BÀI LÀM

Mùa xuân là mùa tươi đẹp nhất trong năm. Khi nàng xuân khoác chiếc áo nhẹ nhàng lướt tới cũng chính là lúc đất trời được phủ lên một sức sống diệu kì. Hương xuân hoà quyện vào thiên nhiên, thấm vào tâm hồn, làm bao trái tim xao xuyến, tạo nguồn cảm hứng để cho các thi nhân có thể viết lên những vần thơ về mùa xuân thật hay. Trong vườn thơ xuân ấy, ta không thể không nhắc đến Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, được viết vào cuối năm 1980, khi nhà thơ sắp từ giã cõi đời. Bài thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân về thiên nhiên, đất nước. Qua đó, thể hiện tấm lòng thiết tha, yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, cũng như ước nguyện chân thành của nhà thơ: muốn cống hiến cho đất nước, góp “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân chung của dân tộc. 

Mở đầu bài thơ, tác giả đã tả cảnh mùa xuân thiên nhiên, đất trời thật nên thơ:

Mọc giữa dòng sông xanh 
Một bông hoa tím biếc.      

Động từ “mọc” được đảo lên nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi sự ngạc nhiên, thích thú, niềm hân hoan của nhà thơ khi chào đón tín hiệu mùa xuân về. Giữa dòng sông xanh đang có một bông hoa tím lững lờ trôi. Màu tím hiện lên giữa màu xanh. Đó đều là những gam màu nhẹ, tạo nên sự hài hoà, duyên dáng cho bức tranh xuân. Màu tím là màu đặc trưng của xứ Huế. Còn dòng sông xanh ở đây chắc chắn là dòng sông Hương thơ mộng, quanh năm nước xanh ngắt mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất cố đô.

Bức tranh mùa xuân xứ Huế càng trở nên sinh động hơn bởi tiếng hót của loài chim chiền chiện:

Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.      

Từ “ơi” cảm thán đã bộc lộ được niềm ngây ngất của nhà thơ khi nghe âm thanh chim hót. Chim chiến chiến hót để gọi xuân về. Tiếng hót ngân vang, kéo dài tạo thành một âm sắc thánh thót, làm nên bản nhạc mùa xuân rộn ràng, tươi vui. “Hót chi mà” là giọng điệu thân thương của người dân xứ Huế, thể hiện được tình yêu mùa xuân thật thắm thiết.

Thanh Hải lắng nghe âm thanh của sự sống của thiên nhiên, đất trời đang trào dâng:

Từng giọt long lanh rơi 
Tôi đưa tay tôi hứng.     

“Giọt long lanh” ở đây là giọt sương ban mai, giọt mưa xuân; Hay giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện? Có thể hiểu theo cách nào cũng được cả. Ta không thể gọi tên rõ ràng, cụ thể hình ảnh thơ này, chỉ biết đó là giọt mùa xuân êm đềm, tha thiết, được nhà thơ trân trọng, nâng niu. Ở trên, tác giả đã cảm nhận mùa xuân bằng thị giác, thính giác và đến bây giờ là xúc giác. Hai câu thơ trên đã thể hiện được niềm say sưa, ngây ngất của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời khi vào xuân.

Từ mùa xuân thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang cảm nhận mùa xuân thiên nhiên, đất nước với hai hình ảnh:

Mùa xuân người cầm súng 
Lộc giắt đầy trên lưng , 
Mùa xuân người ra đồng 
Lộc trải dài nương mạ.

“Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân. Cấu trúc câu thơ song hành với hai hình ảnh: “người cầm súng”, “người ra đồng”, biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng: chiến đấu và lao động để xây dựng đất nước. Người lính khoác trên lưng vòng lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để đem lại sự tự do, bình yên cho đất nước. Mùa xuân đối với người ra đồng là những nương mạ xanh biếc, trải dài. Họ lao động sản xuất để đem về mùa xuân ấm no cho quê hương. Đó là những nhiệm vụ hàng đầu của đất nước ta lúc bấy giờ. Mọi người đều làm việc một cách tự nguyện với một không khí khẩn trương:

Tất cả như hối hả  
Tất cả như xôn xao

Điệp ngữ “tất cả” diễn tả sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Còn các từ “hối hả”, “xôn xao” vừa gợi âm lại vừa gợi hình – gợi sự vội vã, gấp gáp, khẩn trương và náo động, làm cho nhịp điệu câu thơ trở nên vui tươi, nhanh và mạnh mẽ khác thường.

