HƯỚNG DẪN 

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) quê ở Hưng Yên. Ông được xem là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930 – 1945 ở cái nhìn hiện thực, sắc sảo và sức phê phán mạnh mẽ, ở tài năng nghệ thuật trên nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết và phóng sự.

2. Tiểu thuyết Số đỏ được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7-10-1936. Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mạnh mẽ bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu” ở thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là toàn bộ chương XV trong số đó. Đoạn trích thể hiện đặc sắc màn bi hài kịch trong một gia đình thượng lưu khi có tang gia. 

II. PHÂN TÍCH

1. Hạnh phúc của một tang gia là một phần của nhan đề chương XV trong tiểu thuyết Số đỏ do chính Vũ Trọng Phụng đặt: Nhan đề gợi ra một nghịch lí: Theo lẽ thường, tang gia đồng nghĩa với sự mất mát, đau buồn nhưng ở đây các nhân vật của tang gia lại sống trong niềm “hạnh phúc”? Đó chính là ý nghĩa trào phúng của nhan đề đoạn trích. Mâu thuẫn trào phúng cơ bản, chủ yếu nằm ngay trong cách đặt tên chương đầy nghịch lí, ngược đời của tác giả. Từ nhan đề này, người đọc hiểu thêm được tình huống trào phúng của đoạn trích. Một gia đình lớn có người thân mất đi mà lại không đau buồn, thương tiếc. Trái lại, họ vui mừng, hạnh phúc. Cái hạnh phúc vì có người thân qua đời không chỉ đến với một vài người mà là cả đại gia đình, từ người cao tuổi nhất, có địa vị lớn nhất đến người ít tuổi nhất, tất thảy đều vui mừng.

2. Cái chết của cụ cố tổ là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong đại gia đình cụ. Niềm “hạnh phúc” của gia đình lúc này thực chất là do sự chờ đợi bấy lâu của mọi người đã được đáp ứng: người chết là ông cụ tổ có một gia sản lớn, hứa sẽ chia khi cụ qua đời. Vì thế, đám con cháu bất hiếu chỉ mong cụ chết để được hưởng gia tài ấy. Khai thác các chi tiết thể hiện niềm hạnh phúc của từng nhân vật chúng ta thấy mỗi người trong gia đình đều có một niềm hạnh phúc, sung sướng riêng.

Đó là cụ cố Hồng ngất ngây, hãnh diện vì sắp được thiên hạ trầm trồ khen cái đám ma với “con giai nhớn đã già đến thế”. Đó là ông Văn Minh vò đầu bứt tóc, lúc nào mặt cũng dẫn đăm chiêu chiêu vì đang băn khoăn sẽ phải mời luật sư đến đọc chúc thư lúc nào, không biết sẽ xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao cho phải, nhưng trong lòng khấp khởi vì “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”. Và bà Văn Minh thì “sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời…”. Đó là cô Tuyết sung sướng được mặc bộ y phục ngây thơ; cậu tú Tân thì sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua; ông Phan mọc sừng không ngờ được chia thêm vài nghìn đồng…

Ngay cả những người ngoài gia đình, cũng nhờ đám tang của cụ cố tổ mà được sung sướng lây. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng thì vênh vang khoe những “ngực đầy những huy chương”, phẩm hàm và các bộ râu đủ kiểu, “hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung…”. Tiệm may âu hoá và ông Typn được dịp để “lăng xê” mốt mới nhất, hiện đại nhất của mình – “có thể bán cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời…”. Sư cụ Tăng Phú thì “sung sướng mà vênh váo ngồi trên một chiếc xe”, chắc mẩn “đánh đổ được Hội Phật giáo”. Cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang thất nghiệp lại có việc làm,…

Riêng Xuân Tóc Đỏ có “hạnh phúc” đặc biệt, nó được tăng uy tín và danh giá không ngờ. Nhờ nó mà cụ đã chết, đem lại niềm vui cho mọi người. Sự hiện diện của nó cùng với báo Gõ mõ lại mang tới sự long trọng, “vinh hạnh” cho đám tang.

Có thể nói, “hạnh phúc” của mỗi người trong tang gia không ai giống ai. Mỗi người một cách, không giấu nổi niềm vui riêng của mình. Việc thể hiện “hạnh phúc” của mỗi người gắn liền với từng tính cách, bản tính riêng của họ. Trong mỗi người đều hàm chứa một mâu thuẫn trào phúng riêng. Và tất cả tập hợp thành một đám tang hài hước chưa từng thấy.

3. Phân tích cảnh “đám ma gương mẫu”. Đám tang cụ cố tổ được miêu tả cặn kẽ như một cuốn phim quay chậm. Tại đây, những mặt trái của xã hội thượng lưu đã được phơi bày. “Đám ma đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”, “Kèn ta, kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song lẽ sự thật thì vẫn thì thầm với nhau…”. Trong khi đó, “Dám cứ đi…”. Nhìn cảnh đám ma huyên náo, rộn ràng như vậy ta lại chợt nghĩ đến đám ma của lão Gô-ri-ô trong tác phẩm Lão Gô-ri-ô của nhà văn pháp nổi tiếng Ban-dắc. Hai đám ma mang hai không khí khác nhau nhưng đều chung một bản chất: Tố cáo xã hội thượng lưu coi tiền bạc của cải trên tình người, con người sống ích kỉ, vụ lợi, chuộng hư danh, sống giả dối. 

4. Từ niềm hạnh phúc của các nhân vật do cái chết của cụ cố tổ đem lại và cảnh tượng của “đám ma gương mẫu”, cái xã hội “thượng lưu” thành thị đương thời. Ở Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX đã bộc lộ rõ bản chất. Đó là xã hội nhố nhăng, kệch kẽm, không có tình người. Có thể nói, đám tang là một bức tranh xã hội thực dân cư sản thu nhỏ với tất cả sự xấu xa kệch cỡm, hành tiến rởm đời, vừa ngu si vừa đáng ghét. Sự “bối rối sung sướng” của đám người này đã khái quát một cách sinh động bản chất xã hội khốn nạn, “chó đểu” đó, cũng là sự tố cáo mạnh mẽ của tác phẩm. Ở đây, thói đạo đức giả bao trùm lên cuộc sống, suy nghĩ của con người. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ rõ ràng thái độ của mình đối với xã hội này. Ngòi bút châm biếm, giọng văn hài hước của tác giả đã đem đến cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về những con người trong xã hội “thượng lưu” thành thị Việt Nam thời ấy.

5. Một trong những thủ pháp trong nghệ thuật trào phúng được Vũ Trọng Phụng sử dụng rất đắc dụng là phát hiện những chi tiết đối lập nhau gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một sự vật, một sự việc, một con người để từ đó làm bật lên tiếng cười. Chẳng hạn đám ma cụ cố tổ lại là niềm hạnh phúc của mỗi người trong gia đình; đám ma mà hình thức tổ chức lại như một đám rước; mọi người lợi dụng cơ hội đi đưa ma để gặp gỡ, thì thầm, đùa cợt, tán tỉnh nhau… Ngoài ra, những thủ pháp khác như nói ngược, nói mỉa, nói quá,… đều được tác giả tận dụng triệt để và đan xen linh hoạt trong tác phẩm.

Đoạn trích thể hiện một tài năng trào phúng sắc sảo của Vũ Trọng Phụng. Thông qua bút pháp trào phúng, tác giả đã khắc hoạ nổi bật chân dung các nhân vật lên án bộ mặt lố lăng, giả dối, đồi bại của xã hội tư sản đương thời.

ĐỀ 127: Phân tích đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng).
Đánh giá bài viết