BÀI LÀM

Có một thời, đất nước ta phải sống dưới gót giày xâm lược của bọn thực dân. Nhân dân cả nước đã tự nguyện anh dũng đứng lên, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Hình tượng người chiến sĩ quân đội, những người lính bộ đội Cụ Hồ đã đi vào thơ đẹp như một bài ca không thể nào quên. Một trong những bài thơ có giá trị viết về đề tài này là Đồng chí của Chính Hữu, được sáng tác vào năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc. Dẫu đã đi qua một hành trình hơn nửa thế kỉ nhưng bài thơ này vẫn làm người đọc cảm động về tình đồng chí thiêng liêng của những người nông dân mặc áo lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Độc lập tự do chỉ vừa mới đến thì gót giày xâm lược của bọn thực dân đã trở lại để giẫm nát quê hương. Một lần nữa, nhiệm vụ của toàn quân và dân ta lúc này là đứng lên chiến đấu, xả thân để giành lại độc lập cho dân tộc. Người dân Việt Nam từ những miền quê khác nhau sẵn sàng lên đường ra tiền tuyến:

Quê hương anh nước mặn đồng chua 
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.      

“Nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” – những thành ngữ này đã gợi lên sự nghèo đói, cằn cỗi, xác xơ của những làng quê, nơi chôn rau cắt rốn của các anh, những người lính nông dân suốt đời quen với “tay cuốc, tay cày”, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cầm súng lên đường ra tiền tuyến. Hình ảnh đổi giữa quê anh với làng tôi cho ta thấy, họ là những con người có chung hoàn cảnh xuất thân. Sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau là cơ sở, là cái gốc làm nên tình bạn, tình đồng chí sau này.

Họ ra đi và đã gặp nhau: 

Anh với tôi đôi người xa lạ                
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Nhà thơ không nói hai người xa lạ mà lại dùng “đôi người xa lạ”. Nghĩa là hai người đi cùng với nhau nhưng lại “xa lạ”; và dẫu xa lạ nhưng lại thành đôi – luôn gắn bó chặt chẽ, keo sơn, thắm thiết với nhau. Thế mới là thú vị! Chính Hữu đã dùng từ này để khẳng định tình thân giữa hai người, đồng thời làm lời thơ thêm giản dị, gần với đời thường.

Bởi cùng chung chí hướng nên các anh đã tập hợp lại trong hàng ngũ quân đội cách mạng, cùng chịu đựng gian khổ, kề vai sát cánh bên nhau trong chiến đấu:

Súng bên súng đầu sát bên đầu       
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Hình ảnh đối xứng sóng đôi: “súng bên súng đầu sát bên đầu” vừa gợi lên những giờ phút chiến đấu bên nhau của người lính, vừa là hình ảnh hoán dụ để diễn tả tình cảm gắn bó, nương tựa và giúp đỡ nhau khi cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Những con người này vừa cùng chung chí hướng lại vừa cùng nhau chịu đựng những gian khổ của thời tiết khắc nghiệt chốn núi rừng. “Đêm rét chung chăn”, thể là họ thành “đôi tri kỉ”, thành “đồng chí”.

Từ “Đồng chí” được tác giả tách thành một câu riêng, đứng độc lập giữa bài thơ, có tác dụng như một lời nói tha thiết, chân thành, khẳng định cái giá trị chân thực của tình đồng chí. Nó là kết tinh của mọi cảm xúc, là cao độ của tình bạn, tình người. Nó ngân vang mãi trong lòng người, báo hiệu sự đổi thay kì diệu trong quan hệ tình cảm.

Khi đã thành đồng chí, những lúc bên nhau, các anh cùng kể cho nhau nghe chuyện quê nhà:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày     
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay    
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. 

Họ ra đi đã để lại sau lưng mình là làng quê yêu dấu với những gì thân thương nhất: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, người thân… Người lính mang theo nỗi nhớ ấy vào chiến trường, để rồi khi cùng nhau hàn huyên tâm sự, họ lại thấy tâm tư, nỗi lòng của mình được bạn sẻ chia. Người đi xa nhớ người ở lại, kẻ ở lại nhớ người ra đi. Người lính vẫn “mặc kệ”, nghĩa là cố rũ bỏ tình riêng để nghĩ đến nghĩa chung của toàn dân tộc. Vì thế, hình ảnh người chiến sĩ trở nên cao đẹp và đáng trân trọng hơn. Ở nơi chiến trường, cuộc sống của họ thật là vất vả: ..

