Câu 1: Nêu chủ đề bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Câu 2: Nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính có gì khác lạ? Một hình ảnh nổi bật trong bài thơ là những chiếc xe không kính. Vì sao có thể nói hình ảnh ấy là độc đáo?

Câu 3: Sửa lỗi dùng từ trong các câu sau:

a) Về khuya, đường phố rất im lặng.

b) Trong thời kì đổi mới, Việt Nam đã thành lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới.

Câu 4: “Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã khắc hoạ nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.” (Sách Ngữ văn 9, tập một, trang 142)

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Chủ đề bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Bài thơ Bếp lửa nói lên lòng thương nhớ, kính yêu và biết ơn bà của tác giả. Đồng thời qua đó nói lên tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước.

Câu 2:

– Nhan đề bài thơ khác lạ ở chỗ: Tác giả lấy hình ảnh những chiếc xe không kính để đặt tên cho bài thơ. Tác giả còn thêm vào nhan đề hai chữ Bài thơ. Hai chữ này cho thấy rõ cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: không phải là chỉ viết về những chiếc xe không kính hay là cái khốc liệt của chiến tranh, mà điều chủ yếu là Phạm Tiến Duật muốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, vượt lên thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh.

– Hình ảnh ấy là độc đáo bởi vì: nhan đề bài thơ đã làm nổi bật hình ảnh của toàn bài: những chiếc xe không kính. Qua đó làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Họ luôn hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi.

Câu 3: Sửa lỗi dùng từ trong các câu như sau:

a) Về khuya, đường phố rất vắng lặng. (Thay từ im lặng bằng từ vắng lặng vì từ im lặng chỉ dùng để nói về con người, về cảnh tượng của con người).

b) Trong thời kì đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. (Thay từ thành lập bằng từ thiết lập vì người ta chỉ dùng từ thành lập có nghĩa là lập nên, xây dựng nên một tổ chức nào đó. Mà quan hệ ngoại giao không phải là một tổ chức).

Câu 4:

1. Đặt vấn đề

– Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho nên thơ hiện đại Việt Nam.

– Giữa năm 1958, ông có chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên, đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

– Bài Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác vào năm 1958 tại vùng biển Hồng Gai, tỉnh Quảng Ninh và in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng.

tích bài thơ, ta sẽ thấy được “Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã khắc hoạ nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.” 

2. Giải quyết vấn đề

a) Cảnh biển vào đêm và tâm trạng náo nức của con người (2 khổ đầu)

– Cảnh biển lúc vào đêm: tráng lệ, rộng lớn mà gần gũi:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Bằng biện pháp so sánh “Mặt trời” như “hòn lửa”, câu thơ làm nổi bật vẻ đẹp của biển lúc hoàng hôn. Bầu trời và mặt biển bao la làm cho vũ trụ như một ngôi nhà lớn với màn đêm buông xuống. Những con sóng như chiếc “then cài” của ngôi nhà vĩ đại ấy.

– Tâm trạng náo nức của con người: tâm trạng náo nức ấy được thể hiện qua những dòng thơ sau:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Từ “Đoàn thuyền” tác giả đã tạo ra một hình ảnh khoẻ, lạ mà thật từ sự gắn kết ba sự vật và hiện tượng: cánh buồm, gió khơi và câu hát của những người đánh cá. Câu hát là niềm vui, sự phấn chấn của người lao động như đã có một sức mạnh vật chất để cùng với ngọn gió làm căng buồm cho con thuyền lướt nhanh ra khơi. Đó là tâm trạng náo nức của người lao động khi bắt đầu ra khơi đánh cá.

Câu hát của người ra khơi thể hiện sự cầu mong trời êm, bể lặng, cầu mong “cá thu”, “cá bạc” đầy lưới.

b) Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển (4 khổ thơ tiếp)

– Hình ảnh con thuyền đánh cá:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
.. thế trận lưới bây giăng.

Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hoà nhập vào với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ: lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng, dò bụng biển, dàn đan thế trận…

– Hình ảnh những đàn cá:

Những câu thơ miêu tả đàn cá thật đặc sắc. Cùng lúc tác giả tả nhiều loài cá mà loài nào hiện lên cũng rất đẹp:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.

Dựa vào ngoại hình của loài cá song mà tác giả sáng tạo hình ảnh thơ “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng”. Vây cá đen, hồng lấp lánh trên biển nước tràn ngập ánh trăng. Chỉ bằng một vài câu thơ mà tác giả vừa miêu tả được vẻ đẹp của các loài cá vừa nói lên được sự giàu có của biển khơi. Trong cảnh đẹp tuyệt diệu của đêm trăng giữa biển khơi, tác giả như cảm thấy: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”.

– Hình ảnh những người lao động:

Công việc kéo lưới thật nặng nhọc: “Ta kéo xoăn tay chùm lưới nặng”, nhưng không làm cho người làm động mất đi niềm vui. Trái lại, đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên:

Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Người lao động được làm chủ thiên nhiên, được làm chủ trong cuộc sống nên họ đã cất lên lời ca yêu đời, yêu cuộc sống. Lời ca của người lao động cùng với trăng sao đã gọi từng đàn cá vào lưới. Từ niềm vui với thành quả lao động, con người đã thấy được giá trị của biển khơi:

Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Bằng biện pháp so sánh “biển như lòng mẹ”, tác giả muốn khẳng định cái mênh mông rộng lớn của biển khơi và sự “nuôi dưỡng” của biển khơi đối với con người “tự buổi nào”.

=>Tóm lại, bốn khổ thơ đã miêu tả được vẻ đẹp và sự giàu có của biển khơi và niềm vui náo nức của người lao động vào một đêm trăng.

c) Hình ảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh lên (khổ cuối)

Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động hào hứng hăng say. Đoàn thuyền chuẩn bị trở về với khoang đầy ắp cá. Niềm vui dâng tràn trong người lao động. Vì thế một lần nữa, ta lại nghe tiếng hát cất lên từ những con thuyền đầy cá trở về bến trong buổi bình minh:

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Tác giả đã nhân hoá đoàn thuyền và mặt trời. Biện pháp nhân hoá này có tác dụng nhấn mạnh nhịp sống hối hả, khẩn trương và niềm vui, niềm phấn khởi của mọi người trước thành quả lao động trên biển khơi.

Hai câu cuối của bài thơ đã nói lên cá được mùa. Lòng người vui phơi phới. Cuộc sống đang đổi thay. Ngày mới lại bắt đầu:

Mặt trời đội biển nhỏ màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

3. Kết thúc vấn đề

– Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ hay phản ánh không khí lao động hăng say, náo nức của những người đánh cá trên biển trong không khí của những ngày đất nước xây dựng sau giải phóng.

– Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng độc đáo. Bài thơ mang âm hưởng khoẻ khoắn, hào hùng, lạc quan. Góp phần tạo nên âm hưởng ấy là các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, cách gieo vần,…

ĐỀ 20 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết