Câu 1: Thế nào là miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự ? Có mấy cách miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự ?

Câu 2: Tóm tắt tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 3: Trong những từ sau, từ nào là từ ghép, từ nào là từ láy?

Ngặt nghèo, nho nhỏ, giam giữ, gật gù, bó buộc, tươi tốt, lạnh lùng, bọt bèo, xa xôi, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn, lấp lánh.

Câu 4: Qua các đoạn trích Chị em Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, hãy phân tích giá trị nhân đạo của Truyện Kiều.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: – Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật thêm sinh động.

– Có hai cách miêu tả nội tâm nhân vật:

+ Người ta có thể miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật.

+ Người ta có thể miêu tả nội tâm nhân vật một cách gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục,… của nhân vật.

Câu 2: Tóm tắt tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. 

Ở quận Đông Thành, gia đình họ Lục sinh được một người con trai. Họ đặt tên là Lục Vân Tiên. Vân Tiên rất thông minh tuấn tú nên được cho lên núi tầm sư học đạo. Vân Tiên trở thành một chàng trai văn võ song toàn. Được tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên xuống núi dự thi. Trên đường đi, Vân Tiên đã đánh tan bọn cướp Phong Lai và cứu được Kiều Nguyệt Nga, một thiếu nữ xinh đẹp gặp nạn. Cảm ân đức ấy, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên. Nàng tự tay vẽ một bức hình Vân Tiên và luôn giữ bên mình. Vân Tiên tiếp tục lên đường đi thi. Vân Tiên đã gặp được một người bạn là Hớn Minh.

Sau khi về thăm cha mẹ, Vân Tiên cùng tiểu đồng lên đường đi thi, ghé thăm Võ Công, người đã hứa gả con gái là Võ Thể Loan cho chàng. Vân Tiên gặp thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực. Khi đến kinh đô, Vân Tiên lại gặp thêm Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Thấy Vân Tiên tài cao, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm đem lòng ghen ghét, đố kị. Lúc sắp vào trường thi, Vân Tiên nhận được tin mẹ mất, liền bỏ thi trở về quê chịu tang. Dọc đường về, khóc thương mẹ, Vân Tiên bị đau mắt và bị mù cả hai mắt, lại bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Nhờ giao long đưa vào bãi, Vân Tiên được gia đình ông Ngư cưu mang. Sau đó, Vân Tiên lại bị cha con nhà Võ Công hãm hại đem bỏ vào hang núi. Được Du thần và ông Tiêu cứu ra, Vân Tiên gặp lại Hớn Minh. Vì trừng trị một công tử ỷ thế con quan làm càn nên Hớn Minh phải bỏ thi đang lẩn lút trong rừng. Hớn Minh đón bạn về nương náu ở nơi am vắng. Khoa thi năm ấy, Tử Trực đỗ thủ khoa, trở lại nhà Võ Công hỏi thăm tin tức của Vân Tiên. Võ Công ngỏ ý muốn gả con gái cho Tử Trực. Bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt. Võ Công hổ thẹn ốm chết.

Nghe tin Lục Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng thù oán tâu vua bắt Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua. Thuyền đến biên giới, Nguyệt Nga ôm bức hình Vân Tiên và nhảy xuống sông tự tử. Phật bà Quan Âm đưa nàng dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Công nhận làm con nuôi nhưng Bùi Kiệm lại một hai đòi lấy nàng làm vợ. Nguyệt Nga phải trốn khỏi nhà họ Bùi, vào rừng, nương nhờ một bà lão dệt vải. Ở với Hớn Minh, Lục Vân Tiên mắt sáng lại nhờ có thuốc tiên. Chàng về thăm cha, viếng mộ mẹ, thăm cha của Kiều Nguyệt Nga. Đến khoa thi, chàng đỗ Trạng nguyên và được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Hớn Minh được tiến cử làm phó tướng. Đánh tan giặc, Vân Tiên một mình lạc trong rừng, đến nhà bà lão hỏi thăm đường và gặp lại Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình. Kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc.

