GỢI Ý LÀM BÀI

Đây là bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Bài viết cần đạt:

a) Yêu cầu về nội dung

Luận đề: Hành động là biểu hiện, là thước đo phẩm chất đạo đức của con người.

– Các luận điểm

+ Phẩm chất đạo đức là nguồn gốc chỉ đạo hành động của con người. + Hành động của mỗi người phản ánh phẩm chất đạo đức của người ấy.

+ Phẩm chất, đức hạnh và hành động là hai yếu tố gắn bó chặt chẽ để hình thành nhân cách con người, cũng là những tiêu chí, chuẩn mực đánh giá nhân cách con người tốt, hay xấu; lương thiện hay độc ác. Do đó thanh niên học sinh cần rèn luyện toàn diện phẩm chất, đức hạnh để có những việc làm. ứng xử tốt đẹp nhất.

b) Yêu cầu về cách viết

Bố cục: Ba phần đặt vấn đề, giải quyết và kết thúc vấn đề mạch lạc chặt chẽ

– Vận dụng các thao tác lập luận

+ Giải thích câu nói: phẩm chất đạo đức là gì? Hành động là gì?

+ Phân tích, chứng minh các khía cạnh về mối quan hệ giữa đức hạnh và hành động. Trong khi phân tích, chứng minh có thể dùng so sánh, bác bỏ. + Bình luận: ý nghĩa của câu hỏi, cách thực hiện…

BÀI LÀM

Nhà triết học La Mã cổ đại Xi-xê-rông cho rằng: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là trong hành động”. Câu nói đề cập đến một vấn đề quan trọng: để đánh giá phẩm hạnh của một con người ta phải xem xét hành động của người ấy.

Suy nghĩ và hành động là hai điều mà con người ta vẫn làm thường ngày. Đó là hai quá trình liên quan mật thiết đến nhau. Đức hạnh là nhân để nảy sinh ra hành động, hành động là hoa thơm trái ngọt của đức hạnh. Bởi thế, Xi-xê-rông khẳng định tuyệt đối rằng: mọi phẩm chất tốt đẹp của con người đều bộc lộ trong hành động. Ta phải hiểu câu nói trên như thế nào? “Hành động” mà nhà triết học muốn nói phải chăng là cách ứng xử của con người với con người, của con người với xã hội. Vậy câu nói mang ý nghĩa, nội dung cụ thể là: con người sẽ bộc lộ mọi phẩm chất tốt đẹp của mình trong quá trình giao tiếp, ứng xử với xã hội.

Xã hội ngày nay đang ngày càng tiến bộ, xu hướng của nhân loại là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Người với người được sống trong tình thương yêu của đồng loại. Chính vì thế, cái “tâm” của con người đang ngày một được đề cao. Cha ông ta ngày xưa từng răn dạy: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Đức tính, phẩm giá tốt đẹp luôn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá một con người. Cái phẩm giá tốt đẹp ấy lại biểu hiện cụ thể qua cách ứng xử của con người. Một đứa bé biết chào hỏi lễ phép, là đứa trẻ có lòng kính trọng người lớn. Một bạn học sinh đến giúp đỡ bà mẹ liệt sĩ, bạn ấy thật có tinh thần uống nước nhớ nguồn… Còn rất nhiều, rất nhiều những hành động từ nhỏ bé đến lớn lao đều thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người. Câu nói của Xi-xê-rông còn đề cập đến một chân lí nữa: lòng tốt của bạn chỉ trong suy nghĩ thôi chưa đủ, nó phải được chuyển hoá thành hành động tốt, một nghĩa cử, khi ấy lòng tốt mới thực sự có ý nghĩa cao đẹp. Bạn nhìn thấy một cụ già mắt mờ chân chậm loay hoay trên con đường tấp nập, rối ren toàn xe cộ qua lại ư? Đừng ngại ngần gì cả, hãy nắm lấy bàn tay già nua ấy, giúp đỡ cụ qua đường. Tôi biết trong tình huống ấy có người sẽ chạy vụt qua, người tốt hơn thì đi chậm lại, nhìn bà cụ bằng con mắt ái ngại. Nhưng rồi cũng đi qua. Tôi thắc mắc rằng tại sao họ không hành động nhỉ, tại sao họ lại để phí lòng tốt của mình. Sao không để nó giúp ích cho bà cụ? Vậy đấy, suy nghĩ và hành động nhiều khi trái ngược nhau. Con người cần phải điều khiển được lòng tốt của mình, cho nó đi theo những hành động đúng đắn.

Hai chữ “con người” là một danh xưng cao quý nhất trên thế giới này. Tại sao vậy? Vì bản thân hai chữ ấy mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. “Con” là phần thuộc về bản năng sống, “người” chính là hành động một cách có ý thức, có cảm xúc có mục đích để ứng xử với xã hội. Chính vì thế, con người cần hành động đúng, hành động tốt để xứng đáng là “con người”. Câu nói của Xi-xê-rông mang đầy đủ ý nghĩa ấy. Câu nói ấy cất lên cách đây mấy nghìn năm mà vẫn như một lời khuyên, một lời nhắn nhủ đến toàn nhân loại ngày nay rằng: hãy biến tình yêu thành hành động. Đó cũng là tiêu chí đúng đắn cho một cách sống nhân văn, có ý nghĩa giáo dục con người, nhất là giới trẻ ngày nay để chúng ta rèn luyện toàn diện vừa có phẩm chất đạo đức vừa có những ứng xử văn hoá, hợp đạo lí.

Riêng với tôi. một công dân trẻ tuổi đang háo hức bước vào đời, tôi cảm thấy câu nói ấy vô cùng ý nghĩa. Được giáo dục trong một môi trường tốt, tôi thấy mình đu nhân cách để tự tin bước ra hoà nhập với xã hội. Câu nói của Xi-xe-rông là bài học quý giá nhắc nhở tôi phải biến nhân cách ấy thành hành động để giúp ích cho bạn thân và cho cuộc đời. Tôi nghĩ rằng câu nói của Xi-xê-rông vừa có ý nghĩa răn dạy vừa là một chân lí có giá trị trường tồn mãi mãi.

(Nguyễn Thuỳ Trang, Lớp 11D, PTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội)

ĐỀ 19 – Nhà triết học La Mã cổ đại Xi-xê-rông nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Bằng bài viết khoảng 600 từ, anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Đánh giá bài viết