Đề 13: Tiếng nói yêu thương, than thân, nghĩa tình trong ca dao.

BÀI LÀM

Bài 1:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Bài ca dao thường được hiểu là lời than của một người con gái đương thì đang lo lắng, bâng khuâng, hồi hộp trước ngưỡng của tình yêu – hôn nhân. Lo lắng là phải, bởi người phụ nữ xưa đâu có được toàn quyền quyết định số phận của mình. Họ đã được dạy về tam tòng, tứ đức và dường như đã chấp thuận việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” như một chuyện hiển nhiên. Họ cũng hiểu sự gả bán tất yếu sẽ xảy ra đối với mình. Biết vào tay ai, biết thuộc về ai, do ai sở hữu? – đó là câu hỏi không dễ và nhiều khi không thể trả lời. Cụm từ vào tay ai rõ ràng có thấm đượm một chút cam phận, ngậm ngùi.

Tuy nhiên, cái hấp dẫn, cái độc đáo của bài ca dao gắn liền với việc so sánh thân em với tấm lụa đào (những bài khác cùng chủ đề lại có cái hay riêng của chúng khi so sánh thân em với hạt mưa rào, hạt mưa sa…). Nếu chỉ dừng ở dòng thơ thứ nhất (dòng lục), người tiếp nhận sẽ “đọc” ra từ đây một niềm tự hào và thậm chí là niềm kiêu hãnh của cô gái ý thức được rất rõ giá trị của mình. Một so sánh phù hợp, gắn liền với một hình ảnh đẹp, mềm mại, óng ả, có thể tự nó đứng ra như một biểu trưng xứng đáng để tôn vinh người phụ nữ! Sự than thân rõ ràng chưa được thể hiện ở đây.

Phải đọc tới dòng thơ thứ hai (dòng bát), ta mới thấy chủ đề bài ca dao lộ diện. Từ phất phơ rất gợi hình và gợi cảm, có thể khơi dậy thoáng bâng khuâng trong lòng ta về hình ảnh của một tấm lụa đang lay động trong gió, lại vừa đánh thức ở ta niềm đồng cảm đối với nỗi lo âu mơ hồ của nhân vật trữ tình. Cho đến khi các cụm từ giữa chợ biết vào tay ai xuất hiện, bài ca dao mới thực sự gây ấn tượng chua xót về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Thì ra, tấm lụa đào được đưa ra không chỉ để khoe, để cho người đời thưởng lãm, mà mục đích cuối cùng là để bán (khoe cũng nhằm tới việc dễ bán mà thôi!). Mà đã thành món hàng đem đi bán thì mọi sự may rủi đều có thể xảy ra, tùy thuộc vào người mua cùng thái độ của họ. Người mua là ai, cô gái chưa thể biết và vì vậy cô khó lòng có được sự an tâm. Trong hoàn cảnh này, không muốn mà lời than cứ bật ra. Trước khi tiếng than lộ ra qua giọng điệu, nó đã được “báo trước” từ việc tác giả dân gian lựa chọn hình ảnh so sánh và đặt tấm lụa đào vào một tương quan cụ thể: tấm lụa đào – chợ – tay người mua. Rõ ràng, bài ca dao đã được cấu tổ một cách chặt chẽ và hoàn hảo.

Bài ca dao, tuy thế, không tự khuôn mình vào một sắc thái giọng điệu duy nhất và do vậy cũng có thể đưa lại cảm nhận nhiều chiều. Vấn đề là ở chỗ: tác giả dân gian chỉ dừng ở việc gợi ra tình huống mà không nói rốt ráo về cái kết quả (buồn thảm hay may mắn) sẽ đến. Những người diễn xướng và tiếp nhận khác nhau, tùy sự liên tưởng đến những khả năng khác nhau nhất xảy ra đối với mình hay đối với nhân vật trữ tình, sẽ có những phản ứng tâm lí không đồng nhất. Một thoáng chốc tâm trạng thế là đã được neo lại bởi nghệ thuật ngôn từ, để rồi gieo rất nhiều vương vấn vào lòng người tiếp nhận hay những người tiềm tàng khả năng đồng tác giả với bài ca dao đó!.

Bài 2:

Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

Trong cuộc sống, để giúp đời hiểu mình hơn, người ta có khi phải đứng ra tự quảng cáo. Thật là một điều bất đắc dĩ, nhất là đối với một cô gái. Nhưng biết làm sao được, ý thức về phẩm giá và sự tự trọng có khi bắt người ta phải làm vậy! Có thể tưởng tượng ra một hoàn cảnh diễn xướng gần với các dữ kiện được thông báo trong bài ca dao như sau (tất nhiên, hoàn toàn có hình dung ra những hoàn cảnh diễn xướng khác): cô gái – nhật vật trữ tình – tác giả đã không gặp nhiều may mắn trong việc thu hút sự chú ý của “đối tác” trong tình yêu, bởi vậy, cô phải cất lời để tự bảo vệ và để mời.

Bài ca dao mở đầu với việc nhân vật trữ tình thừa nhận trước người nghe (trong đó có người cô muốn gắn bó) cái thua thiệt hiển nhiên, có tính định mệnh của mình: “thân em như củ ấu gai”. Thật là thẳng thắn, bộc trực! Tương tự thế là sự thẳng thắn, bộc trực trong việc khẳng định cái “chất” của mình ở câu tiếp đó: “ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”. Giọng ngậm ngùi vừa thoáng hiện ở dòng thơ thứ nhất đã nhanh chóng được thay thế bằng giọng tự tin và thậm chí là thách thức. Vỏ ngoài đen – đó là một thực tế và tôi đã ý thức được hoàn toàn. Nhưng ruột trong thì trắng lại cũng là một sự thật không thể chối cãi. Anh, hay tất cả mọi người đều đã biết củ ấu gai rồi đấy! Đọc bài ca dao đến đây, hắn ta đã nhận ra tính chính xác của sự ví von – chính xác theo mục tiêu tác phẩm nhắm đến, đó là thuyết phục người đời hãy biết nhìn vào thực chất, đừng để bị vẻ ngoài hào nhoáng hay xấu xí đánh lừa. Nếu nhân vật trữ tình ví mình với một đối tượng nào khác, chưa chắc sức thuyết phục đã đạt được mức cao như vậy. Củ ấu gai quá gần gũi với đời sống của người bình dân. Sự kiểm chứng nếu cần thực hiện sẽ chẳng có gì là khó, thậm chí là quá dễ dàng. Đó là chưa kể có sử dụng hình ảnh củ ấu gai thì tác giả mới có thể gieo tiếp được một chữ nếm đầy ý vị, thấm đượm trong đó rất nhiều sự đợi chờ – đợi chờ một thái độ, một cử chỉ ân nghĩa, ân tình từ phía những ai kia trong cuộc đời.

Cái lí đã được trình bày. Tiếp sau là việc cái tình đòi thổ lộ. “Ai ơi, nếm thử mà xem!” đúng là một tiếng gọi, một lời mời – cứng cỏi, táo bạo mà không kém phần tha thiết. Hậu thuẫn cho nó là niềm tin vào bản thân và cả nỗi khao khát được giao cảm, được yêu thương, được dâng hiến. Câu cuối được thốt ra trung hậu, tình cảm và thấm thía lạ thường. Ai nỡ quay lưng, ai nỡ “lầm” mãi trước một tiếng nói như thế! Từ chỗ tồn tại như một đối tượng so sánh thuần túy, củ ấu gai bỗng chốc được đồng nhất với chính nhân vật trữ tình, khiến nhân vật trữ tình không ngần ngại dùng tiếng em lần thứ hai ở dòng thơ cuối, bất chấp trước đó “cô” đã dùng từ nếm có vẻ chỉ thích hợp với củ ấu gai thật sự mà thôi. Em đã thành một củ ấu gai nhỏ bé, gần gũi trong tay anh, sao anh không thể có một cử chỉ phải chăng, dịu dàng hơn đối với nó?..

Một lời than, một tiếng nói khẳng định mình, một bài học về cách thẩm định các giá trị, một nhu cầu và khát vọng yêu đương đã được thể hiện súc tích trong bài ca dao gồm bốn câu ngắn ngủi ấy!.

Bài 3:

Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế đi!
Mặt Trăng sánh với Mặt Trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Đây là bài ca dao được làm theo thể hứng”. Đừng quá tin có một sự việc là nhân vật trữ tình trèo lên cây khế nửa ngày, Không, không thể có chuyện đó. Ta đã gặp rất nhiều bài ca dao có mấy câu khởi đầu chứa đựng những chi tiết không đầu và phi lí như vậy. Tuy nhiên, nếu quen với đặc điểm thi pháp này, người tiếp nhận chỉ còn lưu tâm đến cái lõi của thông báo nghệ thuật nữa mà thôi. 

