BÀI LÀM 

1. Đây thôn Vĩ Dạ chỉ gồm ba khổ thơ ngắn, mười hai câu. Mặc dù rất thống nhất trong chủ đề chung là cảnh vật và con người Vĩ Dạ, xứ Huế, nhưng mỗi khổ thơ đều có một sắc thái riêng. Khổ 1, nhà thơ tập trung miêu tả vẻ đẹp buổi sáng sớm trong một khu nhà vườn thôn Vĩ. Nếu tinh ý, ta sẽ thấy, đó là vẻ đẹp trong trẻo tinh khôi vào buổi sáng sớm tinh mơ: giọt nắng đầu tiên của ngày chiếu lên ngọn cau, lá vườn thôn Vĩ xanh non như ngọc, lá trúc che nghiêng ẩn hiện thấp thoáng hình bóng con người. Đây là vẻ đẹp trong trẻo, xuân sắc, hư ảo không phải nơi nào cũng có được. Khổ 2, cũng vẫn là bức tranh miêu tả thiên nhiên, nhưng đã được mở rộng ra cao hơn và xa hơn. Đó là vẻ đẹp của bầu trời và sông nước Vĩ Dạ. Trong bức tranh thiên nhiên, ta thấy Hàn Mặc Tử vẫn giữ được dáng dấp của lối miêu tả trong thơ cổ điển. Đó là bức tranh đối xứng giữa bầu trời và mặt đất, giữa ngày và đêm, giữa thiên nhiên và con người. Một bầu trời và mặt đất yên tĩnh rất đặc trưng cho thiên nhiên xứ Huế, Vĩ Dạ. Khổ 3 là sự kết hợp của cả cảnh và tình, thiên nhiên và con người, cái tôi trữ tình và một nhân vật trữ tình mơ hồ, bí ẩn nào đó Vĩ Dạ, xứ Huế hiện lên qua cái hư ảo, mơ hồ của sương khói trắng và màu áo trắng: “áo em trắng quá nhìn không ra – ở đây sương khói mờ nhân ảnh…”. Ba khổ thơ tuy có sắc thái riêng nhưng thực ra vẫn liên kết với nhau trong một mạch thơ chung: đó là sự vận động từ cảnh đến tình, từ vẻ đẹp tinh khôi của một khu vườn thôn Vĩ vào buổi sáng sớm đến vẻ đẹp lung linh huyền ảo của cảnh và người Vĩ Dạ, xứ Huế.

2. Đây thôn Vĩ Dạ có ba khổ thơ, và cả ba đều có câu hỏi. Ở khổ đầu, câu hỏi xuất hiện ngay từ câu 1 (“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”). Hai khổ 2 và 3, câu hỏi nằm ở câu kết (“Có chở trăng về kịp tối nay?” (khổ 2)) và: “Ai biết tình ai có đậm đà?” (khổ 3). Nhìn chung, cả ba đều là những câu hỏi tu từ. Nghĩa là, hỏi nhưng không nhằm lời giải đáp. Sắc thái các câu hỏi ở đây cũng có sự khác nhau, cả ba đều nhằm vào chủ thể phát ngôn, nghĩa là nhằm vào chính người đặt câu hỏi. Tuy nhiên, do ba khổ thơ mang những sắc thái riêng khác nhau, nên các câu hỏi ở mỗi khổ thơ cũng tạo ra những sắc thái riêng. Ở câu thứ nhất: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, thật khó xác định chính xác chủ thể là ai, người làm thơ hay cô gái thôn Vĩ? Ta cũng có thể hiểu cả hai. Câu hỏi đầu tiên lại cũng giống như một lời chào mời, một lời oán trách nhẹ nhàng, một sự nhắc nhở: Thôn Vĩ đẹp như thế, sao anh không về chơi, sao anh lại có thể hững hờ? Câu hỏi thứ hai (“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?”) lại giống như một nỗi pháp phòng, đợi chờ, một niềm hi vọng, một nỗi khát khao. Trăng đẹp quá, lòng người sao mà hững hờ cho được? Câu hỏi thứ ba (“Ai biết tình ai có đậm đà?”) thực sự là một nỗi khắc khoải, Đại từ phiếm chỉ “ai” được nhắc lại hai lần để chỉ hai đối tượng khác nhau. “Ai” ở đầu câu là chủ thể trữ tình, “ai” ở giữa câu lại là nhân vật trữ tình, là “em”, một hình tượng đầy bí ẩn xuất hiện cả trong ba khổ thơ (vườn ai, thuyền ai và tình, ai).

