Đề 18 – Tinh thần thời đại ở bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão.

BÀI LÀM

Lịch sử Việt Nam đời nhà Trần là một giai đoạn lịch sử vinh quang, chói sáng. Tuy vậy, văn thơ đời nhà Trần còn lại đến nay không phải là nhiều, nhất là những tác phẩm đề cập trực tiếp sự kiện quân dân ta ba lần đánh bại giặc Nguyên – Mông – một kẻ thù hùng mạnh từng là nỗi khiếp sợ của bao quốc gia. Á, Âu thời trung đại. Đặt trong bối cảnh ấy, phải nhận rằng Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão là tác phẩm thật đáng quý, đã cho hậu thế nhìn thấy được phân nào hào khí của một triều đại (hào khí Đông A) và tư thế, tầm vóc kiêu hùng của một dân tộc dám khẳng định mình trước một đế quốc gần như không có đối thủ và lãnh thổ trải rộng như cánh chim đại bàng che rợp cả hai châu lục Á Âu. Nhưng nói thế có phải quá lời, khi bài thơ chỉ gồm 4 câu 7 chữ, có một dung lượng quá bé nhỏ? Thực ra, không cứ phải dung lượng lớn với các câu chữ điệp trùng thì một tác phẩm văn học mới ôm chứa được những vấn đề lớn lao, hệ trọng của quốc gia, dân tộc và thời đại. Tính chất ước lệ của nghệ thuật có thể cho phép nhà văn, nhà thơ làm được những việc tưởng không thể làm, với điều kiện người nghệ sĩ làm chủ được chất liệu sáng tạo và biết phản ánh đời sống ở những khía cạnh bản chất nhất, tinh túy nhất. Qua những gì đã thể hiện ở bài thơ Thuật hoài, có thể thấy Phạm Ngũ Lão đã chứng tỏ được bản lĩnh của một nhà thơ đích thực trong việc dừng chân dung tinh thần của thời đại. 

 Đọc bài thơ, trước hết độc giả nhìn ra hình ảnh của nhân vật trữ tình trong tư cách của một chiến binh dạn dày trận mạc. Tư thế là tư thế của chiến binh: hoành sóc (cầm ngang ngọn giáo). sứ mệnh là sứ mệnh của chiến binh “trấn giữ giang sơn, giữ yên bờ cõi”. Bối cảnh để người chiến binh này bộc lộ mình, cũng là để trả món nợ công danh (công danh trái) là bối cảnh chiến trận với tam quân tì hổ khí thôn ngưu (ba quân dũng mãnh như hổ báo khí thế nuốt trâu). Nhân vật được người chiến binh trong bài nhắc tới, không phải ai khác, chính là Vũ hầu Gia Cát Lượng (Khổng Minh) – nhà quân sự lỗi lạc thời Tam quốc. Như vậy, chỉ với một ít câu thơ, Phạm Ngũ Lão đã thực sự dựng dậy được không khí đặc trưng của một thời kì lịch sử mà khi đó, nhân vật trung tâm của đời sống đất nước là anh lính Sát Thát. Chính sự trải nghiệm của tác giả trong cuộc đời trận mạc đã tạo nên lợi thế hiển nhiên giúp ông có được những câu thơ như thế. Ông viết về chính mình – một con người đang đứng giữa vòng xoáy của lịch sử – nên những câu thơ tự nó đã có một sức nặng riêng và tầm khái quát lớn.

