Câu 1: Thế nào là từ đồng nghĩa? Có mấy loại từ đồng nghĩa? Cho ví dụ minh hoạ ở mỗi loại.

Câu 2: Trình bày những nét chính về tác giả Huy Cận.

Câu 3: Viết bài văn nêu cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Qua bài thơ Đồng chí, em có cảm nhận gì về hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp?

Câu 4: Cảm nghĩ của em về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

– Có hai loại từ đồng nghĩa: từ đồng nghĩa hoàn toàn và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn.

+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ đồng nghĩa không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa.

Ví dụ: tui – tôi; mè – vừng; hoa – bông; rẽ – quẹo,…

+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn là những từ đồng nghĩa có sắc thái nghĩa khác nhau.

Ví dụ: hi sinh, mất mạng, nghèo, từ trần, băng hà,… (các từ này khác nhau về sắc thái biểu cảm).

Câu 2:

1. Cuộc đời

– Tên khai sinh: Cù Huy Cận

– Ông sinh năm 1919, trong một gia đình nhà nho nghèo, gốc nông dân.

– Quê: làng Ân Phú, Hương Sơn (nay là xã Đức Ân, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Cuộc đời ông có thể chia làm hai thời kì:

a) Trước Cách mạng tháng Tám:

– Lúc còn nhỏ ông học ở quê, sau vào Huế học trung học

– Ông học trường Cao đẳng Canh nông ở Hà Nội.

– 1942: Ông bắt đầu tham gia phong trào sinh viên yêu nước và mặt trận Việt Minh. Ông đã tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào.

b) Sau Cách mạng tháng Tám: Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Ông mất ngày 19 – 2 – 2005.

2. Sự nghiệp sáng tác

– Trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Ông sáng tác về nhiều đề tài khác nhau. Thơ ông nói về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Các tác phẩm tiêu biểu: Lửa thiêng (thơ: 1940), Kinh cầu tự (văn xuôi: 1942), Vũ trụ ca (thơ: 1942).

– Sau Cách mạng tháng Tám: Thơ ông nói về cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân. Các tác phẩm tiêu biểu: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời…

Câu 3: Bài làm cần đạt được các ý sau đây:

Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là một trong những bài thơ đặc sắc viết về anh bộ đội Cụ Hồ trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh chân thực giản dị, cao đẹp của anh bộ đội trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngay khi giới thiệu về những người lính, tác giả cũng đã nêu bật được hoàn cảnh xuất thân của họ. Họ xuất thân từ những người nông dân từ mọi miền quê khác nhau của đất nước.

