HƯỚNG DẪN 

1. Vĩ Dạ nói riêng và Huế nói chung là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm đẹp của cuộc đời Hàn Mặc tử. Trong những kỉ niệm luôn tươi mới ấy có kí ức về một mối tình u uẩn, Ai biết tình ai có đậm đà của thi nhân. Đọc Đây thôn Vĩ Dạ, ta nhận ra từ cảnh đến con người thoáng sau ảnh hình và nhạc điệu những câu thơ đều được tắm mình trong sương khói hoài niệm, dưới nắng sớm của cảnh vườn và trăng khuya của dòng sông.

Cảnh trong khổ thơ đầu trong trẻo và cụ thể, chưa kịp trôi vào mộng ảo so với hai khổ thơ còn lại. Thực đến mức con người có thể cảm nhận được cả cái mới lên của nắng, sự mướt xanh của vườn, lẫn cả cái dáng mặt chữ điền lạ lùng mà vẫn thân thuộc thấp thoáng sau lá trúc. Đó không còn là cảnh trong thực tại mà đã là một lưu cảnh trong hoài niệm đầy nhớ nhung của khách đường xa. Đó là những ấn tượng mãnh liệt về cảnh vườn tược thôn Vĩ trong những ban mai nắng đẹp mà đường xa gió mới không làm người đi quên được. Cảnh hiện lên tươi tắn, lộng lẫy sau một lời nhắc nhẹ mà cũng nghe như lời trách khẽ của người thôn Vĩ hay lời tư vấn của người đi – Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Cảnh vườn ấy mở ra trong ban mai của thiên nhiên và của lòng người với tất cả nét tinh khôi, nguyên sơ của một ngày mới với những ánh nắng mới lên rực vàng nhấp nhánh trên đọt cau xanh ngất nghểu. Phong cảnh dường như được cả thiên nhiên và con người chăm chút – rực lên đây tôn quý (như ngọc) trong nắng mai lộng lẫy với tất cả sự mướt xanh óng ả đầy sức sống của nó. Không gian ấy như đẹp hơn bởi sự nên thơ hòa quyện giữa những nét trúc thanh nhã của vườn thôn Vĩ với nét mặt chữ điền hiền hậu của thiếu nữ thôn Vĩ kín đáo mà trữ tình thấp thoáng sau chiếc lá che ngang.

Đằng sau cảnh là tấm lòng người xa, tấm lòng tác giả cũng đang lên nắng mới, thứ nắng của yêu thương và chờ đợi. Cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết – tình của người ở, tình của khách đường xa – đó là những gì làm nên vẻ đẹp của khổ thơ mở đầu Đây thôn Vĩ Dạ. Sau một lời nhắc nhẹ mà cũng nghe như lời trách khẽ, bài thơ gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông. Ấn sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của tác giả.

2. Nhìn tổng thể, khổ thơ thứ hai của Đây thôn Vĩ Dạ là khổ của cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa của lòng người. Hai câu thơ đầu bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió mây chia lìa đôi ngả, với “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” khơi nỗi buồn hiu hắt. Hai câu sau là cảnh dòng sông Hương đêm trăng lung linh huyền ảo vừa thực vừa mộng. Ủa trong cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của Hàn Mặc Tử.

Khác với đoạn thơ mở đầu, cảnh hoàng hôn thôn Vĩ ở khổ thơ thứ hai như trôi từ thực vào mộng ảo, được tắm đẫm trong một vẻ đẹp mơ hồ, huyễn hoặc, khó xác định được ranh giới giữa hư và thực. Cảnh đã là tâm cảnh. Trong tâm cảnh đầy yêu thương và day dứt đó, đất trời thiên nhiên không còn sống theo quy luật vật lí nữa (gió thổi mây bay; trăng ngự trị ở trên trời) mà đã sinh tồn theo quy luật tâm lí: Gió thì thổi một đường mà mây cứ bay đi một nẻo, trăng theo người xuống tìm ai phía xa xôi sông nước, bến thì vẫn ngày đêm nằm đó nhưng biết thuyền có kịp chở trăng về: Gió theo lối gió mây đường mây và: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay? Trong dòng hoài niệm của Hàn Mặc Tử, cảnh sông, nước, mây, gió và đêm trăng dòng Hương hiện lên rất đẹp, rất thơ mộng nhưng đượm buồn, như thấm đẫm nỗi băn khoăn day dứt đầy ám ảnh cô đơn, chia lìa. Đó là vẻ đẹp lững lờ, trầm mặc, yên bình của dòng sông Hương giữa lòng thành phố cổ kính trầm mặc với đôi bờ mềm mại hoa bắp lay như làm ảnh lặng thêm miền đất cố đô. Nhà thơ Thu Bồn phải chăng đã ngẫm nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa dòng Hương và xứ Huế khi xuất thần hạ bút: Con sông dùng dằng con sông không chảy – Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Vẻ đẹp của thôn Vĩ, xứ Huế còn được hiện lên qua nét lung linh huyền ảo của con thuyền trên bến sông trăng. 

Qua nội tâm mãnh liệt chứa đầy đau đớn, khắc khoải của Hàn Mặc Tử, cảnh hoàng hôn thôn Vĩ càng như gợi lên nỗi niềm ngang trái chia lìa của lòng người. Chính khung cảnh đượm buồn thấm đẫm sự chia li đã dậy lên trong lòng người ước mộng sum vầy cháy bỏng. Khát khao đó gửi gắm vào trắng. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là biểu tượng của cái đẹp, của tình yêu và của hạnh phúc nhưng cũng quá nhiều lần biểu tượng trăng đó nhiều khi chỉ còn một nửa, đành đoạn tan vỡ như cuộc đời của nhà thơ : Hôm nay có một nửa trăng thôi – Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi – Ta nhớ mình xa thương đứt ruột – Gió làm nên tội buổi chia phôi, hoặc côi cút đến mức Mà tang thương còn một mảnh trăng rơi. Ở Đây thôn Vĩ Dạ, khát khao đoàn viên ẩn hiện trong nỗi mong ngóng con thuyền chở trăng về để thuyền và bến được sum họp – khát khao cho cái đẹp đoàn viên với cái đẹp để vơi đi nỗi lo âu chân trời, góc bể, khát khao cho người được trở về bên người cho đời bớt li tan. Nỗi khát khao của Hàn Mặc Tử đượm nhiều lo âu: có kịp không? Phải chăng nhà thơ đã hiểu rõ về căn bệnh của mình nên ông đang chạy đua với từng giây phút sống quý giá của đời mình trong tình yêu cuộc đời đến đau đớn, khắc khoải?

ĐỀ 202: Chỉ ra nét đẹp của cảnh và tâm trạng của tác giả trong bài thơ Đây thôn vĩ dạ (hai khổ 1 và 2).
Đánh giá bài viết