Câu 3:

– Trong những từ đã cho, các từ ghép là: ngặt nghèo, giam giữ, bó buộc, tươi tốt, bọt bèo, cỏ cây, đưa đón, nhường nhịn, rơi rụng, mong muốn.

– Các từ láy là: nho nhỏ, gật gù, lạnh lùng, xa xôi, lấp lánh.

Câu 4:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Truyện Kiều là kiệt tác của thi hào dân tộc Nguyễn Du, cũng là kiệt tác của nền văn học Việt Nam. Truyện Kiều vừa có giá trị lớn về mặt nội dung vừa có giá trị về mặt nghệ thuật.

– Phân tích các đoạn trích Chị em Thuý Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, ta thấy được tác giả đã thương xót cho số phận bất hạnh của Thuý Kiều cũng là thương xót cho số phận bất hạnh của biết bao người phụ nữ trong xã hội cũ.

2. Giải quyết vấn đề

a) Giá trị nhân đạo thể hiện ở tấm lòng thương xót đối với người phụ nữ bất hạnh

– Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều, ngòi bút nhân đạo của Nguyễn Du giúp người đọc thấy được tấm lòng của ông dành cho nhân vật Thuý Kiều. Thuý Kiều là người con hiếu thảo. Trước cảnh gia biến, nàng đã bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình khỏi tai hoạ. Bằng bút pháp ước lệ, tác giả làm nổi bật tâm trạng tủi hổ, cảm giác nhục nhã, ê chề của Kiều khi nàng bị coi như một món hàng. Con người Kiều, tài sắc của Kiều đã trở thành món hàng đem ra mua bán. Mụ mối và Mã Giám Sinh “Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”. Không những thế, chúng còn: “Cò kè bớt một thêm hai”. Nguyễn Du đã cảm thương cho nỗi đau khổ của nàng khi Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài”. Nguyễn Du thấu hiểu tâm trạng Kiều. Đoạn thơ chứa chan tinh thần nhân đạo là ở những chi tiết nội dung ấy. 

– Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được nỗi đau, nỗi nhớ thương, nỗi cô đơn, lo sợ của nàng Kiều. Phải bán mình chuộc cha, trao duyên cho em, Kiều rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú Bà. Kiều không chịu tiếp khách làng chơi nên nàng tìm đến cái chết. Nhưng rồi nàng đã được cứu sống. Tú Bà dỗ ngon ngọt và cho nàng ra ở lầu Ngưng Bích. Thực ra Kiều bị giam lỏng tại nơi đây. Đây chính là điểm khởi đấu cho con đường lưu lạc đầy đau thương, tủi nhục của nàng Kiều. Ngòi bút của Nguyễn Du như nhỏ lệ khi miêu tả cảnh vật thông qua tâm trạng của Thuý Kiều. Giữa thiên nhiên vắng lặng và mênh mông, không một bóng người, Kiều chỉ còn biết “Bốn bề bát ngát xa trông”. Một cảm giác cô đơn, buồn tủi và bẽ bàng xâm chiếm tâm hồn nàng. Nàng xót xa cho thân phận, số kiếp mình:

Bẽ bàng may sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Phải chăng đó chính là nỗi xót xa của tác giả dành cho những con người bất hạnh như Thuý Kiều.

b) Giá trị nhân đạo thể hiện ở chỗ tác giả ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp về phẩm chất của nàng Kiều

– Trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều bằng những lời tuyệt mĩ. | Tả Thuý Vân, ngòi bút của Nguyễn Du thể hiện sự trân trọng:

Vân xem trang trọng khác vời.

Hai chữ “trang trọng” nói lên vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thuý Vân.

– Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với . những thứ cao đẹp trên đời: trắng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân. Khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Nụ cười tươi như hoa. Giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngà ngọc. Làn tóc mềm mại, thướt tha đẹp hơn mây trời. Màu trắng của tuyết đặt bên màu da của Vân vẫn còn thua bởi da của Thuý Vân không chỉ trắng, mịn màng như tuyết mà còn có cả sức sống tràn trề của người con gái bước vào tuổi dậy thì.

=> Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thuý Vân là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Vân tạo sự êm  đềm hoà hợp với xung quanh. “Mây thua”, “tuyết nhường” nên nàng sẽ có cuộc đời suôn sẻ.

+ Phải là người biết yêu quý cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp, Nguyễn Du mới có được sự miêu tả như thế.

– Ca ngợi Thuý Kiều, Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp về hình thức mà tác giả còn ca ngợi vẻ đẹp về mặt tâm hồn, về sự tài hoa.

– Câu thơ đầu khái quát vẻ đẹp của Thuý Kiều: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng “sắc sảo” về trí tuệ và “mặn mà” về mặt tâm hồn.

– Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Kiều, tác giả vẫn dùng những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thuỷ” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), hoa, liễu. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về một giai nhân tuyệt thế. Điều đáng nói ở đây là khi hoạ bức chân dung Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt. Bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Cái “sắc sảo” của trí tuệ, cái “mặn mà” của tâm hồn đều liên quan tới đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “làn thu thuỷ” – làn nước mùa thu gợn sóng gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt,… Còn hình ảnh ước lệ “nét xuân sơn” – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.

– Khi tả Thuý Vân, tác giả chủ yếu gợi tả nhan sắc mà không thể hiện cái tài, cái tình của nàng. Nhưng khi tả Kiều, tác giả chỉ dành một phần để tả về sắc, còn dành hai phần để gợi tả tài năng. Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cà cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), hoạ (vẽ). Đặc biệt tài đàn của nàng đã là sở trường năng khiếu bẩm sinh. “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Từ “ăn đứt” có tác dụng khẳng định sự vượt trội của Thuý Kiều trong việc tài đàn so với mọi người, Cực tả tài đàn của Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Kiều tự sáng tác chính là ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.

– Khi tả Thuý Vân, tác giả chỉ dùng từ “thua”, “nhường” để so sánh vẻ đẹp của thiên với vẻ đẹp của Vân. Nhưng miêu tả Thuý Kiều, tác giả dùng những từ chỉ mức độ cao hơn “ghen”, “hờn”. Điều đó cho ta thấy, trước vẻ đẹp tuyệt vời của Thuý Kiều, thiên nhiên cũng phải ghen, phải hờn giận.

– Vẻ đẹp của Thuý Kiều là sự kết hợp của cả sắc – tài – tình. Cao hơn nữa, tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để cực tả vẻ đẹp của nàng.

– Ca ngợi Thuý Kiều, tác giả còn ca ngợi tấm lòng giàu tình cảm, thuỷ chung của Thuý Kiều đối với Kim Trọng và tình cảm, ý thức trách nhiệm, đức hi sinh của Thuý Kiều đối với cha mẹ, gia đình.

=> Rõ ràng, phải là người có tấm lòng yêu thương mới thấy hết được vẻ đẹp của những con người bất hạnh để mà ngợi ca. Tình cảm xót thương, sự trân trọng về sắc đẹp và tài năng Thuý Kiều đã giúp ta hiểu được giá trị nhân đạo thể hiện qua các đoạn trích này nói riêng, trong tác phẩm Truyện Kiều nói chung.

c) Giá trị nhân đạo còn thể hiện qua thái độ khinh bỉ của tác giả đối với những kẻ buôn người

Tác giả vạch trần bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh một kẻ buôn người nhưng lại đội lốt sinh viên trường Quốc Tử Giám.

– Về ngoại hình: chải chuốt, bảnh bao:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quân bảnh bao.

– Về hành động, cử chỉ:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

– Về bản chất:

Cò kè bớt một thêm hai.

3. Kết thúc vấn đề

– Giá trị nhân đạo của các đoạn trích nói riêng, Truyện Kiều nói chung được thể hiện đậm nét qua ba nội dung chính:

+ Tấm lòng xót xa, thương cảm cho những con người tài hoa mà bất hạnh.

+ Ca ngợi vẻ đẹp về mặt ngoại hình, tài năng và tâm hồn của những người con gái có số phận bất hạnh.

+ Thái độ khinh bỉ của tác giả đối với những kẻ buôn người

– Qua các đoạn trích, ta thấy nhà thơ có một trái tim nhân đạo bao la. Thật đúng là “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều” (Tố Hữu).

ĐỀ 15 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết