Dàn ý 

A. Mở bài

– Trong những năm tháng gay go, quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đồng thời cũng là anh bộ đội đã viết những bài thơ ca ngợi người lính trên chiến trường với một phong cách thơ riêng biệt, độc đáo. Thơ của anh đã được đánh giá cao.

– Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Trích trong tập Vầng trăng quầng lửa) là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính và sự kế thừa của biết bao thế hệ…

B. Thân bài

* Phân tích bài thơ 

1. Hình tượng thơ gắn liền với cái đẹp, vẻ trau chuốt sự kì vĩ đi cùng năm tháng đó chính là hình ảnh những chiếc xe không kính…

– Bình thường, những chiếc xe không kính không thể gọi là cái đẹp. Ấy thế mà tác giả đã lấy hình tượng đó làm cảm hứng xuyên suốt của bài thơ. Hình tượng độc đáo nhưng hợp lý này đã có tác dụng gây ấn tượng mạnh, là cơ sở để làm nổi bật phẩm chất dũng cảm, sự lạc quan và quyết tâm dành chiến thắng của người lính thời chống Mĩ.

– Hình tượng những chiếc xe không kính” đã gợi lên những nguy hiểm cận kề. Những “bom giật, bom rung” làm vỡ kính xe. Sự hi sinh, cái chết đã ở đâu đó, rất gần những người lính.

– Lời thơ bình dị:

“Không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi…”          

– Hình tượng những chiếc xe không kính cũng đã góp phần cụ thể hóa những khó khăn gian khổ mà anh bộ đội lái xe phải chịu đựng:

“Không có kính, ừ thì có bụi,            
Bụi phun tóc trắng như người già. 
Không có kính, ừ thì ướt áo,            
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”.

Hoàn cảnh chiến trường khó khăn, cái chết là thử thách lớn với những người lái xe trên con đường Trường Sơn khói lửa.

– Điệp ngữ “không có kính” ở đầu các khổ thơ vừa có tác dụng nhấn mạnh cho ta cảm nhận được sự gian khổ, hiểm nguy khốc liệt của hiện thực cuộc chiến đối với người lính Trường Sơn vừa khắc họa được nét tiêu biểu của con người Việt Nam, dù thiếu thốn, khó khăn vẫn kiên cường chiến đấu.

2. Hình ảnh những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn:

– Tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu vì miền Nam.

– Trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh, anh chiến sĩ vẫn giữ vững tư thế hiên ngang hướng về phía trước, thực hiện khẩu hiệu: “tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Câu thơ chuyển sang giai điệu thanh thản, tự tin:

“Ung dung buồng lái ta ngồi        
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.

– Những từ ngữ chọn lọc “ung dung”, “nhìn đất”, “nhìn trời”, “nhìn thẳng” thể hiện tư thế, phong cách anh bộ đội lái xe trên đường ra trận.

– Tư thế hiên ngang, lòng tự tin của anh bộ đội còn được biểu lộ ở chỗ bất chấp “bom giật, bom rung” của kẻ thù, vẫn cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, của đất nước, những nét đẹp lãng mạn, mặc dù cái chết đang cận kề, rình rập đâu đó quanh anh. Hình ảnh thơ đẹp, mạnh mẽ:

“Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.       

– Những thiếu thốn, khó khăn vật chất lại càng không ngăn được con đường anh đi tới:

“Không có kính, ừ thì có bụi”, 
“Không có kính, ừ thì ướt áo”. 

Câu thơ mộc mạc như một lời nói thường ngày đầy dí dỏm, tinh nghịch: “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo” đã giúp ta hiểu thêm về người lính trước những khó khăn gian khổ. Có khó khăn nhưng nào đáng kể gì! Có sao đâu, anh chấp nhận tất cả.

– Cách giải quyết khó khăn của anh cũng thật bất ngờ, thú vị:

“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc 
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”;             
“Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa           
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”.          

– Ngôn ngữ bình dị, âm điệu vui thể hiện niềm lạc quan yêu đời của tuổi trẻ sống có lý tưởng.

– Tư thế hiên ngang, lòng dũng cảm đã làm nên sức mạnh của anh bộ đội. Sức mạnh ấy còn được nhân lên gấp bội vì cạnh anh còn có cả tập thể anh hùng. Từ trong bom đạn hiểm nguy, “tiểu đội xe không kính” được hình thành, bao gồm những con người từ bốn phương chung lý tưởng, gặp nhau thành bạn bè.

“Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.     

Các anh đã cùng chung niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ, của tình đồng đội, tình đồng chí. – Hình ảnh sinh hoạt ấm tình đồng đội:

“Chung bát đũa nghĩa là gia đình             
Võng mắc chông chênh đường xe chạy”.

– Những câu thơ này như tái hiện được những âm điệu vui tươi của bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Tuy mỗi người một tính nhưng ta chung một lòng”.

– Đọc những câu thơ tiếp theo, ta thấy rõ khó khăn gian khổ càng nhiều hơn, chiến tranh càng ác liệt hơn:

“Không có kính, rồi xe không có đèn    
Không có mui xe, thùng xe có xước”. 

– Nhưng dù khó khăn ác liệt đến mấy, ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt của anh bộ đội vẫn không hề lay chuyển: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”. Hình ảnh tượng trưng “Chỉ cần trong xe có một trái tim” của bài thơ đã nêu bật được lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giành chiến thắng của các anh.

* Đánh giá chung về sự suy ngẫm liên tưởng đến thế hệ trẻ hôm nay và thế hệ cha ông đi trước.

– Bài thơ thành công trong việc khắc họa hình ảnh những anh bộ đội lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đầy cam go, thử thách, một lực lượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là hình ảnh “Nhân dân ta rất anh hùng”.

– Âm điệu trẻ trung, vui tươi, lời thơ gần với những lời nói trong sinh hoạt thường ngày và cách xây dựng hình tượng thơ độc đáo đã thể hiện phong cách thơ riêng của Phạm Tiến Duật.

C. Kết bài 

– Khẳng định giá trị bài thơ về mặt nội dung và nghệ thuật.

Đề 2: Phân tích bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Từ đó, em hãy phát biểu suy nghĩ của mình về sự kế thừa của tuổi trẻ hôm nay với tuổi trẻ cha anh.
Đánh giá bài viết