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh    
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi 
Áo anh rách vai                                 
Quần tôi có vài mảnh vá                    
Miệng cười buốt giá                           
Chân không giày.                                 

Khác với những sáng tác viết về người lính trong giai đoạn này. Họ thường khai thác cảm hứng lãng mạn, anh hùng với những hình ảnh có tính chất ước lệ để xây dựng hình tượng người lính. Như nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”nói về những cơn sốt rét rừng hành hạ các chiến sĩ, ông viết:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.     

Và cái chết của các anh cũng được mĩ lệ hóa: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nhà thơ Chính Hữu thì lại không. Ông đã hướng về chất thực của cuộc sống người lính. Bằng những hình ảnh rất thực, nhà thơ đã miêu tả về những gian khổ mà bất cứ người lính Cụ Hồ nào cũng phải trải qua: những trận sốt rét rừng tàn phá cơ thể, áo rách, quần vá, chân không giày. Khó khăn cứ chồng chất khó khăn nhưng các anh vẫn không ngã gục mà luôn lạc quan, đứng vững. Dẫu trời có buốt giá thì miệng vẫn cười tươi. Người chiến sĩ lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng vậy. Ngồi trên những chiếc xe không kính, dù bụi đường vào làm lấm lem mặt mày, họ vẫn “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Cái cười trong giá buốt hay tiếng cười khi bụi đường làm lấm lem mặt mũi đều là những tiếng cười vui tươi sảng khoái. Điều đó cho thấy, người lính của chúng ta dẫu trong thời kì nào cũng đều có những phẩm chất thật đáng quý: xem thường gian khổ, cười cợt với hiểm nguy để cùng nhau chiến đấu.

Thiếu thốn thì nhiều đấy, dẫu muốn cho nhau cái no đủ thì cũng không thể nên họ chỉ biết: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Không một chút vật chất của cải, không một lời nói hoa mĩ cầu kì, cái nắm tay ở đây có một sức mạnh lớn lao, bộc lộ tất cả những ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng chí. Nó tiếp thêm sức lực mới, giúp người lính vượt qua gian khó.

Bài thơ kết thúc bằng một bức tranh thật đặc sắc: 

Đêm nay rừng hoang sương muối 
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới  
Đầu súng trăng treo.                       

Trong cảnh “rừng hoang sương muối”, những người lính bên nhau phục kích chờ giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn trong cuộc sống. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ giữa cánh rừng hoang mùa đông sương muối giá rét. Trong cảnh phục kích này, người lính còn có một người bạn nữa là vầng trăng: “Đầu súng trăng treo” là một hình ảnh đẹp, vừa có nghĩa thực lại vừa mang nét tượng trưng. Tác giả tả cảnh những người lính đứng gác trong đêm trăng, mũi súng hướng lên trời, có ánh trăng lơ lửng giữa trời như treo trên đầu ngọn súng. Đồng thời, hình ảnh này còn tượng trưng cho sự cao đẹp của tình đồng chí: tình đồng chí sẽ vươn cao và tỏa sáng mãi. Nhà thơ thật tài tình khi đã kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, tạo nên một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội, là biểu tượng đẹp của cuộc đời người chiến sĩ, tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng, làm cho cuộc chiến bớt đi cái ác liệt, dữ dội.

Bằng ngôn ngữ thơ cô đọng, hình ảnh thơ chân thực cộng với những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, nhà thơ đã xây dựng nên tình đồng chí cao đẹp của những người lính có chung hoàn cảnh xuất thân và chung lý tưởng cách mạng. Noi gương các anh, chúng ta hãy cùng nhau thắt chặt tình bạn trong cuộc sống, cùng lao động, học tập để xứng đáng với công lao to lớn của các anh – những người lính đã ngã xuống để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 13: Suy nghĩ của em về tình đồng chí, đồng đội trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu
Đánh giá bài viết