BÀI LÀM 

1. Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, không còn nghi ngờ gì, Nam Cao là nhà văn duy nhất trong cuộc đời sáng tác của mình, đã để lại nhiều mẫu nhân vật nhà văn như thế (Điền trong Trăng sáng, Thứ trong Sống mòn, Độ và Hoàng trong Đôi mắt…). Nam Cao cũng là nhà văn có nhiều tác phẩm luận đề, ở đó ông trình bày quan điểm của mình về “nghề” văn chương. Đời thừa là một truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ 7 số ra ngày 4-12-1943. Đời thừa tập trung xây dựng hình tượng một người trí thức tiểu tư sản, một nhà văn tên là Hộ, người có tâm huyết, tài năng, nhân cách luôn có khát vọng vươn lên bằng ngòi bút của mình, muốn giữ gìn lẽ sống nhân ái, nhưng chỉ vì miếng cơm manh áo hằng ngày mà rốt cuộc không thực hiện được ước mơ, khát vọng, rơi vào bi kịch Đời thừa. Như vậy, bản thân nhan đề tác phẩm đã tự nói lên tất cả. Nó có nghĩa là một cuộc sống vô ích, vô nghĩa, sống bên lề cuộc sống. Đó chính là những suy nghĩ của nhà văn Hộ, nhân vật chắc chắn có ít nhiều hình bóng của Nam Cao, là sự nung nấu của Nam Cao trong cuộc sống sáng tác của mình. Điều đó cho thấy kiểu nhân vật trí thức trong các tác phẩm của ông đều là những con người suy tư, có ý thức trách nhiệm trước cuộc sống và khi cầm bút. Đời thừa tuy chỉ viết về một bi kịch cá nhân nhưng thực chất đó là một vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Đời thừa là một bi kịch của thế hệ những người trí thức tiểu tư sản nước ta trước Cách mạng.

2. Đời thừa tập trung thể hiện những mâu thuẫn giằng xé nội tâm của nhân vật Hộ. Đó là nỗi đau tinh thần dai dẳng không thể giải quyết nổi của một nhà văn có tâm và có tài chỉ vì sống trong hoàn cảnh xã hội tăm tối, ngột ngạt mà rơi vào bi kịch. Có hai bi kịch:

a) Bi kịch sự nghiệp, bi kịch xã hội, bi kịch bên ngoài

– Hộ là một nhân vật có chút hình bóng của chính tác giả Nam Cao. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nam Cao đã từng viết rất nhiều về nhà văn, các nhân vật nhà văn ở trong tác phẩm Nam Cao cũng là con người như thế. Trước Đời thừa ông đã từng viết Trăng sáng mà ở đó nhà văn khẳng định: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; mà nghệ thuật có thể chỉ là tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Đời thừa cũng xây dựng hình tượng một nhà văn, đó là Hộ. Hộ là một người có tâm huyết trong công việc của mình. Hộ say sưa sự nghiệp văn chương, coi văn chương là lẽ sống lớn nhất trong cuộc đời, coi thường vật chất, sẵn sàng chấp nhận sự đói khổ, miễn là viết được những tác phẩm văn chương lớn. Họ hiểu rằng văn chương là một sự nghiệp lớn lao, có thể mang tới cho con người những ý tưởng đẹp đẽ, làm cho con người xích lại gần nhau. Hộ mơ ước viết được một tác phẩm vượt lên trên mọi tác phẩm đương thời, giật giải Nô-ben văn học.

– Không những chỉ khát khao, mơ ước sự nghiệp văn chương, Hộ còn là nhà văn có thái độ nghiêm túc đối với công việc của mình. Anh cho rằng, nhà văn không nên phản ánh cái hời hai bên ngoài, mà phải đào sâu suy nghĩ, phải sáng tạo: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay…mà văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu suy nghĩ”.

Tuy nhiên, tâm huyết là thế, nghiêm túc là thế, nhưng Hộ lại không thực hiện được ước mơ, khát vọng của mình. Hoàn cảnh xã hội đã không cho phép anh thực hiện những điều mơ ước đó. Là nhà văn nhưng còn là ông chủ gia đình, là người bố, người chồng, Hộ phải có trách nhiệm nuôi sống gia đình ấy và trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn trách nhiệm này thật sự là quá sức đối với một người như Hộ. Anh buộc phải viết những tác phẩm tẻ nhạt, viết nhanh, viết vội, viết ẩu “đem một vài ý thông thường khuấy loãng trong một thứ văn chương bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Cứ mỗi lần đọc lại những trang viết của mình Hộ lại cảm thấy xấu hổ. Anh tự xỉ vả mình, anh tự sám hối nhưng vẫn không thể thoát ra khỏi tán bi kịch. Nam Cao cho rằng bi kịch này không chỉ là của riêng cá nhân Hộ, không hoàn toàn là lỗi của cá nhân Hộ, mà là do hoàn cảnh xã hội. Nhà văn rõ ràng luôn thể hiện sự trân trọng đối với nhân vật của mình.

b) Bi kịch gia đình, bi kịch nhân ái, bi kịch bên trong

– Bên cạnh tấn bi kịch sự nghiệp, Hộ còn rơi vào tấn bi kịch tinh thần thứ hai không kém đau đớn, đó là bi kịch của một con người có nhân cách, coi lẽ sống nhân ái là mục đích sống trong cuộc đời của mình, nhưng đôi khi buộc phải đi ngược lại lẽ sống ấy.

– Xây dựng hình tượng nhân vật Hộ, Nam Cao khẳng định đây là một con người hết sức nhân ái. Bởi lẽ nếu không nhân ái tại sao bỗng dưng Hộ lại dang tay đón nhận cuộc đời Từ trong lúc Từ đang trên bờ vực của sự tuyệt vọng. Hộ nhận đứa con trót dại của Từ, thậm chí, muốn cứu vớt danh dự của Từ, sau đó anh cưới Từ làm vợ. Bình thường, trong cuộc sống gia đình, Hộ là người chồng thương yêu vợ, người cha mẫu mực, thương yêu, độ lượng với những đứa con của mình.

– Tuy nhiên, là một con người nhân ái nhưng lại có lúc Hộ không giữ được lẽ sống nhân ái của mình. Do bất mãn trong sự nghiệp văn chương, Hộ cảm thấy gia đình như một vật cản. Nhân ái với vợ con là thế, nhưng Hộ lại tỏ ra tàn nhẫn với vợ con. Hộ lao vào rượu chè, mắng chửi vợ con, có lúc đòi đuổi vợ con ra khỏi nhà, thậm chí có lúc anh còn nghĩ tới chuyện từ bỏ gia đình đến một nơi nào đó để sống cho riêng mình, chỉ tập trung vào sự nghiệp văn chương. Lí giải tấn bi kịch về lẽ sống nhân ái của Hộ, Nam Cao đã đặt nó trong mối quan hệ với tấn bi kịch sự nghiệp. Dường như hai tấn bi kịch này đều có nguyên nhân từ hoàn cảnh xã hội. Cái nhìn của Nam Cao ở đây tỏ ra hết sức nhân ái, ông không đổ lỗi cho cá nhân con người mà kết tội hoàn cảnh xã hội, bởi lẽ không riêng gì Hộ mà chắc chắn bất cứ một nhà văn nào sống trong hoàn cảnh của Hộ đều sẽ rơi vào tấn bi kịch ấy. Hộ nhìn thấy hết mọi lỗi lầm của mình nhưng vẫn không thể nào tránh nó chỉ vì hoàn cảnh xã hội.

3. Trong số các nhà văn hiện thực giai đoạn 30 – 45, so với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Nam Cao được coi là nhà văn có biệt tài nhất trong nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật. Điền trong Trăng sáng, Thứ trong Sống mòn, ngay cả Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên… đều là những nhân vật tâm lí tài tình của Nam Cao. Có lẽ phần lớn các nhân vật của ông, đặc biệt các nhân vật trí thức đều là những trải nghiệm, những con người ông quan sát từ trong chính đời sống của mình. Ông là người hiểu họ sâu sắc nhất. Hộ cũng là một nhân vật như thế. Ta có thể chứng minh biệt tài đó của nhà văn qua đoạn 4 của truyện ngắn..

Đây là đoạn văn phân tích kĩ lưỡng nhất trạng thái tâm lí của nhân vật Hộ sau những giằng xé nội tâm vì không thực hiện được ước mơ sự nghiệp cũng như ước mơ nhân ái. Đoạn văn mở đầu bằng giọng trần thuật lạnh lùng quen thuộc của tác giả: “Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. Hắn thấy mình đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng. Cổ thì ráo và rát cháy…”. Nam Cao quan sát vẻ bề ngoài của nhân vật hết sức kĩ lưỡng. Gần như ông không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào về cử chỉ, hành động bên ngoài của nhân vật. Bởi lẽ, hẳn ông hiểu sâu sắc rằng, những vận động bên ngoài cũng góp phần soi sáng diễn biến tâm lí bên trong nhân vật. Ông luôn xâu chuỗi chúng trong một hệ thống, một quá trình: Hộ khát nước vì tối qua đã uống quá nhiều rượu, hắn uống rượu vì bất mãn trong sự nghiệp, vì bất mãn trong sự nghiệp hắn mới quay ra đối xử tàn nhẫn với vợ con. Nhưng là một con người có lòng nhân ái, cứ sau mỗi lần “phạm lỗi”, Hộ luôn sám hối. Hắn cảm giác được sự hiện diện và chăm sóc của người vợ hiền. Hắn thấy lòng mình nao nao. Hắn ái ngại khi ngắm kĩ gương mặt và dáng nằm của Từ. Hắn tiến lại gần nắm lấy bàn tay Từ và đặt lên ngực mình. Rồi hắn bật khóc. Có lẽ ít nhà văn nào trong văn học Việt Nam miêu tả những người đàn ông khóc điêu luyện như Nam Cao trong các tác phẩm của mình. Ở tác phẩm Chí Phèo, ông cũng đã cho người đọc thấy tài nghệ tâm lí của mình khi miêu tả một gã đàn ông chai sạn như Chí Phèo khóc trong lần uống rượu với Tự Lãng. Trong Đời thừa cũng thế, rõ ràng khi miêu tả tâm lí nhân vật Hộ, Nam Cao không hề đứng bên ngoài. Ông đã thâm nhập vào bên trong nhân vật, hóa thân vào nhân vật, mới có thể viết được những trang văn tài tình như thế. 

4. Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao thường sử dụng xen kẽ những đoạn kể về hiện tại với đoạn kể quá khứ theo hồi ức của nhân vật Hộ. Xét trên bình diện lí luận, đây là cách xử lí thời gian truyện kể của nhà văn. Chúng ta có thể thấy, khi kể về hiện tại, nhà văn sử dụng thời gian trần thuật. Nghĩa là người kể chuyện đang trần thuật những sự kiện đang diễn ra. Còn khi kẻ về quá khứ, nhà văn sử dụng thời gian được trần thuật, trong lí luận hiện đại về thời gian, người ta gọi đây là dạng thời gian hồi cố (analepse). Hai phương thức thời gian này có tác dụng bổ sung cho nhau để giúp vào việc làm sáng rõ cuộc đời và tâm lí nhân vật. Bởi vì, ở những đoạn kể hiện tại, thời gian truyện chỉ diễn ra trong khoảng một ngày (từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau); còn trong đoạn kể quá khứ, đó là cả một thời gian dài dằng dặc của nhân vật. Nó cho thấy, tấn bi kịch của nhân vật không hề ngẫu nhiên, bất thường mà nó có quá trình, có lí do và hoàn cảnh cụ thể. Người đọc sẽ dễ dàng thông cảm với nhân vật trong tác phẩm. Giá trị hiện thực mới mẻ sâu sắc của tác phẩm toát ra từ đó.

5. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nam Cao, Đời thừa là một tác phẩm luận đề, ở đó tác giả đã bày tỏ những quan điểm nghệ thuật của mình, hoặc nói cách khác, đó cũng là một kiểu tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn. Trong tác phẩm, những quan điểm có tính chất tuyên ngôn được tác giả thể hiện rải rác ở nhiều chỗ, nhiều nơi, như ở đoạn 3: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn… “. Tuy nhiên, đặc sắc và tiêu biểu hơn, đồng thời cũng thể hiện được sự phát triển trong quá trình sáng tác của chính Nam Cao, có lẽ tiêu biểu hơn cả là qua đoạn văn này: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có…”. Cùng trong năm 1943, trong truyện ngắn Trăng sáng, qua nhân vật Điền, Nam Cao đã khẳng định con đường từ lãng mạn đến hiện thực của mình (“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”). Đến truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao đã đạt tới một bước phát triển cao hơn. Theo ông, một tác phẩm văn chương có giá trị, không nên dừng lại ở những mô tả hiện thực đơn giản, tầm thường bề ngoài. Lại càng không nên sao chép, không dùng kĩ xảo, sự khéo tay để thay thế cho lao động nghệ thuật, sự khám phá, sáng tạo và tài năng của nhà văn. Khi nói văn chương không cần đến những người thợ khéo tay…Nam Cao không có ý hạ thấp vai trò của loại người này trong xã hội. Vì xét cho cùng, họ cũng là một dạng “nghệ sĩ”, họ rất cần cho cuộc sống. Tuy nhiên, lao động nghệ thuật khác hẳn với lao động của những người thợ khéo tay này. Nghệ thuật là sáng tạo, nghệ thuật không chấp nhận sự tầm thường, sao chép. Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một thế giới riêng…

Đời thừa là một truyện ngắn ý tưởng của Nam Cao. Ông viết tác phẩm để nhằm minh họa cho một tuyên ngôn nghệ thuật. Tuy nhiên, bằng tài năng và tấm lòng của mình, Nam Cao đã không biến tác phẩm thành một bức tranh minh họa khô cứng mà đây là một tác phẩm thực sự sống động. Chỉ thông qua bi kịch của một cá nhân con người, Nam Cao đã nâng lên thành một vấn đề có ý nghĩa rộng lớn. Đó là tấn bi kịch của thế hệ những người trí thức tiểu tư sản nước ta trước Cách mạng. Tính nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm Nam Cao thể hiện rõ qua vấn đề này.

ĐỀ 161: Phân tích truyện Đời thừa của Nam Cao.
Đánh giá bài viết