3. Hình ảnh “nắng hàng cau” trong khổ thơ thứ nhất nối tiếp ngay sau câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Trên phương diện hình thức, đây là một câu thơ rất dung dị, hình ảnh thơ không tân kì, nhưng lại là câu thơ đầu tiên trong bài miêu tả vẻ đẹp thôn Vĩ. Nó liên quan với lời mời chào da diết ở trên. Nhưng nắng và hàng cau hẳn không có gì đặc biệt, không chỉ ở thôn Vĩ mới có. Vì vậy, nếu chỉ xem xét ở bề ngoài, không đặt hình ảnh thơ vào không gian, thời gian cụ thể của khổ thơ, sẽ khó mà thấy được cái hay, cái đẹp của nó. Hãy hình dung, thôn Vĩ nằm ngay cạnh bờ sông Hương thơ mộng của xứ Huế, thôn Vĩ lại chỉ cách cửa biển Thuận An hơn mười cây số, vườn thôn Vĩ um tùm cây lá, những hàng cau thẳng tắp vươn lên cao hơn hẳn các tán cây khác đón nhận ánh sáng mặt trời ban mai, ta sẽ hiểu được vẻ đẹp của hình ảnh thơ ở đây. Vào thời khắc đầu tiên của một ngày, khi mặt trời chỉ vừa nhô lên mặt biển, những tia nắng đầu tiên đã kịp chiếu lên ngọn cau thôn Vĩ. Phía dưới mặt đất lúc này có thể trời còn tối. Thật:đẹp và trong trẻo, tinh khôi, thanh khiết biết bao nhiêu!

4. Miêu tả vẻ đẹp của bầu trời, dòng sông Vĩ Dạ, xứ Huế, Hàn Mặc Tử viết hai câu thơ thật độc đáo: “Gió theo lối gió, mây đường mây – Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Thật ra, đây là hai câu thơ lột tả rất tài tình cái hồn của sông nước bầu trời xứ Huế. Huế và Vĩ Dạ vốn là xứ sở hết sức thanh bình. Dường như cả thiên nhiên và con người nơi đây đều nói lên điều đó. Cũng có thể do đặc trưng khí hậu nơi đây, do cấu trúc của dòng sông Hương, dòng sông nhẹ nhàng, êm ái, trữ tình, rất hợp với tâm hồn con người. Bầu trời Huế gió thổi rất nhẹ, dường như không có gió. Bởi vậy lẽ ra, gió và mây phải là hai người bạn đồng hành với nhau, nhưng lúc này, gió đi một đằng, mây trôi một nẻo. “Nhìn mây đoán gió” vốn cũng là thủ pháp quen thuộc trong thơ văn cổ. Hàn Mặc Tử trong bài thơ này cũng sử dụng thủ pháp thơ này. Ông đã tạo được một không gian yên tĩnh rất đặc trưng cho xứ Huế. Sự yên tĩnh còn được thể hiện qua hình ảnh hoa bắp hai bên bờ Hương Giang chỉ khẽ lay, dòng sông như lững lờ, buồn thiu không chảy. Về sự vận động của hai hình tượng thơ gió và mây, cũng có ý kiến cho rằng, đây là câu thơ chỉ sự chia lìa, li tán… Cũng có thể xem đây là một ý kiến tham khảo chứ không nên coi đó là cách hiểu chính của hình tượng thơ. Xét trên văn bản, đây chỉ là câu thơ miêu tả thiên nhiên, một thiên nhiên rất đặc trưng cho Huế và Vĩ Dạ. 

5. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ có sự vận động của cả thời gian, không gian và cảm xúc trữ tình. Đặt trong toàn cảnh bài thơ, nếu khổ thứ nhất là bức tranh thiên nhiên vườn thôn Vĩ vào buổi sáng sớm tinh mơ của một ngày, thì khổ thơ này vẫn nối tiếp mạch cảm xúc chung, nhưng là bức tranh bầu trời và sông nước Vĩ Dạ, xứ Huế. Bức tranh ấy cũng thơ mộng, mông lung và kì ảo không kém.

Tuy nhiên, nếu bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ đầu chỉ được miêu tả trong một khoảnh khắc thời gian (sáng sớm tinh mơ của một ngày) như một bức hoạ, thì bức tranh thiên nhiên ở khổ thứ 2 lại rất linh hoạt, biến đổi giống hệt như một đoạn phim. Hình ảnh bầu trời sông nước Vĩ Dạ biến đổi từ ngày sang đêm rất lung linh và kì ảo.

Hai câu thơ cuối là bức tranh dòng Hương Giang lúc về đêm. Hình ảnh con người, đã thấp thoáng đâu đó, ngay từ khổ thơ thứ nhất (“Vườn ai”). Đến khổ thơ này, hình ảnh có vẻ không rõ ràng đó đã rõ ràng hơn. Ở đây đã có sự giao tiếp giữa chủ thể trữ tình (nhà thơ) và nhân vật trữ tình (một người con gái nào đó ở Vĩ Dạ): “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay?”. Chữ kịp trong câu thơ này có nhiều ẩn ý. Sách giáo viên Ngữ văn 11 nâng cao, tập hai cho rằng: đặt trong cả khổ thơ, mối tương quan giữa trăng và người dường như có nét đồng điệu, trăng là điểm tựa duy nhất của con người. Vì thế, chữ kịp mà nhà thơ sử dụng chứa đựng nỗi lo âu, phấp phỏng, khắc khoải. Xét trong mối tương quan với chủ thể trữ tình, ở thời điểm làm bài thơ này, Hàn Mặc Tử dường như đã linh cảm được quỹ thời gian của mình không còn nhiều, nên ông cũng đang chạy đua với thời gian. Chữ kịp đã nói hộ nhà thơ điều mong ước đó. Tuy nhiên, xét trên bình diện câu chữ, hình tượng thơ, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu một cách giản dị: câu hỏi ngầm chứa một niềm khát khao cháy bỏng: Trắng đẹp quá, nhưng vẻ đẹp ấy không thể tồn tại lâu dài. Khi mặt trời lên, khi ban ngày đến, vẻ đẹp ấy sẽ biến mất. Vậy nên, nếu không nhanh, không hối hả, thuyền có thể không kịp chở trăng.

6. Trong vận động chung, khổ thơ thứ ba xuất hiện rõ nhất hình tượng nhân vật trữ tình. Ở hai khổ thơ đầu, nhân vật này chỉ xuất hiện phiếm chỉ qua đại từ “ai”. Còn đến đây đã hé mở một người em nào đó: “áo em trắng quá nhìn không ra”. Câu thơ tưởng chừng như phi lí (vì tại sao áo trắng lại khó nhìn ra?). Áo trắng là màu sắc đặc trưng cho thiếu nữ Huế. Nó gợi sự thanh khiết tinh khôi trong sáng mà trong khổ thơ nào cũng đều có. Áo trắng khó nhìn ra vì nó lẫn trong màu sương khói trắng. Có lẽ vì thế, câu thơ cuối “Ai biết tình ai có đậm đà?” càng gợi thêm nỗi khắc khoải, hi vọng mơ hồ, nỗi lòng cháy bỏng… mà nhà thơ đã nói đến trong suốt bài thơ. Mặc dù là một trong những bài thơ trong sáng giản dị nhất của Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ vẫn để lại cho người đọc ít nhiều bí ẩn mơ hồ, vốn là đặc trưng cho phong cách thơ Hàn Mặc Tử.

ĐỀ 206: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Đánh giá bài viết