực tả sang gợi tả tương ứng với tứ thơ vận động từ thực sang ảo.

Chú ý một số biểu hiện: từ hình ảnh nắng ở khổ thơ đầu đến hình ảnh sương khói ở khổ thơ cuối; từ hình ảnh người thôn Vĩ e lệ đôn hậu, trong trắng trong chi tiết lá trúc che ngang ở khổ thơ đầu đến chi tiết áo em trắng quá nhìn không ra ở khổ cuối. Hoặc có khi sự chuyển đổi bút pháp diễn ra ngay trong khổ thơ thứ hai: từ hình ảnh dòng nước buồn thiu, hoa bắp trong hai câu 3, 4 đến hình ảnh thuyền trăng, sông trăng trong hai câu 5, 6…

ĐỀ 207: Cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Đánh giá bài viết