HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho khá giả tại Dục Tú, Phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội. Ông sớm tham gia phong trào yêu nước, có niềm đam mê được thể hiện những suy ngẫm của mình về lịch sử dân tộc. Những sáng tác đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng đều khai thác đề tài lịch sử (Đêm hội Long Trì – 1942, Vũ Như Tô – 1943, Cột đồng Mã Viện – 1944, An Tư công chúa – 1944). Trước 1945, Vũ Như Tô vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là nhà văn tích cực đi đầu trong các hoạt động văn nghệ, tham gia phụ trách Hội Văn hoá cứu quốc. Bắc Sơn (1946) là một vở kịch xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng khi nền kịch cách mạng còn non trẻ. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng vẫn đều tay với những tác phẩm như Những người ở lại (1948), Kí sự Cao Lạng (giải thưởng Văn nghệ 1951 – 1952), Truyện anh Lục (1955 – 1956), Bốn năm sau (1959), Sống mãi với thủ đô (xuất bản ngay sau khi nhà văn qua đời). Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi thiên về đề tài lịch sử, truyền thuyết như An Dương Vương xây thành ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung…

Gần hai mươi năm sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một sự nghiệp tường đối phong phú về thể loại, đề tài. Ở thể loại nào ông cũng để lại những tác phẩm có giá trị. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Đợt 1). 

II. TÁC PHẨM

1. Bi kịch Vũ Như Tô

Vũ Như Tô là bi kịch 5 hồi của Nguyễn Huy Tưởng, ra đời năm 1943, mãi đến năm 1995 mới công diễn lần đầu tiên. Tác phẩm viết về một sự kiện lịch sử vào thế kỉ XVI tại Thăng Long. Nhân vật chính là Vũ Như Tô, một nhà kiến trúc, một nghệ sĩ có chí lớn, tài cao. Ông còn là một người có nghĩa khí, tính tình cương trực, ngay thắng, không màng danh lợi. Khát khao muốn để lại một công trình kiến trúc cho non sông, ông đã theo đuổi Cửu Trùng Đài, vô tình gây nên sưu cao, thuế nặng cho nhân dân. Cuối tác phẩm, nhân dân nổi dậy đốt Cửu Trùng Đài và giết chết người nghệ sĩ tài hoa. Tác phẩm đặt ra những vấn đề sâu sắc qua bi kịch đau đớn của cuộc đời Vũ Như Tô. Nghệ thuật chân chính theo Nguyễn Huy Tưởng phải là thứ nghệ thuật không khuất phục cường quyền, tuy nhiên nghệ thuật phải gắn với nhân dân, vì nhân dân. Người nghệ sĩ chân chính phải là người nghệ sĩ có niềm đam mê nghề nghiệp, có hoài bão, khát vọng cao cả nhưng vