BÀI LÀM

I. TÁC GIẢ VÀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT

Thạch Lam tên là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân (1910 – 1942). Ông sinh ra tại Hà Nội, là em ruột của hai nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo.

Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam làm báo, viết văn và trở thành một trong những cây bút chủ chốt của hai tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay – cơ quan ngôn luận của nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông mất năm 1942 tại Hà Nội vì bệnh lao. 

Thạch Lam là cây bút truyện ngắn tài hoa xuất sắc. Truyện của ông nghiêng về cuộc sống vất vả, cơ cực, bế tắc của những người nông dân trí thức tiểu tư sản, thị dân nghèo và tập trung khai thác những khía cạnh bình thường mà nên thơ trong cuộc sống. 

Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện. Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Nhà thơ đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế. Hai yếu tố “hiện thực và “thi vị, trữ tình” luôn đan cài, xen kẽ vào nhau, tạo nên nét đặc thù, đặc sắc khó lẫn trong phong cách nghệ thuật của ông.

Tác phẩm chính: Gió đầu mùa (tập truyện ngắn – 1937), Nắng trong vườn (tập truyện ngắn – 1938), Ngày mới (Tiểu thuyết – 1939), Theo dòng (bình luận văn học – 1941), Sợi tóc (tập truyện ngắn – 1942), Hà Nội băm sáu phố phường (bút kí – 1943) và hai phóng sự dài Hà Nội ban đêm (1936), Một tháng ở nhà thương (1937).

II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM HAI ĐỨA TRẺ

Hai đứa trẻ là truyện ngắn khá tiêu biểu của Thạch Lam, được in trong tập Nắng trong vườn. Những ngày sống với gia đình ở huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương, Thạch Lam đã có dịp chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây và đó chính là cảm hứng để ông viết Hai đứa trẻ

III. THỂ LOẠI – NỘI DUNG – NGHỆ THUẬT – GIÁ TRỊ

1. Thể loại

Hai đứa trẻ thuộc thể loại truyện ngắn. Đây là một trong những truyện ngắn đặc. trưng cho phong cách truyện ngắn của Thạch Lam – truyện không có cốt truyện.

2. Nội dung

Toàn bộ tác phẩm là bức tranh phố huyện từ lúc chiều hôm cho đến về khuya.

Bức tranh phố huyện hiện lên với vẻ xơ xác trong buổi chợ tàn, chỉ còn lại trên nền đất những thứ rác rưởi, vỏ thị, lá mía, lá nhãn và lũ trẻ con nhặt nhạnh, bòn mót. Đó là “một buổi chiều êm ả như ru”, có tiếng trống thu không và tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng.

Khi màn đêm buông xuống, phố huyện chìm ngập trong bóng tối: “tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sâm đen hơn nữa”. Cuộc sống của những con người ở đây buồn tẻ hiu hắt với những cuộc đời lam lũ, bế tắc, quấn quanh trong nghèo túng, không một chút ánh sáng của ngày mai. Tất cả đã tạo nên vẻ tiêu điều, vô vọng của cuộc sống và con người nơi phố huyện nghèo.

Trong cuộc sống bế tắc, tràn đầy bóng tối đó, con người cũng có ước mơ – ước mơ được sống một cuộc sống tinh thần và vật chất có ý nghĩa hơn. Nhưng đó cũng chỉ là những ước vọng mơ hồ, vô định. Tuy nhiên với sự cảm thông sâu sắc và cái nhìn tinh tế của mình, tác giả đã kịp nhận ra, thấu hiểu và xót xa cho những con người nơi phố huyện.

3. Nghệ thuật

Hai đứa trẻ là truyện ngắn nhưng lại không có cốt truyện. Đó chỉ là:

+ Một buổi chiều tối ở phố huyện nghèo nàn, tăm tối.

+ Một chống hàng nước, một gánh hàng phở, một gia đình bác Xẩm lê la trên đất cát, một bà già điên nghiện rượu, hai chị em Liên và An thu dọn hàng rồi chờ chuyến tàu đêm.

Truyện không có tình huống éo le hay xung đột gay gắt nhưng vẫn có sức hấp dẫn và gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ vì Thạch Lam đã tạo nên được những mảng tối vây quanh những cuộc đời tội nghiệp thành nỗi ám ảnh thao thức lòng người. Nổi bật nhất là nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Liên lúc chờ đoàn tàu khuya kết hợp với lối kể chuyện nhẹ nhàng, điềm tĩnh, đằm sâu và khắc khoải. Đó chính là thành công về mặt nghệ thuật của Thạch Lam.

4. Giá trị

– Hai đứa trẻ như một bài thơ trữ tình đầy niềm xót thương về những con người nhỏ bé, khắc khổ, bế tắc và lay lắt trong xã hội cũ. 

Truyện mang ý nghĩa hiện thực rõ nét và đặc biệt là ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tác giả không chỉ mong muốn mang đến một đời sống vật chất no đủ mà còn muốn mang đến một thế giới tinh thần ấm áp cho những mảnh đời lam lũ, cực nhọc. Tác giả đặc biệt trân trọng, quan tâm đến đời sống tinh thần của họ dẫu cho đó chỉ là “ước vọng mơ hồ” khát khao vươn đến ánh sáng cuộc đời của những đứa trẻ đáng thương trong xã hội đầy bóng tối nô lệ trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Không những vậy, tác giả còn muốn lay động, đánh thức những tâm hồn đang khắc khoải, đang lụi tắt hướng đến một cuộc sống có ý nghĩa hơn.

ĐỀ 148: Nội dung – nghệ thuật – giá trị truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đánh giá bài viết