HƯỚNG DẪN

NGHỆ THUẬT

1. Hầu Trời tuy vẫn dùng thể thơ thất ngôn cổ điển nhưng Tản Đà đã có ý mở rộng biên độ thành “trường thiên”. Khi in bài thơ lần đầu, nhà thơ ghi dưới tên bài là “Điệu thu thuỷ” và chú thích ở dưới: “Thu thuỷ” là nước mùa thu, mùa thu nước lũ chảy thật mạnh, gỗ, bương, củi, sậy cùng trôi, không có kỉ luật nào (Còn chơi). Đúng như lời giải thích về điệu thơ, toàn bộ bài thơ chảy trôi theo một mạch thơ vô cùng phóng túng, có cảm giác không hề bị câu thúc bởi vần điệu và niêm luật; ngôn ngữ và hình ảnh cứ thế tuôn trào một cách tự nhiên theo dòng cảm xúc. Chính nguồn cảm hứng mới mẻ của Tản Đà đã kéo theo sự biến đổi từ bên trong của thể thơ, làm điệu thơ mang một sức sống mới. 

2. Giọng kể dí dỏm, hài hước, phá vỡ sự trang nghiêm của thơ cổ điển; ngôn ngữ sống động, đem vào thơ một hơi thở của đời sống thông tục rất thú vị. Bài thơ hấp dẫn ngay từ những lời mở đầu: Đêm qua chẳng biết có hay không… – Thật được lên tiên – sướng lạ lùng. Sự dí dỏm nằm trong những câu thơ kiểu văn nói: Đương cơn đắc ý đọc đã thích – Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi; Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!;... trong những lời đối thoại nôm na mà hóm hỉnh: Nhờ Trời văn con còn bán được – Chưa biết con in ra mấy mươi?; Chư tiên ao ước tranh nhau dặn – “Anh gánh lên đây bản chợ Trời!”,… Giọng thơ ở đây biểu lộ sự vui vẻ thư thái ung dung của thị nhân. Vừa là người kể vừa là nhân vật chính trong câu chuyện, nhà thơ nhập vai rất : thoải mái, nói năng trào lộng như ở nhà tạo cảm giác chốn thiên đình là nơi quen thuộc, người tiên hầu như cũng là chỗ bè bạn của nhà thơ. Đó cũng là một trong những biểu hiện của cái “ngông” Tản Đà.

ĐỀ 197: Đặc sắc nghệ thuật ở bài thơ Hầu Trời của Tản Đà.
Đánh giá bài viết