Mở đầu đoạn kí, tác giả tả bức tranh toàn cảnh hòn đảo sau cơn bão. Chọn thời điểm thích hợp, Nguyễn Tuân có dịp thể hiện sự chiêm ngưỡng bầu trời cao xanh nguyên thủy và một bầu không khí trong mát nhất ở nơi này. Đó là thời khắc những sắc màu đều nổi bật tạo nên những mảng màu tương phản rực rỡ. Cây trên đảo thì xanh mượt, biển lại lam biếc đậm đà hơn tất cả mọi khi còn cát thì lại càng ròn hơn nữa. Cách tả sự vật đi đến tận cùng (xanh mượt, lam biếc) thậm chí vượt qua cả các giới hạn màu sắc (vàng ròn) ấy thì đúng chỉ là văn Nguyễn Tuân.

Không giống như một số cây bút khác thường tìm cách xóa đi các dấu ấn kĩ thuật, Nguyễn Tuân luôn bộc lộ cái tôi nghệ sĩ của mình đến tận cùng – ở đây là cách thức quan sát, miêu tả. Ông “trèo lên nóc đồn, nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng”, lại còn “quay gót 180 độ” để nhìn toàn cảnh hòn đảo. Những câu, những chữ dù chỉ để tả hoạt động của con người mà sao đọc một lần là nhớ mãi.

 Ngày thứ sáu trên đảo, chẳng khác gì một họa sĩ khi muốn chiếm ngưỡng diễn biến mặt trời mọc, Nguyễn Tuân đã phải dậy từ canh tư, trời còn tối đất, lại còn cố đi mãi ra đến đầu mũi đảo (vì sợ ở bên trong không nhìn thấy hết được chăng?) chỉ để “rình mặt trời lên”. Và ông đã không uổng công. Ngòi bút của Nguyễn Tuân được dịp bộc lộ hết vẻ tài hoa trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, khả năng liên tưởng, tưởng tượng của ông cũng được phát huy một cách tối đa. Ông ví “chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mấy hết bụi”. Cách so sánh ấy là có cơ sở bởi ông nhấn mạnh đây là cảnh đất trời sau cơn bão. Nhưng lấy việc lau chùi một tấm kính (không có gì bảo đảm là đã sạch hết bụi) làm đối tượng để so sánh với sự thanh khiết gần như tuyệt đối của bầu trời sau cơn bão thì có lẽ chỉ Nguyễn Tuân mới dám làm.

Ngoài chi tiết đó ra, ông dành thời gian còn lại hầu như chỉ để tả mặt trời. Ông nhìn thấy mặt trời “tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn”. Chưa hết, “quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một tuần bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng”. Thật là một sức liên tưởng kì lạ. Ông để cho trí tưởng tượng của mình thỏa sức bay bổng. Thấy mặt trời như quả trứng đặt trên cái mâm, ông lại liên tưởng tới mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Đó là mâm lễ vật thiên nhiên thành kính dâng tặng con người hay chính là tấm lòng của Nguyễn Tuân dành cho con người mà ông ngưỡng mộ và đã bao lần ca ngợi?

Hãy xem Nguyễn Tuân tả việc đi tắm. Cái sự tắm thì có gì là lạ, ông cũng chỉ nói rằng múc gầu nước giếng dội lên đầu, lên cổ, lên vai, lên lưng nghĩa là như mọi người vẫn thường làm. Ấy thế mà thành một cách chuyển đề tài thật khéo. Nói đến tắm là nói đến cái giếng, mà ở đảo thì mọi sinh hoạt thường ngày hầu như đều tập trung quanh cái giếng nước ngọt ấy. Vậy thì cảm hứng của ông là cảm hứng về cái giếng chứ không phải về cái sự tắm. Cái giếng vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền. Giọng văn rất nhẹ nhàng nhưng người đọc dễ dàng cảm nhận ngay được điều ông muốn nói: cái giếng chính là linh hồn của hòn đảo này. Đọc kĩ lại mới thấy sở dĩ ông đạt được hiệu quả ấy bơi ông đã vì cái giống với một cái bến, một cái chợ ở đất liền. Nói đến bến, đến chợ ai cũng biết, đó là nơi đông vui, nơi tụ họp, gặp gỡ của mọi người trong một thời điểm nào đó trong ngày – nơi các thông tin trên trời, dưới bể rất phong phú và luôn luôn cập nhật.

Nói đến giếng lại là cái cớ để nói đến những người đến lấy nước giếng. Như trên đã nói, cái giếng là nơi mọi người thường hay tập trung nhất, ở đây có không biết bao nhiêu là người đến gánh và múc. Cái giếng là cả một cái xã hội trên đảo thu nhỏ, đứng từ cái giếng có thể quan sát, có thể nghe được toàn cảnh cuộc sống, hơi thở của cuộc sống nơi đây. Một khung canh tấp nập với những thùng gỗ, những cong, những ang gốm (tất nhiên phải là đồ gỗ hoặc đồ gốm vì nếu bằng kim loại thì rất chóng bị rỉ). Người thì lấy nước về sinh hoạt, người thì lấy nước để đổ vào sạp thuyền chuẩn bị ra khơi, nhân đó lại nói đến việc nuôi hải sâm, việc hợp tác và cho mười tám thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng… Các chi tiết, các hình ảnh cứ như được một sợi dây vô sinh giằng niu, móc xích vào nhau. Dù mỗi chi tiết không cần phải thật đặc sắc, li kì, chỉ cần điểm xuyết qua thôi mà vẫn không gây ra cảm giác liệt kê nặng nề, ngược lại, nó cho ta thấy một không khi lao động và khẩn trương, tát nập và thanh bình khi cơn bão đã qua.

Cuối cùng là một chi tiết rất đời thường nhưng cũng đã được trí tưởng tượng của tác giả chấp cho đôi cánh: “Trông chị Châu Hòa Mẫn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành”. Một sự liên tưởng thật xa xăm, độc đáo. Nó không chỉ nhấn mạnh vẻ thanh bình của cuộc sống trên đảo mà còn thể hiện sự thanh bình của biển cả sau những ngày bão dông. Khi cuộc đối đầu giữa con người và vị Thần Biển kết thúc, mặt biển lại lặng sóng và thiên nhiên lại hào phòng ban tặng nguồn tài nguyên giàu có của nó cho con người.

Trong đoạn mở đầu Nguyễn Tuấn nói rằng khi quan sát toàn cảnh đảo Cô Tô, ông càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây… Nói như thế đúng nhưng chưa đủ. Có thể bất cứ người dân chài nào cũng yêu mến hòn đảo của mình nhưng không phải ai cũng có thể thấy được những vẻ đẹp kì diệu, lung linh của hòn đảo này như đọc trong trang văn của Nguyễn Tuân.

 

Đề 18: Cảm nhận văn bản Cô Tô
4.9 (98.18%) 22 votes