HƯỚNG DẪN 

1. Truyện ngắn Chữ người tử tù in trong sách giáo khoa đã được chia thành ba phần bằng việc đánh số trên văn bản. Nội dung chính của mỗi phần có thể được hiểu như sau:

Phần 1, giới thiệu ba nhân vật chính: quản ngục, thơ lại và Huấn Cao. Nguyễn Tuân có cách giới thiệu mở đầu tác phẩm hết sức ấn tượng. Trong ba nhân vật trên, Huấn Cao được coi là nhân vật quan trọng nhất, nhưng nhà văn chỉ giới thiệu một cách gián tiếp. Nghĩa là trước khi để nhân vật này xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm, ông đã làm theo cách như người ta giới thiệu nhân vật kịch cổ điển: gây sự chú ý của người đọc bằng cách để các nhân vật khác giới thiệu trước nhân vật chính. Với cách đó, Huấn Cao, qua cái nhìn của quản ngục và thơ lại, ngay từ đầu đã gây được ấn tượng. Đặc biệt, cách Nguyễn Tuân miêu tả thiên nhiên trong cái đêm quản ngục và thơ lại chuẩn bị nghênh tiếp tử tù Huấn Cao đã đầy ẩn ý: “Trong khung cửa sổ có nhiều con sông kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn tụt xuống phía chân trời không định. Tiếng đội chó sủa ma, tiếng trống mõ canh nổi lên nhiều chiều. Bấy nhiêu âm thanh phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”. Ở một đoạn khác: “Người ngồi đấy đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn lại là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Như vậy, đoạn mở đầu, dù giới thiệu cả ba nhân vật, Huấn Cao vẫn được coi là điểm nhấn trung tâm. 

 – Phần 2, sự xuất hiện trực tiếp của nhân vật trung tâm Huấn Cao. Mọi vẻ đẹp của Huấn Cao đến đây đã lần lượt được giới thiệu đầy đủ và rõ ràng: tài hoa, khí phách và “thiên lương”. Qua Huấn cao, người đọc cũng nhận ra vẻ đẹp của viên quản ngục, “một thanh âm trong trẻo trong một bản đàn mà mọi nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.

Phần 3, đoạn văn cuối thực chất là sự kết tụ, nâng cao mọi vẻ đẹp của các nhân vật nhà văn đã nói đến ở hai đoạn đầu. Đây là đoạn văn tả cảnh viết chữ của Huấn Cao cho viên quản ngục. Tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân cũng được thể hiện đầy đủ nhất ở đây.

2. Chữ người tử tù là một truyện rất ngắn, trong sách giáo khoa chỉ hơn 6 trang in. Thông thường ở truyện ngắn, các nhà văn thường rất chú ý đến tình huống truyện. Nguyễn Tuân cũng thế. Do tính đặc thù thể loại, truyện ngắn thường chỉ tập trung làm nổi bật một khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của nhân vật (nó gần với kịch ở đặc điểm này), nên trong hơn 6 trang truyện, nhà văn đã tập trung làm nổi bật ba vẻ đẹp của nhân vật Huấn cao. Đó là vẻ đẹp tài hoa, khí phách và thiên lương. Ông lần lượt giới thiệu qua ba bước. Thứ nhất, thời điểm trước khi nhân vật xuất hiện trực tiếp tại nhà ngục. Huấn Cao làm gì? Tại sao ông lại bị khép án đại hình? Ta chỉ biết được rất ít, một cách lờ mờ. Một con người có tài viết chữ đẹp, một người có tài trèo tường, bẻ khóa, một người có khí phách can trường…hầu như ta chỉ biết qua cuộc trò chuyện giữa thơ lại và quản ngục. Bước thứ hai, nhà văn mới thực sự giới thiệu với chúng ta một cách đầy đủ, chi tiết vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao. Đó là thời điểm ông đặt chân đến nhà ngục tỉnh Sơn. Các vẻ đẹp kia đã được thể hiện rõ. Bước cuối cùng chính là đoạn văn cuối, đoạn Huấn Cao viết chữ cho quản ngục. Đây có thể coi là đoạn văn kết tinh các vẻ đẹp của Huấn Cao ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, quản ngục tuy không phải là nhân vật quan trọng nhất, nhưng lại là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm Chữ người tử tù. Nếu như vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao được thể hiện rõ ràng qua ba đặc điểm (tài hoa, khí phách và thiên lương), Huấn Cao là nhân vật trung tâm của tác phẩm thì quản ngục dù sao cũng chỉ là nhân vật phụ, một kiểu nhân vật cặp đôi, góp phần soi sáng cho vẻ đẹp của nhân vật chính, đồng thời cũng góp phần hoàn thiện quan niệm nghệ thuật của tác giả. 

– Trong tác phẩm, quản ngục xuất hiện song song cùng nhân vật chính Huấn Cao, bổ sung cho vẻ đẹp của Huấn Cao, người đọc gần như không biết trước đó quản ngục là con người như thế nào, chỉ khi Huấn Cao xuất hiện, ta mới biết đến ông. Vẻ đẹp của Huấn Cao được phát hiện phần nào qua nhân vật quản ngục. Ngược lại, chính nhờ tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của quản ngục mà Huấn Cao trân trọng dành những giây phút cuối đời viết chữ tặng. Huấn Cao nói với thơ lại “quản ngục là một thanh âm trong trẻo trong một bản đàn mà mọi nhạc luật của nó đều xô bồ hỗn loạn” Đó là sự đánh giá đúng đắn vẻ đẹp thiên lương của một con người mà hắn không phải bất cứ ai cũng có được như Huấn Cao với quản ngục. 

– Là một nhà văn lãng mạn, Nguyễn Tuân thể hiện rất rõ bút pháp lãng mạn của mình không chỉ qua việc xây dựng nhân vật Huấn Cao, mà còn cả qua nhân vật quản ngục. Không phải ngẫu nhiên nhà văn cố tình đặt cả hai nhân vật này vào cùng bối cảnh nhà tù. Chính từ trong ngục tù tăm tối, vẻ đẹp của họ càng trở nên nổi bật hơn. Là nhân vật có quyền lực cao nhất, người thực thi pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến, quản ngục dường như lại quên mất vai trò, trách nhiệm của mình. Trước cái đẹp tâm hồn và nghệ thuật, quản ngục chỉ còn biết “mê muội” ngưởng vọng mà thôi. Ông trân trọng kẻ tử tù Huấn Cao ngay từ khi Huấn Cao bước chân đến nhà ngục. Ông “biệt đãi” con người mà lẽ ra ở cương vị của ông chỉ có thể đối xử bằng đòn roi; ông rón rén, khúm núm khi nhận chữ và sau cùng, ông cúi đầu bái lĩnh trước Huấn Cao với lời hứa sẽ rời bỏ nơi chốn “bẩn thỉu” để gìn giữ thiên lương. Đó không phải là hành động của một kẻ tầm thường, mà là “thanh âm trong trẻo” của con người biết yêu cái đẹp, trong danh dự. Quản ngục là nhân vật lãng mạn hết sức độc đáo của Nguyễn Tuân trong nền văn học giai đoạn 1930 – 1945.

3. Tình huống truyện vốn là một yếu tố quan trọng với thể loại tác phẩm ngắn. Một truyện ngắn lãng mạn thì yếu tố này lại càng được chú ý hơn. Chữ người tử tù là một tác phẩm như thế. Chỉ trong hơn sáu trang viết, Nguyễn Tuân, bằng ngòi bút tài hoa của mình đã làm nổi bật chủ đề cũng như nhân vật trung tâm của truyện. Ông đã đặt các nhân vật của mình vào một tình huống khác thường: chuyện chơi chữ vốn chỉ dành cho các bậc tao nhân mặc khách và thường diễn ra ở chốn thư phòng, thì nhà văn lại đưa nó vào nhà ngục tối tăm, bẩn thỉu. Những người chơi chữ, lẽ ra phải là các bậc “tao nhân, mặc khách”, thì ông lại để họ là kẻ tử tù và viên quản ngục. Hai nhân vật bình thường sẽ đối địch với nhau nay trong chốn ngục tù lại trở thành những người bạn tri âm, tri kỉ: một người sáng tạo cái đẹp và người kia thưởng thức cái đẹp. Họ chẳng khác nào cặp nhân vật Bá Nha – Tử Kì trong văn học cổ Trung Hoa.

Chính từ tình huống truyện độc đáo này, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm càng trở nên nổi bật. Phải chăng, thông qua cảnh tương phản đối lập, Nguyễn Tuân muốn đề cao, khẳng định cái đẹp của nghệ thuật và tâm hồn con người. Cái đẹp ấy có thể chiến thắng mọi thế lực tối tăm, có thể tìm được sự tồn tại ở những nơi tưởng như nó không thể tồn tại. Qua bức tranh, ta không còn nhận ra đâu là nhà ngục bởi vì ở đó không có quản ngục và tử tù, ở đây chỉ còn lại những nghệ sĩ say sưa sáng tạo và thưởng thức cái đẹp.