Ở bài ta đang tìm hiểu, cái đáng nói trong hai dòng thơ đầu là mối tương quan giữa cái chua của quả khế và cái chua xót của lòng người. Hình ảnh cây khế, quả khế xuất hiện chỉ để làm vật chất hóa một trạng thái tình cảm mà sự định danh nó phải mượn đến một từ vốn cũng được dùng để định danh cho cái vị đặc trưng của quả khế. Điều đáng nói khác là trong lòng nhân vật trữ tình đang chất chứa tâm sự, và tâm sự đó cần phải được giải tỏa, thổ lộ. Thế là bỗng nhiên khế trở thành một đối tượng chuyện trò vô cùng thích hợp, có thể giúp nhân vật trữ tình tự khơi sâu mạch cảm xúc của mình. Cái vô lí của những hình ảnh, chi tiết mở đầu hóa ra cũng không hoàn toàn là vô lí, xét trong cấu trúc tổng thể của bài ca dao. 

Ai là người đang thốt lên những lời trong bài ca dao này vậy? Người đó có thể là con trai, cũng có thể là con gái, nhưng khả năng lớn hơn là con gái, bởi thông thường, sự than thở trong chuyện tình cảm hay xuất phát từ nữ giới – đối tượng vẫn chịu nhiều lép vế, thua thiệt và bị động trong cuộc đời. Qua những gì đã được nói ra, đặc biệt qua các từ tạm xác định là then chốt như sánh, nhớ, chờ và qua các hình ảnh dễ gợi lên ấn tượng về sự xa cách trong không gian hay sự cách trở nói chung như sao Hôm, sao Mai, sao Vượt, ta có thể hình dung nhân vật trữ tình đang gặp trắc trở trong đường tình và đang tha thiết nhớ bạn, tha thiết ước mong một sự sum vầy. Lí do của sự cách trở không được nói ra một cách trực tiếp, rõ ràng. Chắc chắn không xuất phát từ phía chủ quan người đang tâm sự, bởi như ta có thể thấy, tình cảm của người này đối với bạn vẫn còn vẹn nguyên, thậm chí còn phát triển nồng nàn hơn qua thời gian. Có lẽ cần phải chú ý nhiều hơn tới từ sánh vốn được dùng tới hai lần trong hai dòng thơ kề nhau. Sánh gợi lên sự xứng hợp, như sự vừa đôi phải lứa, hay nói cách khác là sự đẹp đôi. Mặt Trăng và Mặt Trời, nếu theo một góc nhìn nào đó, thì xứng với nhau quá còn gì! Chẳng thế mà dân gian vẫn hình dung chúng như một cặp không hề cọc cạch là ông Trăng và bà Trời. Sao Hôm và sao Mai nữa, đúng là chúng sánh chằng chồng với nhau, như sự hô ứng nhịp nhàng giữa sáng và chiều, giữa đông và tây trong thời gian và trong không gian. Nhân vật trữ tình đã không ví von một cách tường minh chuyện mình với chuyện trăng sao, trời đất, nhưng ta hiểu trong sâu xa, người đó đã nhìn vấn đề đúng như vậy. Chưa biết việc tự nhìn nhận như thế có chủ quan không, nhưng căn cứ vào những gì mà tình cảm người đó thổ lộ, ta có thể tin vào một sự xứng đôi – một sự xứng đôi dựa trên tình cảm chân thật đáng được trân trọng và bảo vệ. Lại cũng từ đây, người tiếp nhận bài ca dao có thể lờ mờ đoán hiểu ra nguyên cớ vì sao sự xứng đôi đó cứ mãi tồn tại như một mong ước, một cái gì đó không thật, không được hiện thực hóa giữa cõi đời, khiến nhân vật trữ tình cứ không ngừng khắc khoải và chua xót. Có thể vì cha mẹ, vì thành kiến xã hội, cũng có thể vì một sự nghi ngại hay không dứt khoát từ phía bạn tình mà chuyện kết đôi đã không thành, dù theo sự mách bảo bên trong của nhân vật trữ tình, quan hệ tương xứng giữa hai người tưởng không còn gì phải bàn cãi nữa. Khi thốt lên câu “Mình ơi! Có nhớ ta chăng”, nhân vật trữ tình đã quên người bạn tâm sự đầu tiên là cây khế để chỉ còn biết đến người mình yêu đang ở một chốn nào đó giữa cõi người. Một tiếng kêu kết tụ cả nỗi lo âu, niềm hi vọng, sự nhắc nhở và cả chút trách móc đầy thương yêu, thông cảm. Một tiếng kêu thúc đẩy mối liên tưởng về hình ảnh “sao Vượt chờ trăng giữa trời” làm sáng cả không gian thơ, làm sáng cả một tấm tình thủy chung son sắt. 