Nhưng bài thơ không dừng lại ở việc phác dựng những đường nét lớn của bối cảnh, cũng như dáng dấp bề ngoài của chiến binh. Điều quan trọng hơn là nó cho ta thấy được hoài bão, hùng tâm tráng khí của nhân vật trữ tình – một võ tướng. Con người này đã chỉ huy đội quân thiện chiến của mình lập được nhiều chiến công suốt mấy thu tham gia kháng chiến, Với bài thơ có dung lượng nhỏ, dù muốn, tác giả cũng không thể kể cụ thể những thành tích chiến trận của mình. Huống chi điều đó không phù hợp với bối cảnh của cuộc chiến tranh nhân dân (điều cần nhất ở mỗi một người con dân Đại Việt lúc đó là lập công chứ không phải kể công), lại nữa, việc kể công hoàn toàn không cần thiết cho một bài thơ tỏ chí, Chỉ một hình ảnh hoành sóc cũng đủ nói lên những điều cần nói. Nếu cần phải cắt nghĩa riêng về tư thế cầm ngang ngọn giáo thì có thể nói đó là tư thế xung trận với vũ khí chĩa thẳng về phía kẻ thù. Nhưng để cảm nhận đúng | tinh thần của bài thơ, có lẽ không nên hiểu hoành sóc như một nét miêu tả có tính hiện thực mà nên hiểu nó như một biểu trưng của tinh thần xông pha, của tư thế làm chủ chiến trường, của phong độ tồn tại lẫm liệt, hiên ngang giữa vòng trời đất (trong thơ trữ tình trung đại, hình ảnh biểu trưng này được dùng khá phổ biến; Chinh phụ ngâm có câu: “Hoành chinh sóc hề chỉ hổ huyệt” – Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo). Việc chuyển dịch hai chữ hoành sóc thành múa giáo đã làm giảm phần nào tính biểu trưng của hình tượng; bề ngoài có vẻ khiến hình tượng trở nên thực hơn, động hơn nhưng thực ra là tước mất của nó sự đường bộ, vững chãi. Cũng cần chú ý thêm tới hiệu quả nghệ thuật mà cú pháp độc lập ở câu thơ mở đầu đã mang lại. Theo cách đọc mang tính phân tích của độc giả bây giờ, câu thơ có thể được phiên nghĩa rõ ràng thành “Cầm ngang ngọn giáo trấn giữ đất nước vừa chăn mấy thu”. Kì thực, trong nguyên tác, quan hệ giữa hai ý tưởng độc lập được xếp cạnh nhau là hoành sóc và giang sơn thiếu hẳn tính xác định, do vậy, độc giả có quyền cảm nhận ý nghĩa câu thơ theo nhiều hướng khác nhau. Không hề vô lí khi ta muốn hình dung ngọn giáo mà chiến binh Sát Thát cầm chắc trong tay có chiều dài được đo bằng chiều dài của núi sông và như thế con người chiến binh đó cũng phải có kích thước của trời đất. Trong con người anh, cái động quả thực đã được chế ngự, đã được thâu gộp vào trong cái tĩnh mang tính vĩnh hằng và chứa đầy sức mạnh. Nhưng tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, với cảm giác tự thỏa mãn. Ngược lại, qua bài thơ, ta nhận ra ở nhân vật trữ tình một thái độ tự vấn nghiêm khắc và ý nguyện bỏng cháy muốn lập công nhiều hơn nữa. Người chiến binh – võ tướng này vẫn thấy mình còn mắc nợ công danh, chính vì vậy anh tự thấy thẹn khi nghe nói về Khổng Minh Gia Cát Lượng. Chưa lập được bao nhiêu công trạng thì thẹn là điều dễ hiểu. Nhưng đã tạo dựng được một sự nghiệp vẻ vang mà vẫn nói thẹn thì phải thấy cao vọng của nhân vật trữ tình lớn đến độ nào. Câu thơ, vì thế không hề nói về sự mặc cảm mà nói về sự thi đua. Nó không toát lên ý so sánh hơn kém mà gợi cho độc giả nhận ra sự tương đồng về nhân cách giữa hai cá nhân thuộc về những thời kì lịch sử khác nhau, cũng như thấy rõ sự tồn tại xuyên suốt thời trung đại của mẫu hình người quân tử luôn nung nấu hoài bão trị quốc bình thiên hạ.

Dĩ nhiên do tầm khái quát của hình tượng, ta không thể nghĩ bài thơ chỉ bộc lộ cao vọng của riêng một con người, một tầng lớp người mà phải thấy nó đã thể hiện hết sức nổi bật cao vọng của một dân tộc, một đất nước, một triều đại trong cuộc đấu tranh sống mái chống quân xâm lược Nguyên – Mông – lực lượng gieo rắc hoang tàn, chết chóc, đã cho vó ngựa xéo nát bao nền văn minh, văn hóa huy hoàng. Nếu liên hệ với thực tế lịch sử triều Trần trong buổi đảm trách nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống kẻ thù hung dữ phương Bắc, ta dễ dàng nhận ra trong tiếng nói tự vấn của nhân vật trữ tình có sự đồng vọng tiếng nói của mọi người dân Đại Việt muốn tự mình vượt mình, muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung. Lúc đó, từ vua đến thứ dân, từ tướng lĩnh đến quân sĩ, từ trẻ đến già, từ trai đến gái, tất thảy đều tận lực phấn đấu cho sự tồn tại vững bền của núi sông tổ quốc (“Sơn hà thiên cổ điện kim âu” – Trần Nhân Tông). Nhiều sách ghi chép về lịch sử còn lưu ý hậu thế một chi tiết thật hay: vô số tướng sĩ đua nhau thích vào tay mình hai chữ Sát Thát để biểu lộ quyết tâm và ý chí giết giặc. Trong hành động đó, ta nhận ra một cái gì như là chủ nghĩa anh hùng toàn dân bao trùm đời sống tinh thần đất nước. Chính nó tạo thành nền tảng đạo đức vững chắc để mỗi cá nhân, theo con đường riêng của mình, biết cách tự khẳng định và cống hiến.

Sau này, khi nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, nhà thơ Chế Lan Viên có viết:

Không ai có thể ngủ yên trong đời chật,  
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt        
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm         
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt               
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…  
(Tổ quốc bao giờ đẹp đến thế chăng?)

Sẽ không phải là khiên cưỡng nếu ta mượn những câu thơ trên để gợi lại không khí đất nước trong thế kỉ XIII, thời Phạm Ngũ Lão từ một chàng trai đan sọt làng Phù Ủng trở thành danh tướng của triều đình, rất được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo tin cậy và yêu mến. Ngược lại, trong thời đại ngày nay, mỗi lần sức sống của toàn dân tộc được khơi dậy trong cuộc tranh cường cùng thiên hạ, ta lại thấy tiếng thơ Phạm Ngũ Lão vang lên, hiện đại lạ lùng.

Bài thơ Thuật hoài quả đã bảo tồn sống động tinh thần Đại Việt, tâm hồn Đại Việt.

Đề 18 – Tinh thần thời đại ở bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão.
Đánh giá bài viết