Tương lai của Tổ quốc đang hiện lên rực rỡ, huy hoàng: Đất nước bốn nghìn năm Vất vả và gian lao Đất nước như vì sao Cứ đi lên phía trước

Quá khứ bốn ngàn năm vất vả và gian lao nhưng cũng thật oai hùng. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhân dân ta đã đem cả mồ hôi và xương máu của mình để bảo vệ và xây dựng đất nước. So sánh “Đất nước như vì sao…”, là tác giả luôn tin tưởng, hi vọng về một ngày mai non sông đẹp đẽ, huy hoàng.

Đứng trước không khí rộn ràng của mùa xuân thiên nhiên đất trời, nhà thơ cũng có những ước nguyện thật bình dị:

Ta làm con chim hót     
Ta làm một nhành hoa  
Ta nhập vào hoà ca       
Một nốt trầm xao xuyến.

Thanh Hải muốn đóng góp gì vào mùa xuân đây? Một con chim cất cao tiếng hót đem lại âm thanh rộn rã cho mùa xuân. Một nhành hoa toả hương khoe sắc trong muôn vàn loài hoa khác. Một nốt nhạc trầm trong dàn hoà ca làm xao xuyến lòng người. Vâng, ước mơ của Thanh Hải thật bình dị nhưng cũng thật cao đẹp, lời thơ như nhắn nhủ mỗi người hãy sống và công hiến hết mình cho cuộc đời, cho Tổ quốc. Điệp từ“Ta làm” được nhắc lại nhiều lần trong khổ thơ đã khẳng định sự tự nguyện hiến dâng, tự nguyện cống hiến sức lực của mình cho cuộc đời của nhà thơ. Dù đang nằm trên giường bệnh, dù sắp bước sang nửa bên kia của thế giới, Thanh Hải vẫn yêu con người, yêu cuộc sống thiết tha. Trong khổ thơ đầu bài thơ, tác giả tự xưng là “tôi”, nhưng ở khổ thơ này lại là “ta”, nghĩa là tâm hồn của nhà thơ đã hướng ra cái chung của cộng đồng, dân tộc. Sống vì lợi ích của mọi người chứ không màng đến lợi ích riêng tư. Nhà thơ tự nguyện dâng hiến cho đời một cách lặng lẽ:

Một mùa xuân nho nhỏ 
Lặng lẽ dâng cho đời    
Dù là tuổi hai mươi       
Dù là khi tóc bạc.           

“Mùa xuân nho nhỏ” là nhan đề của bài thơ, nó gây cho người đọc một sự ngạc nhiên đến bất ngờ. Lâu nay, ta vẫn thường bắt gặp những định ngữ đi kèm với mùa xuân: mùa xuân chín, mùa xuân xanh, xuân ý, xuân lòng… Còn “mùa xuân nho nhỏ” thì chỉ có trong bài thơ của nhà thơ Thanh Hải. Người đọc tưởng như có thể nhìn, nắm và đo được kích thước của nó. Thực ra, đây là một hình ảnh ẩn dụ, là mùa xuân riêng của tác giả. Nhà thơ muốn góp vào mùa xuân chút công sức nhỏ bé của mình, chỉ “nho nhỏ” thôi nhưng lại có ý nghĩa lớn lao để hiển dâng cho đời một cách lặng lẽ, không phô trương ồn ào, không cần ai biết đến. Nhà thơ sẽ sống và sẽ cống hiến dù là khi ở tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống hay khi màu tóc đã bạc trắng về già. Điệp từ “dù là” là lời tự nhủ, tự hứa với chính mình rằng: sẽ sống cống hiến hết cuộc đời và hết sức mình để cùng với nhiều “mùa xuân nho nhỏ” khác, làm nên mùa xuân lớn lao của toàn dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết:

Đã là con chim chiếc lá 
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào hay mà không có trả 
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Cái cho đi ấy cũng chính là cái mà ta đã cống hiến. Không Có những con người như anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”, một mình sống cô đơn giữa cỏ cây, mây mù lạnh lẽo mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì làm sao mọi người có thể có được bản tin dự báo thời tiết chính xác, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu? Và nếu không có những con người đã cho đi tuổi xuân, hạnh phúc, tình yêu và kể cả tính mạng của mình thì làm sao đất nước ta có được độc lập tự do như ngày hôm nay? Vì thế, đây là quan niệm sống đẹp của người cách mạng, thể hiện sự khiêm tốn, ý thức trách nhiệm của cá nhân nhà thơ với cuộc sống, với Tổ quốc.

Đất nước đang thay da đổi thịt” từng ngày. Mùa xuân đã thực sự về với toàn dân tộc. Sống trong thời đại mới hôm nay, mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm với Tổ quốc, sống cống hiến hết mình cho đời. Bạn và tôi, tất cả chúng ta hãy là “một mùa xuân nho nhỏ” lặng lẽ đem sức mình để xây dựng quê hương.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 19: Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
Đánh giá bài viết