Có cả một câu chuyện dài chứa đựng trong bài ca dao ngắn này. Tâm sự, nỗi niềm được thổ lộ ở đây đạt tới giá trị kết tinh cao độ, có thể khơi lên nhiều suy nghĩ, cảm xúc về phận người và về những bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Đọc bài ca dao, ta không thể quên được hình ảnh “sao Vượt chờ trăng” – một hình ảnh đã vĩnh cửu hóa cái đẹp của sự kiện tâm đợi chờ trong hi vọng và đau đớn.

Bài 4.

Khăn thương nhớ ai        
Khăn rơi xuống đất          
Khăn thương nhớ ai         
Khăn vắt lên vai                
Khăn thương nhớ ai          
Khăn chùi nước mắt          
Đèn thương nhớ ai             
Mà đèn không tắt                
Mắt thương nhớ ai               
Mắt ngủ không yên               
Đêm qua em những lo phiền.
       Lo vì một nỗi không yên một bề…

Bài ca dao thể hiện nỗi nhớ người yêu của một cô gái. Không chỉ nhớ mà còn có lo phiền, phấp phỏng. Chính sự lo phiền, phấp phỏng ấy đã làm cho nỗi nhớ còn thêm chiều sâu, khiến nỗi nhớ có thể làm lay tỉnh toàn bộ nhân cách con người.

Ca dao có rất nhiều bài nói về nỗi nhớ người yêu và mỗi bài lại toát lên một vẻ đẹp riêng. Thường thì nỗi nhớ ấy hay được thể hiện hoặc miêu tả một cách trực tiếp, dù các tác giả dân gian đã dùng rất nhiều ví von. Ở bài ca dao này, cách bày tỏ nỗi nhớ có nhiều điểm khác lạ. Sắm vai một người đọc ngây thơ, ta sẽ thấy hình như nhân vật trữ tình dồn toàn bộ sự quan tâm cho khăn, cho đèn, cho mắt, tức là cho những đối tượng mà người ấy nhận rõ là chúng đang nhớ một ai đó. “Khăn thương nhớ ai”, “Đèn thương nhớ ai”, “Mắt thương nhớ ai” – với chừng ấy câu hỏi đặt ra cho những “người bạn” (riêng với khăn, câu hỏi được nhắc tới ba lần), dường như nhân vật trữ tình không còn mối bận tâm nào khác ngoài việc vỗ về, an ủi khăn, đèn, mắt. Nhưng ta chợt nhận ra một sự vô lí: ngoài khăn và đèn là những vật vô tri không thể biết nhớ, ngay cả mắt (người) đâu có phải là một sinh thể độc lập có thể biết tương tự? Vậy là nhân vật trữ tình đang sống trong cõi ảo, đang trò chuyện với những nhân vật ảo. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi con người có tâm sự quá đầy và bị “cầm tù” bởi tâm sự đó. Tâm sự tràn ra ngoại giới, phủ trùm cái bóng của mình lên tất cả, khiến mọi vật bỗng trở nên có hồn và có thể trở thành những đối tượng chuyện trò. Tuy nhiên, lúc này, chuyện trò với khăn, với đèn, với mắt thì cũng chỉ là chuyện trò với chính lòng mình mà thôi. Nói cách khác chuyện trò với ai, về cái gì, trong trường hợp này, cũng chỉ là một sự tự giãi bày.

Có thể hình dung: nhật vật trữ tình đang đắm mình trong nỗi nhớ nhung sầu muộn. Mọi cử chỉ bỗng hóa thẫn thờ. Chiếc khăn vắt hờ hững trên vai vô ý rơi xuống đất. Nhân vật trữ tình cúi nhặt và bỗng nhiên nhìn thấy khăn như nhìn thấy chính cõi lòng mình. Khăn đi, tại sao mày lại rơi xuống đất? Mày đang nhớ thương ai vậy? Những câu hỏi rưng rưng nỗi niềm đã được đặt ra trong trạng thái mộng du của nhân vật trữ tình. Chúng không phản ánh cái gì khác ngoài cõi lòng người hỏi. Nói khăn và đèn được nhân hóa thì cũng đúng. Nhưng có lẽ đúng hơn nếu nói chung là hình ảnh của nhân vật trữ tình được khúc xạ qua một tấm gương soi đặc biệt. Những động thái của chúng không có ý nghĩa độc lập mà chỉ là sự phản chiếu những cử chỉ và diễn biến tâm lí đa dạng, phức tạp của tác giả bài ca dao. Người ta thường nói ca dao có vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Trong trường hợp này, sự giản dị, mộc mạc vẫn thể hiện (đặc biệt qua hệ thống những hình ảnh gần gũi và qua lời nói trong suốt, không trang sức), nhưng không vì thế mà cái ảo diệu biến hóa lại không để lại dấu ấn đậm nét.

Tuy đi sâu vào chốn u uẩn của cõi lòng, bài ca dao vẫn giữ được tính mạch lạc của cấu trúc. Các hình ảnh khăn, đèn, mắt không hề xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Khăn vắt vai, khăn để chùi nước mắt, ngọn đèn thắp chong canh dài, đôi mắt đẫm lệ không chịu nhắm ngủ – đó đều là những hình ảnh có tính đặc thù mà thơ ca (trong đó có ca dao) thường mượn để thể hiện tâm trạng nhớ nhung, thao thức. Chúng liên kết với nhau một cách chặt chẽ nhằm biểu đạt một chủ đề thống nhất. Giữa chiếc khăn và đôi mắt có mối liên hệ thế nào, chính bài ca dao đã nói rõ. Còn ngọn đèn? Nó cũng có thể được hiểu là một con mắt khác thức thi với mắt người giữa đêm thâu vời vợi. Chẳng phải ngọn đèn vẫn thường làm bạn với ta mỗi khi ta có điều lo nghĩ đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là trình tự xuất hiện của các hình ảnh. Khăn xuất hiện trước rồi đến đèn và sau cùng là mắt. Có một sự dịch chuyển từ xa đến gần của các hình ảnh, từ sự vật bên ngoài đến chính con người tác giả. Nỗi nhớ càng được thổ lộ lại càng nồng nàn – nồng nàn đến mức làm rung lên toàn bộ thế giới tâm hồn của nhân vật trữ tình và xét về hiệu quả thẩm mĩ, nó cũng làm biến chuyển cả nhịp thơ. Sáu dòng thơ đầu dành để tâm sự cùng khăn. Chúng mang nhịp điệu kể lể đều đều, rỉ rả và có giọng bùi ngùi. Bốn dòng thơ sau được san đội, dành sự quan tâm” cho cả đèn và mắt. Nhịp thở gấp gáp hơn trong một kiểu liệt kê hối hả. Nhân vật trữ tình đã chạm đến đáy tâm sự và niềm thao thức của mình. Trạng thái mộng du dần tan để trả con người về với sự kiểm soát của lí trí. Một giai đoạn của cảm xúc thế là đã qua đi.

Hai dòng cuối của bài ca dao là một câu lục bát mênh mang nỗi niềm. Con thuyền thơ, sau lúc tự để mình rơi vào vòng vây của nỗi nhớ chập chùng, đã thoát ra với không gian trầm tư lặng lẽ. Tuy nhiên, không thể bảo rằng nhân vật trữ tình – người chèo lái nó – đã tìm được sự bình yên. Những con sóng ưu phiền khác đang lao xao búa đến… Nhìn chung, việc thay đổi thể thơ ở đây rất có ý nghĩa. Một mặt nó báo hiệu sự chuyển biến tinh tế trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, mặt khác nó đảm bảo chức năng điều hòa nhịp thở của người diễn xướng, người đọc, không để tiếp diễn sự kể lể có nguy cơ kéo bài ca dao rơi vào tình trạng dài dòng, gây nên cảm giác căng thẳng không cần thiết. Sự bộc lộ trực tiếp tâm trạng dưới hình thức mờ tối, rối rắm của chính tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng. Nhân vật trữ tình hiểu rằng mình đã lo phiền và cũng biết nguyên nhân của nỗi lo phiền ấy. Yêu nhau nhiều nhưng dễ gì đến được với nhau, lấy được nhau. Bao nhiêu chuyện phải bận lòng, bao nhiêu thứ có thể cản trở hạnh phúc. Cô gái nói “lo vì một nỗi không yên một bề” – chỉ một bề nhưng lại bề bề nỗi lo, bởi bề ấy không thuộc bề (tức là phía) cô gái, mà thuộc về bề cô không thể làm chủ, không thể chi phối được.