4. Chữ người tử tù ước khoảng 6 trang in, đoạn văn cuối miêu tả Huấn Cao viết chữ chỉ chiếm gần một trang. Tuy nhiên, đây là một đoạn văn hết sức quan trọng. Nó góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đồng thời cũng làm rõ hơn các vẻ đẹp của nhân vật, thể hiện vốn sống và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Nguyễn Tuân mở đầu bằng nhận xét: “Đây là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Tại sao lại có cảnh tượng xưa nay chưa từng có? Vì ở đây diễn ra một cuộc gặp gỡ hết sức lạ kì: cuộc gặp gỡ giữa người tử tù và viên quản ngục. Bình thường đây là hai kẻ đối địch với nhau, nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, họ lại có vẻ đồng điệu với nhau. Cả hai đều làm nổi bật vẻ đẹp của nhau: một bên – kẻ tử tù là người sáng tạo cái đẹp, bên kia – viên quản ngục là người biết thưởng thức cái đẹp. Ý nghĩa tư tưởng và nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm sẽ được làm rõ trong đoạn văn cuối này.

Nguyễn Tuân vốn được mệnh danh là bậc thầy trong lao động nghệ thuật, ông luôn coi trọng giá trị lao động trong nghề cầm bút của mình. Là người lao động nghệ thuật với đúng nghĩa của nó, Nguyễn Tuân luôn biết chắt lọc từng câu: từng chữ, sao cho từ mỗi câu chữ đó, ý nghĩa tư tưởng, chủ đề của tác phẩm được bộc lộ rõ nhất.

Trong đoạn cuối Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ tài dựng người, dựng cảnh của mình. Tính tạo hình trong những trang viết của ông được thể hiện rất rõ trong đoạn văn. Bút pháp nghệ thuật tương phản cũng được ông sử dụng triệt để.

Sự đối lập trước tiên được thể hiện giữa công việc viết chữ và nơi diễn ra việc viết chữ. Chơi chữ, viết chữ vốn là một việc làm thanh cao chỉ dành cho những bậc “tao nhân mặc khách”. Thế nhưng, ở đây nhà văn lại dành niềm ưu ái ấy cho những kẻ hết sức lạ kì: tử tù và quản ngục.

* Giữa người viết chữ và người nhận chữ cũng diễn ra những đối lập gay gắt. Người viết chữ là kẻ tử từ cổ vẫn đeo gông, chân vướng xiềng những tư thế hiên ngang, đĩnh đạc. Người tử tù không hề tỏ ra run sợ, ông vẫn ngẩng cao đầu tô những dòng chữ trên vuông lụa trắng. Ngược lại, kẻ nhận chữ – quản ngục và thơ lại thì run run, sợ sệt, lúng túng. Tư thế và vị trí của hai tuyến nhân vật này lẽ ra phải đảo ngược cho nhau. Trên bình diện xã hội, tử tù và quản ngục hoàn toàn đối nghịch với nhau, trên bình diện nghệ thuật họ lại đồng điệu với nhau. Người tử tù đang say sưa sáng tạo cái đẹp, còn viên quản ngục tỏ ra cảm phục, ngưỡng mộ cái đẹp.

Chính từ bức tranh nghệ thuật đối lập, tương phản này, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm càng trở nên nổi bật. Phải chăng, thông qua cảnh tương phản đối lập Nguyễn Tuân muốn đề cao, khẳng định cái đẹp của nghệ thuật và tâm hồn con người. Cái đẹp ấy có thể chiến thắng mọi cái tối tăm, có thể tìm được sự tồn tại ở những nơi tưởng như nó không thể tồn tại. Qua bức tranh, ta không còn nhận ra đâu là nhà ngục bởi vì ở đó không có quản ngục và tử tù, ở đây chỉ còn lại những nghệ sĩ say sưa sáng tạo và thưởng thức cái đẹp.

5. Huấn Cao vốn có nguyên mẫu từ nhân vật có thật trong lịch sử, đó là Cao Bá Quát. Tất nhiên, dưới ngòi bút lãng mạn của Nguyễn Tuân, Huấn Cao đã được hư cấu để trở thành một mẫu người anh hùng, mẫu người lí tưởng của nhà văn. Xây dựng nhân vật này, rõ ràng Nguyễn Tuân muốn hướng tới một mẫu người tài hoa, một biểu tượng của cái đẹp trong xã hội cũ. Với Nguyễn Tuân, đẹp không có nghĩa chỉ là tài hoa, mà cái đẹp còn phải được thể hiện qua cả phẩm chất tâm hồn, tâm và tài, nội dung và hình thức hòa quyện trong nhân vật Huấn Cao. Đó chính là lí tưởng mà Nguyễn Tuân muốn hướng tới trong nhân vật chính tác phẩm Chữ người tử tù.

ĐỀ 137: Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đánh giá bài viết