1. Cây tre vốn là loại cây gần gũi, quen thuộc đối với con người Việt Nam. Có thể gặp tre và các loại cây họ tre như nứa, trúc, mai, vầu,… ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước. Nhưng tre vẫn có nét riêng đặc biệt của nó, không lẫn với các loài cây khác. Để tái hiện vẻ đẹp của tre, Thép Mới đã sử dụng rộng rãi phép nhân hóa, thông qua đó ca ngợi các phẩm chất của cây tre.

Trước hết, tác giả khẳng định: “Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam”. Ở đây, một quan hệ mang tính người được xác lập: “bạn thân”. Cây tre được đặt trong quan hệ với nông dân” và với “nhân dân”. Tại sao lại như thế? “Nông dân” cũng là “nhân dân” và ngược lại, trong “nhân dân” vẫn có “nông dân” cơ mà? Thực ra, đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả để mở rộng mối quan hệ giữa tre và người. “Nông dân” là phạm vi hẹp, gắn với nông thôn, được mở rộng trong mối quan hệ với “nhân dân” bao gồm cả thành thị lẫn nông thôn, đồng bằng lẫn miền núi. Qua đó nhấn mạnh tính chất gần gũi, quen thuộc, gắn kết lâu đời giữa tre và mọi người dân Việt Nam và tô điểm thêm cho tính chất “bạn thân” của loại cây này.

Vì tre đã được xác định là “bạn thân” của người nên tre được miêu tả với phẩm chất người, với tính chất đặc trưng là “mọc thẳng”, có quá trình “lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc” như là sự phát triển của một con người. Hơn thế, tre còn mang một phẩm chất luôn được ca ngợi, đó là “thanh cao, giản dị, chí khí”. Là “bạn thân”, tre trở thành “cánh tay của người nông dân”, nghĩa là một trợ thủ đắc lực, một người bạn hết sức tin cậy. Tre chia bùi sẻ ngọt với người dân, “tre vẫn còn phải vất vả mãi với người”, “tre khăng khít với đời sống hàng ngày” của mỗi người dân Việt Nam. Tre trở thành nguồn vui của tuổi thơ qua những “que chuyền đánh chết”, thành niềm an ủi của tuổi già, tìm niềm vui khoan khoái qua “chiếc điếu cày tre”. Tre đồng lòng hợp sức cùng đánh giặc, “tre lại là đồng chí của ta”. Vì thế, cũng như con người, tre trở thành “anh hùng lao động”, “anh hùng chiến đấu”. Tre mang trong mình “những đức tính của người liền”, tre trở thành “tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam”.

Nghệ thuật nhân hóa đã tạo cho tre một vẻ đẹp khác thường, một mặt chứng minh sức sống trường tồn của tre, mặt khác cho thấy vai trò nhiều mặt của tre với tư cách là người “bạn thân” của người dân Việt Nam. Các lời bình được kết hợp trong hình thức liệt kê các công dụng của tre cũng toát lên tình cảm mến yêu quê hương, cho thấy sự gắn bó keo sơn giữa người và tre. Các câu thơ được đan cài vào các đoạn văn khẳng định tính chất “bạn thân” bền vững giữa tre và người, một sự gắn bó bền chặt đã có từ lâu đời và sẽ không bị mai một theo thời gian. Các câu văn được xuống dòng liên tục cũng cho thấy tính chất liệt kê, cho phép hình dung ra sự phong phú của tre, cũng làm nổi bật tính chất kí – tùy bút của bài viết này.

2. Sự gắn bó của cây tre đối với người dân Việt Nam được thể hiện từ hai phương diện.

– Thứ nhất là sự gắn bó giữa tre và người trong đời sống vật chất, thể hiện ở chỗ tre có mặt hằng ngày trong cuộc sống của con người, từ đôi đũa ăn cơm, chiếc tăm dùng sau bữa cơm, chiếc lạt gói bánh,… cho đến việc tre trở thành nguyên liệu chính để tạo ra mái nhà tranh dân dã, ấm cúng, thành vũ khí chống giặc như chống tre, gậy tầm vông, thành lũy tre bao quanh bảo vệ xóm làng,… và xa hơn nữa là hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre làm vũ khí xua đuổi quân thù.

– Thứ hai, tre còn có mối quan hệ gắn bó với đời sống tinh thần của con người: thành đồ chơi cho trẻ nhỏ, thành niềm vui của tuổi già, thành chiếc gậy phòng thân trên những nẻo đường,… Tre trở thành loại nhạc cụ thân quen của người Việt qua sáo tre, sáo trúc, cây đàn tơrưng, chiếc khèn, nơi bản làng thôn xóm; thành những cánh diều bay lượn trên trời cao. Như vậy, sự gắn bó giữa tre với người là sự gắn bó toàn diện và sâu sắc.

Còn, “ngày mai, trên đất nước này, sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa” như là một tất yếu của sự phát triển thì cây tre vẫn không mất đi vai trò của nó. Tre vẫn trở thành bóng mát, che phủ con đường đến trường, tre vẫn “mang khúc tâm tình” qua tiếng sáo tre, sáo trúc, qua tiếng đàn tơ-rưng, qua tiếng sáo diều như là một nét đẹp văn hóa của quê hương. Hơn nữa, tre còn trở thành các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ để đến với bạn bè muôn phương, để đem về cho Tổ quốc những thứ mà Tổ quốc cần trong giai đoạn mới. Nói cách khác, gắn với thời đại mới tre sẽ có thêm nhiều nhiệm vụ mới và chắc chắn, tre mãi mãi là người “bạn thân” của người dân Việt Nam.

Đề 20: Cảm nhận văn bản Cây tre Việt Nam
5 (100%) 1 vote