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Người lính ra đi từ một miền quê nghèo khó. Nơi ấy có thể là vùng đất mặn ven biển hay vùng đất có độ phèn chua cao. Người lính cũng có thể sinh ra và lớn lên từ một miền quê đất đai khô cằn “đất cày lên sỏi đá”. Là những người nông dân từ nhiều miền quê “xa lạ”, nhưng vì cùng chung mục đích đánh giặc cứu nước nên dẫu cho “chẳng hẹn” họ trở thành những người lính và họ “quen nhau”. Khi đã cùng chung mục đích, cùng sống bên nhau, họ đã có sự quan tâm, cảm thông sâu sắc:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Có thể nói những người lính rất hiểu về hoàn cảnh của nhau. Nói đúng hơn là họ hiểu về nhau một cách tường tận. Vốn là một nông dân, mảnh ruộng đối với họ quý giá biết bao. Vậy mà họ đành gửi cho “bạn thân cày”. Họ ra đi, căn nhà “mặc kệ gió lung lay”. “Giếng nước, gốc đa” nơi một thời gắn bó với bao kỉ niệm nhớ thương họ. Họ đã sẵn sàng bỏ lại những gì quý giá thân thiết của cuộc sống nơi làng quê để ra đi vì nghĩa lớn. Hai chữ “mặc kệ” nói lên sự dứt khoát mạnh mẽ và thái độ cương quyết của người ra đi. Người lính nông dân ấy vẫn gắn bó, nặng lòng với làng quê thân yêu. “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” và người ra lính cũng da diết nhớ quê hương. Người lính trong bài thơ Đồng chí còn là những người luôn phải chịu đựng cuộc sống thiếu thốn, gian khổ. Trong chiến đấu, những người lính không đủ quần áo, quân trang quân dụng. Họ phải mặc “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”. Những người lính phải cùng nhau đắp chăn chung trong những đêm đông giá rét giữa núi rừng “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Bằng hình ảnh cụ thể, giản dị và hết sức gợi cảm, tác giả đã chuyển tải đến người đọc một thông điệp: tình đồng chí, đồng đội nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui. Đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt. Họ cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính. Đó cũng là cái thiếu thốn, cái gian khổ chung mà những người lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp phải trải qua. Thiếu thốn đến như vậy, nhưng giữa rừng núi vào mùa đông giá rét, người lính vẫn “miệng cười buốt giả”. Điều đó khẳng định: dù trong hoàn cảnh nào, người lính vẫn luôn luôn lạc quan, yêu đời. Tình đồng chí, đồng đội ở người lính cũng thật sâu sắc, thắm thiết. | Giữa chốn núi rừng khí hậu khắc nghiệt, những người lính dành tình thương để sưởi ấm lòng nhau. Chi tiết “tay nắm lấy bàn tay” làm xúc động lòng người đọc. Họ nắm tay nhau để truyền hơi ấm cho nhau. Họ nắm tay nhau để san sẻ với nhau nỗi gian nan vất vả. Họ nắm tay nhau còn là để truyền cho nhau niềm tin, động viên nhau vượt qua những khó khăn vất vả. Sự chia sẻ đơn giản mà sâu nặng, chan chứa tình người. Có thể nói, hình ảnh rất đẹp, rất lãng mạn về người lính được thể hiện ở ba câu cuối của bài thơ:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Chỉ ba câu thơ, nhưng tác giả đã cho người đọc được quan sát một bức tranh đẹp bằng ngôn từ. Đó chính là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong cảnh “rừng hoang sương muối”, những người lính phục kích giặc đứng bên nhau. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ giữa cảnh rừng hoang mùa đông, sương muối giá rét. Hình ảnh người lính trong bài Đồng chí là hình ảnh đẹp. Họ là những người lính xuất thân từ nông dân nên mang trong mình cái giản dị, mộc mạc chân chất. Họ là những người luôn cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Họ sát cánh bên nhau chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Họ đều mang trong mình vẻ đẹp ý chí và tâm hồn Việt Nam.

Nhà thơ Chính Hữu miêu tả thành công hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp là nhờ tác giả cũng là một người lính, cũng đã từng trải qua khó khăn gian khổ, đã từng chia bùi, sẻ ngọt với đồng đội thân yêu. Ông vừa cầm súng chiến đấu vừa cầm bút để ghi lại những gì đẹp nhất về người lính mà ông đã được chứng kiến trong cuộc sống và chiến đấu của mình.

Câu 4: Em hãy phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật.

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

– Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, mất năm 2007 vì một bệnh hiểm nghèo.

Quê ông: huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông gia nhập quân đội hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn.

– Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

– Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác vào năm 1969, trên con đường chiến lược Trường Sơn. Bài thơ được giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ Vầng trăng quầng lửa của tác giả.

– Trong bài thơ, vẻ đẹp của người lính nói chung, người lính lái xe trong đoàn vận tải quân sự nói riêng thời chống Mĩ được thể hiện. Bài thơ còn thể hiện tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ trong tình đồng đội và ý chí chiến đấu vì miền Nam thân yêu.

2. Giải quyết vấn đề

a) Trước hết người lính trong bài thơ là những người luôn bất chấp gian khổ, khó khăn trên con đường vận chuyển hàng vào miền Nam.

Người lính vận tải hàng trên con đường nguy hiểm đầy bom rơi.

– Phương tiện vận chuyển là những chiếc xe không có kính:

Không có tính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.

Với ba từ “không” tác giả đã lí giải một cách rõ ràng nguyên nhân xe không có kính. Không phải không kính vì xe không được trang bị kính mà xe không có kính bởi một lí do “bom giật bom rung” làm cho kính của xe “vỡ đi rồi”. Điệp từ “bom” thể hiện sự nguy hiểm do kẻ thù gây ra trên con đường vận tải.

– Những chiếc xe vận tải không chỉ bị vỡ hết kính mà bom đạn chiến tranh còn làm cho những chiếc xe ấy biến dạng thêm, trần trụi hơn nữa “không đèn”, “không có mui xe, thùng xe có xước”.

Hình ảnh những chiếc xe không kính không hiếm trong chiến tranh, nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm, với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa nó vào hình tượng thơ độc đáo của thời chiến tranh chống Mĩ. 

=> Dù con đường vận chuyển hàng ra mặt trận còn nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng đoàn xe vẫn tiến lên phía trước. Đó chính là tinh thần vượt mọi hiểm nguy của người chiến sĩ lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: “Không có kính, ừ thì có bụi”, “Không có kính, ừ thì ướt áo”.

b) Người lính trong bài thơ là những người có tư thế ung dung, hiên ngang

Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ. Đó là tư thế hiên ngang của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Dù bom rơi, xe vỡ kính, xe không đèn, xe bị xước nhưng người lính vẫn:

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Từ “ung dung” nói lên dáng điệu cử chỉ bình tĩnh, không hề nôn nóng, vội vàng hay lo lắng của người chiến sĩ lái xe. Với tư thế “nhìn đất, nhìn trời nhìn thẳng” qua khung cửa xe không còn kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.

Những câu thơ đã diễn tả được cảm giác về tốc độ trên chiếc xe đang lao nhanh. Qua khung cửa xe không kính, không chỉ mặt đất mà cả bầu trời và sao trời, cánh chim như cũng ùa vào buồng lái. Nhà thơ đã diễn tả chính xác cái cảm giác nhanh và đột ngột của người ngồi trong buồng lái, khiến người đọc có thể hình dung được rõ ràng những ấn tượng, cảm giác ấy như chính mình đang ở trên chiếc xe không kính.

c) Những người lính lái xe là những người sôi nổi, vui nhộn, lạc quan

Trên đường vận tải đầy bom đạn, những người lính lái xe vẫn rất vui nhộn, lạc quan. Sự vui nhộn lạc quan đó được tác giả miêu tả bằng những hình ảnh hết sức chân thực, đời thường:

Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Những chàng trai với mái tóc xanh giờ đây bụi đường đã làm cho “trắng xoá như người già”. Họ chẳng cần vội rửa những khuôn “mặt lấm”, cứ để như vậy mà “phì phèo châm điếu thuốc”. Không những vậy, khi họ nhìn vào khuôn mặt lấm lem của nhau còn cất tiếng cười “ha ha”. Chỉ bằng một vài nét miêu tả chân thực mà chân dung người lính hiện lên thật trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời. Lòng lạc quan yêu đời ở người lính còn thể hiện qua những hình ảnh bất ngờ:

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.

Giọng thơ rất gần với lời nói, câu thơ rất rất gần với câu văn xuôi. Điều đó là nét độc đáo của bài thơ, thể hiện cái hiên ngang, bất chấp khó khăn nguy hiểm của những người lính lái xe Trường Sơn.

d) Người lính lái xe Trường Sơn còn là những người dũng cảm, có tinh thần quyết chiến, quyết thắng

– Người lính Trường Sơn dũng cảm lái xe qua bom đạn:

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây hop thành tiểu đội.

Phải có lòng dũng cảm, thì những người lái xe mới có thể cho xe vượt qua bom rơi để tiến về phía trước. Chiến tranh khốc liệt, bom đạn kẻ thù rải xuống bất cứ lúc nào cũng không làm nản lòng chùn bước chân người chiến sĩ.

– Người lính Trường Sơn là những người có tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Với những chiếc xe bị bom đạn Mĩ làm cho biến dạng đến trơ trụi: “Không có kính rồi không có đèn, không có mui xe thùng xe có xước”, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, họ vẫn cùng xe tiến thẳng về phía trước:

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Với bộ quần áo ướt sũng nước mưa vì xe không có kính, người lính lái xe vẫn lái xe tiến về phía trước hàng trăm cây số. Đó chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam, là tình yêu nước nồng nhiệt thời chống Mĩ.

– Người lính lái xe Trường Sơn lái xe băng băng ra tiền tuyến còn bởi một lí do mà tác giả đã lí giải một cách bất ngờ, chí lí:

Chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó là trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, là trái tim chan chứa tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ đã khắc hoạ một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính. Qua đó, tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn thời chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

– Tác giả đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khoẻ khoắn.

– Cảm phục những người lính thời chống Mỹ cứu nước qua hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn.

ĐỀ 19 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết