HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Đây là đề mở yêu cầu bàn luận về hai phạm trù tâm lí và đạo đức rất quan trọng, rất gắn bó với con người, với tuổi trẻ và có những đặc điểm riêng với tuổi trẻ học đường. Người viết cần làm rõ nội dung của khái niệm để phân biệt với cái không phải nó và hướng tới một tình bạn, tình yêu chân chính trong đời và trong tuổi học đường phê phán những quan niệm, những động thái không đúng và xác định phương châm, phương hướng đúng trong hai tình cảm đó.

BÀI LÀM

Con người sợ sự cô độc như sự sống sợ chân không. Sống trên trái đất, con người cần có tình cảm, tình cảm đối với cây có với loài vật nhất là với đồng loại trong đó có những tình cảm những người gần gũi bên mình như là tình gia đình, tình bại, tình yêu. Con người trong tuổi học đường phổ thông cũng vậy, đều đã sống trong những tình cảm trên và đều cần phải có quan niệm và ứng xử đúng với những tình cảm đó. Trong bài này, chúng ta sẽ bàn đến tình bạn là tình cảm bắt đầu từ khi ta bước vào tuổi có ý thức, tuổi học đường, còn tình yêu là tình cảm thường chớm nở khi ta đã vào tuổi dậy thì.

Tình bạn là tình cảnh thân thiết giữa những người cùng sở thích, cùng hoạt động trong một môi trường nào đó cảm thấy muốn gặp nhau thường xuyên để tâm sự, để động viên, giúp đỡ nhau trong công tác, học tập, trong đời sống.

Tình bạn rất cần cho con người “không có tình bạn người ta như ở giữa sa mạc mênh mông” (Ngạn ngữ Pháp), có tình bạn, con người như chim được chắp thêm cánh, như hoa thêm hương sắc, như bản nhạc thêm tiếng đàn hòa tấu.

Cơ sở của tình bạn là sự hiểu biết lẫn nhau, thông cảm với nhau cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những điều yêu thích và mong muốn.

Tình bạn lí tưởng là tình bạn giữa những người cùng chí hướng, cùng sở thích, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống đến mức có thể hiểu có những nỗi niềm thần kín của nhau và có thể hi sinh cho nhau. Như vậy bản chất của tình bạn là sự hòa hợp tâm tính, vô tư và vị tha.

Trong những người bạn của ta, có người trở thành bạn thân, tri âm, tri kỉ có thể chia sẻ với nhau mọi điều, có thể hết mình vì nhau nhưng số bạn thân đó không nhiều và dù không là bạn thân, cung vẫn là bạn tốt của nhau.

Muốn có bạn phải rộng lòng nhưng cũng nên chọn bạn mà chơi. Bởi tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy nói cho tôi biết anh chơi với những ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”.

Nói như thế không có nghĩa là khi bạn mình mắc điều xấu thì mình xa lánh, bỏ mặc. Trái lại phải gần gũi, chân thành giúp đỡ bạn tiến bộ…

Khi có điều gì chưa bằng lòng phải thực sự cầu thị, chân thành, cởi mở để càng hiểu nhau hơn, giúp nhau hơn. Phải có lòng khoan dung nhưng không có nghĩa là nuông chiều thói xấu của bạn mà phải nhẹ nhàng, thân ái nhưng kiên trì giúp bạn sửa chữa thói xấu đó. Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.

Tất cả những người cùng học với nhau đều có thể là bạn. Và đều thường giúp nhau. Nhưng tình bạn chân chính cũng có những nguyên tắc của nó như có sự hiểu biết lẫn nhau về hoàn cảnh, sở trường, sở đoản, thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập, công tác, trong đời sống, không lợi dụng nhau, không bè cánh, phấn đấu có tình bạn thân, tình bạn lâu dài trong những người bạn cùng học…

Khác với tình bạn, tình yêu có nội dung và phạm vi hẹp hơn: Tình yêu là tình cảm thân thiết, quý mến, quyến luyến nhau giữa hai đối tượng khác giới đã trưởng thành, cảm thấy không thể thiếu nhau trong cuộc sống. Tình yêu trong những điều kiện chín muồi (tuổi tác, thành đạt) sẽ dẫn đến hôn nhân và cuộc sống gia đình.

“Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được” (Ăng-ghen). Tình bạn có thể có nhiều nhưng tình yêu là duy nhất. Người ta không thể cùng một lúc yêu hai người. Người ta chỉ có thể có tình yêu mới khi tình yêu trước vì một lý do gì đó đã mất. Tình yêu đích thực là tình cảm thắm thiết, bền vững, vượt qua mọi thử thách của thời gian, hoàn cảnh, trở ngại như ca dao nói: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo…”, hay như Xuân Quỳnh nói: “Con (sóng) nào chẳng tới bờ ! Dù muôn vời cách trở” (Sóng) thậm chí, Yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát).

Tình yêu chân chính là hạnh phúc lớn nhất của con người trong cuộc sống.

Ở tuổi học đường, vì tuổi còn nhỏ, chưa tự lập, còn phải sống dựa vào gia đình và nhiệm vụ chính là học tập đang phải lo hoàn thành trong nhiều năm nên chưa nên nghĩ đến tình yêu. Nếu trong những người bạn khác giới, ta thấy có chớm nở một sự thương mến đặc biệt nào đó với một người, hãy dừng lại ở tình bạn. Nếu tình cảm đó cứ phát triển thì hãy giữ gìn nó trong sáng như một kỉ niệm đẹp hoặc như một hạt mâm quý cho tương lai.

Tình yêu tốt đẹp nhất thường là tình yêu phát triển tự nhiên từ tình bạn. Nên không nên vội và tiến tới tình yêu. Hãy coi những người bạn học khác giới như những người bạn học bình thường. Tất nhiên, vì là bạn khác giới nên cũng nên có khoảng cách nhất định, không quá gần gũi nhất là không được có cử chỉ quá thân mật đến sỗ sàng. Phải tôn trọng bạn và tôn trọng mình.

Tình bạn là tình cảm quý và rất cần thiết cho cuộc sống của con người. Nhưng người đau khổ nhất là những người không có bạn. Những người hạnh phúc nhất là những người có nhiều bạn, trong đó có những người bạn chí tình. Tuổi học đường là tuổi có nhiều bạn nhất và có tình bạn trong sáng nhất. Hãy làm cho tình bạn tuổi học đường là nguồn động viên đầu đời và là kỉ niệm đẹp, là “Bài ca không quên”.

Còn tình yêu là tình cảm đối với tuổi học đường phổ thông còn là “xa xỉ phẩm” nhưng cũng nên hiểu về nó trên lí thuyết để có thể làm chủ được mình khi nó cứ đến gần. Hãy nói với nó: Ta hãy còn quá trẻ, nhiệm vụ học tập là trên hết, tình bạn là trên hết, xin hãy chờ điểm hẹn ở tương lai.

ĐỀ 18: Tình bạn và tình yêu tuổi học đường.
Đánh giá bài viết