Bài Khăn thương nhớ ai… ta vừa “đọc” đáng được xem là một trong những bài hay nhất trong kho tàng ca dao dân tộc. 

Bài 5.

Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

Sống ở đời ai mà chẳng có những ước ao này nọ, đặc biệt khi yêu, người ta ước càng nhiều và có những điều ước xem chừng rất phi lí. Thì cũng bình thường và dễ cảm thông thôi. Mơ mộng một tí trong tình yêu chỉ làm cho tình yêu có thêm hương vị ngọt ngào. Đừng tước mất của tình yêu chút mơ mộng ấy. Người bình dân Việt Nam xưa rất hiểu điều này. Họ đã sáng tạo và lưu giữ cho ta rất nhiều bài ca dao thể hiện những điều ước đẹp đẽ, làm cho vốn tinh thần của ta thêm giàu có và sự liên tưởng, tưởng tượng của ta không bao giờ bị thui chột, cho dù cuộc sống có khó khăn, vất vả thế nào.

Chỉ với hai dòng lục bát, bài ca dao đã thể hiện được khá nhiều nét tâm lí đặc trưng của kẻ đang yêu, đặc biệt là những cô gái. Cũng phải thôi khi bài ca dao chính là lời của họ. Ta nhận ra ở đây vừa sự khao khát táo bạo vừa sự mềm mại dịu dàng, bên cạnh chút bỡn cợt, hài hước là sự chu đáo, tận tình không thể chê vào đâu được.

“Ước gì sông rộng một gang” – đòi hỏi phi lí quá! Nhưng có thật là nó phi lí? Nếu thực tế có sông rộng một gang thì cần gì phải ước! Người ta chỉ ước về một điều không thể, khó hoặc chưa thể xảy ra. Vậy ước như cô gái đã ước là có lí chứ! Giả định có một ai đó hoạch họe, bắt bẻ, hẳn nhân vật trữ tình có thể biện bạch như trên. Nhưng thôi, hãy ngừng việc vặn vẹo để xem cô gái ước như thế vì lẽ gì. Đơn giản thôi, nếu sông rộng một gang thì cô mới có cơ hội mời được người yêu của mình sang chơi, qua chiếc cầu cô vừa bắc bằng dải yếm. Rõ là oái oăm, sao lại cầu bằng dải yếm? Thì “vật liệu” tắc cầu sẵn có đó thôi, cần gì phải tìm kiếm đâu xa. Vả lại, mời chàng sang chơi cơ mà. Tôi phải làm sao thể hiện được thịnh tình của mình chứ. Cái dải yếm vốn gắn bó như một với con người tôi, hắn không còn có vật liệu bắc cầu nào trân quý và vừa vặn hơn nó nữa…

Ta vừa thử làm một cuộc “phản biện” nhỏ đối với điều ước của nhân vật trữ tình. Qua “phản biện”, hẳn mọi người đều nhận ra tính chặt chẽ về cấu trúc của bài ca dao. Nhưng cái hay về mặt cấu trúc chưa phải là tất cả tác phẩm. Người đọc ngày nay thích bài ca dao rất có thể còn vì thái độ của nhân vật trữ tình. Tình yêu của cô rộng mở và cô dám bộc lộ nó một cách thẳng thắn, bạo dạn. Cô lại còn quá chu đáo nữa: sông đã rộng một gang thì còn cần chi đến cầu, kể cả cầu bé, vậy mà cô vẫn quyết đem dải yếm ra bắc, có lẽ để người yêu cảm thấy vững dạ hơn, cảm thấy… chắc ăn hơn!

Trước một thái độ, một tấm chân tình như thế, chàng trai được yêu, được mời hẳn sẽ không kiên nhẫn ngồi đợi cái ngày điều ước sông rộng một gang thành hiện thực. Anh sẽ quyết đến với cô gái, bất kể việc cầu chưa bắc, thuyền chưa tới và bất chấp sóng to, gió cả!

Bài 6.

Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa đầy
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa. 

Bài ca dao có vẻ đẹp chân mộc, chắc thiệt, thực sự mang bản chất của gừng cay, muối mặn.

Hai dòng thơ đầu tiên nói về đặc tính của muối và gừng – những đặc tính mà hầu như con người ta ai cũng biết. Như vậy, giá trị của chúng không phải là cung cấp thông tin, vì những thông tin kia chẳng có gì mới cả. Điều quan trọng là chúng dọn đường cho ta đi tới chỗ cảm nhận được quyết tâm của nhân vật trữ tình: sống có tình, có nghĩa, mãi thủy chung với người yêu – người bạn đời đã cùng mình nếm trải bao buồn vui, sướng khổ. Phải từ hai dòng thơ sau nhìn ngược lên ta mới thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tái khẳng định chân lí gừng cay, muối mặn. Một sự khẳng định trong trạng thái trầm tư, mang tính chất của hành động lòng tự dặn lòng. Việc tạo ra một cặp đối xứng gồm: muối ba năm muối đang còn mặn” và “gừng chín tháng gừng hãy còn cay”, về bản chất, giống như một hình thức trùng điệp, có tác dụng khắc đậm ý niệm về sự bền lâu. Thông tin quan trọng ở đây dồn tụ vào hai cụm từ đang còn, hãy còn, chứ không phải vào hai từ cay và mặn. Chính ý niệm về sự bền lâu ấy mới quyết định khả năng xứng hợp của hai đối tượng khác nhau là muối và gừng trong lời nói của nhân vật trữ tình. Nó cũng là điểm mấu chốt có thể gắn kết hai nửa của bài ca dao lại với nhau thành một chỉnh thể. Tất nhiên, người đọc ngày nay vẫn muốn tìm thấy một cái gì khác hơn nữa đã đảm bảo tính logic của liên tưởng đi từ chuyện muối, gừng sang chuyện đôi ta. Nếu thấu hiểu những nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam xưa, ta sẽ thấy những đòi hỏi có lí trên được giải tỏa nhẹ nhàng. Muối và gừng không chỉ tồn tại như một thứ gia vị quen thuộc, thậm chí tối cần thiết trong các món ăn mà còn tồn tại như một vị thuốc dân dã cần dùng trong nhiều trường hợp như đau ốm. Chẳng thế mà trong một bài ca dao khác, người xưa từng nói: “Tay nâng chén muối, đĩa gừng – Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Thì ra thế! Nhân vật trữ tình đã trải qua những ngày được chăm sóc yêu thương bởi tay người bạn đời. Muối và gừng, do vậy, ngoài hương vị vốn có của nó, còn tỏa ra hương vị của tình yêu, tình chồng vợ. Thật hoàn toàn tự nhiên khi nói chuyện muối, gừng, ta có thể nghĩ đến chuyện thủy chung son sắt và ngược lại.

Dòng cuối của bài ca dao nêu một giả định: (dù) có xa nhau… Nếu thực sự hiểu đời, ta hắn phải biết rằng: trong cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi và nhiều thứ hạnh phúc khác luôn chịu những tác động và ngược chiều có tính chất “phá ngang”. Tuy đang sống bình yên, người ta vẫn có thể phải nghĩ tới thời gian phía trước với bao thử thách. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này cũng vậy. Anh (hay chị) ấy đã thấy, đã thốt lên (dù) có xa nhau, nhưng ngay lập tức, chính anh (hay chị) lại đã khẳng định: “ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Ba vạn sáu ngàn ngày là một trăm năm – con số ước định chỉ giới hạn một đời người. “Ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” nghĩa là đến chết mới xa, cũng có nghĩa là chẳng bao giờ xa cả.

Một sự khẳng định không dựa trên cảm xúc bồng bột mà đặt cơ sở trên những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời! Đây là một trong các lí do chính đã khiến bài ca dao để lại được trong lòng người tiếp nhận, người đọc bao thế hệ những ấn tượng tốt đẹp về tình – nghĩa – Việt Nam.

Phan Huy Dũng
Tác phẩm văn học trong nhà trường, một góc nhìn, một cách đọc.

Đề 13: Tiếng nói yêu thương, than thân, nghĩa tình trong ca dao.
Đánh giá bài viết