HƯỚNG DẪN

 – Nếu quan hệ bá Kiến – Chí Phèo là nẻo đường xuôi đưa đẩy Chí về thế giới của quỷ dữ thì quan hệ Thị Nở – Chí Phèo lại là cột mốc của hành trình ngược về ngưỡng cửa của sự lương thiện. Quan hệ này trực tiếp thể hiện phần nhân tính chìm khuất và cả bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo. Thị Nở là nhân vật đặc biệt : và sự xuất hiện của nhân vật này có một ý nghĩa khá đặc biệt trong việc thể hiện số phận, tính cách của Chí Phèo. Nam Cao đã sáng tạo bất ngờ một Chí Phèo mới” trong mối quan hệ với thị Nở.

– Thị Nở nghèo, xấu, dở hơi, là dòng dõi của nhà “có mà hủi”… nhưng với Chí, thị Nở lại là người “có duyên”. Không ai khác, trong cơn mê đời mình, thị Nở là người đánh thức và tạo nên một giấc mơ hạnh phúc của Chí Phèo. Gặp thị Nở, Chí Phèo mới biết “cháo hành rất ngon”, “đàn bà không có men như rượu nhưng cũng làm người say”. Chí Phèo ăn nói, ứng xử ra người là chỉ khi có thị Nở bên cạnh. Và ngược lại, thị Nở thành đàn bà, có hành vi thường tình là khi có hơi ấm của Chí. Đó cũng là hạnh phúc, tình yêu, sự quyến rũ, dù ngắn ngủi và cũng không giống ai. Tác giả đã đặt “đôi lứa xứng đôi” này, nhất là phút giây “giao hoà” hiếm hoi của họ, trên một đường viền khung cảnh quê kiểng êm đềm với tiếng chim hót, tiếng người đi chợ về khác với mọi không gian mà Chí đã tồn tại. Có thể nói, thị Nở đã giúp Chí Phèo thắp lại chút lương tri le lói cuối cùng để có một đổi thay quyết định, để tự tìm một cơ hội làm người. Nhưng, cái độc đáo còn ở chỗ, thị Nở cũng là nỗi đau khác nữa của Chí, thị thêm một nỗi đau nữa để tặng Chí. Nghèo, xấu, dở hơi, thua thiệt, thảm hại thế mà Chí vẫn không “xứng tầm” với. thị. Điều cay đắng này làm tô đậm cái bi đát, hẩm hiu cùng cực trong số phận Chí, góp thêm một tác động không nhỏ để Chí bùng phát hành động.

– Có thể nêu tóm tắt diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau cuộc gặp gỡ thị Nở như sau: thức tỉnh – thất vọng, đau đớn, phẫn uất – tuyệt vọng. Sau sự kiện “đêm trăng vườn chuối” và “bát cháo hành”, Chí thức tỉnh để biết thế nào hi vọng. Chí đã có một giấc mơ đẹp khi ngẩn người, đuổi theo thị Nở nắm lấy tay thị và có cảm giác mùi hương cháo hành còn vương đâu đây… Nhưng rồi bà cô thị Nở đưa ra hai lí do để ngăn cản mối “lương duyên” Chí Phèo – Thị Nở: không cha không mẹ, lưu manh (rạch mặt ăn vạ). Đó chăng khác nào một lời kết án Chí Phèo. Như vậy, Chí thức tỉnh đâu chỉ là để biết hi vọng mà còn để hiểu niềm tuyệt vọng, để tìm một lối thoát. Chí đã “ôm mặt khóc rưng rức” và thấm thía hơn bao giờ hết cái bi kịch bị từ chối quyền được làm người.

– Từ tâm trạng ấy, Chí nghĩ mình phải hành động. Sự từ chối của thị Nở đã kéo Chí Phèo trở về với thực tại phũ phàng, và nhận ra, bằng tiềm thức, kẻ thù của Chí trước hết vẫn là bá Kiến. Chí Phèo giết bá Kiến rồi tự sát là hành động bột phát nhưng theo đúng quy luật tâm lí nhằm giải tỏa bế tắc của một kẻ cố cùng; bởi mâu thuẫn Chí Phèo – bá Kiến là mâu thuẫn không thể giải quyết; đó là một quá trình tâm lí và hành động phức tạp, đầy tính bất ngờ, đột biến, nhưng lô-gíc.

– Số phận của Chí Phèo là số phận bi kịch, được Nam Cao miêu tả theo một quá trình: bị tha hoá đồng thời bị cự tuyệt quyền làm người. Quá trình bị tha hoá diễn ra từ khi vào tù và sau khi ở tù về, anh lực điền hiền lành bỗng hoá thành nỗi kinh hoàng của làng Vũ Đại. Tính chất bi kịch ở đây được Nam Cao khơi sâu khi nhà văn đặt Chí Phèo vào cảnh ngộ đặc biệt: không chỉ bá Kiến đã xô đẩy Chí Phèo mà chính Chí Phèo, khi đã bị biến thành tay sai của cụ bá “róc đời”, đã tự huỷ hoại nhân hình, nhân tính của mình mà không hay biết. Thậm chí, hắn còn lấy làm đắc chí nghĩ rằng anh hùng ở làng Vũ Đại “cóc thằng nào bằng ta”. Quá trình bị từ chối quyền làm người diễn ra cùng lúc với quá trình bị tha hoá. Nhưng phải sau khi gặp thị Nở, tức là từ khi Chí Phèo thức tỉnh, bi kịch mới thực sự lên đến đỉnh điểm. Bi kịch ấy được thể hiện tập trung qua tâm trạng và kết cục thiện duyên. Buổi sáng hôm ấy dội vào lòng Chí bao nhiêu âm thanh cuộc đời bình dị, thức tỉnh cảm xúc thuộc về con người trong Chí Phèo. Tiếng Chim hót, tiếng thuyền chài gõ mái chèo, tiếng cười nói của người đi chợ về… tất cả gợi nhắc giấc mơ xa xôi một thời, giấc mơ về một gia đình bé nhỏ… Nhưng Chí Phèo không “xứng đôi” với thị Nở, Chí Phèo chỉ là quỷ dữ, không thể là người dưới một bà cô thị Nở và dưới một thiên hạ – Chí Phèo bị cự tuyệt. “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Nỗi đau ấy không phải là tất cả nguyên nhân nhưng là lý do cuối cùng để ra đi trả thù bằng một hành động dữ dội, quyết liệt nhất: “đâm chết nó”. Tiềm thức Chí hiện ra hình ảnh đầu tiên và cuối cùng là bá Kiến. Nhưng vấn đề ở chỗ, dù bá Kiến có chết. Chí Phèo cũng “không thể là người lương thiện”.

– Cái đáng quý, đáng nói trong Chí và trong tư tưởng nghệ thuật nhà văn chính là ở chỗ. Chí thà chết trên ngưỡng cửa trở về với lương thiện còn hơn sống trong kiếp một con quỷ dữ. Chí Phèo chết nhưng số phận nhân vật vẫn còn tiếp tục với những ám ảnh không dứt cho những số phận kiểu Chí Phèo trong tương lai. Hình ảnh Thị Nở nhìn xuống cái bụng của mình và trông ra cải lò gạch cũ xa xa gợi rất nhiều dư vị cho người đọc.

ĐỀ 181: Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở cho đến lúc tự sát.
Đánh giá bài viết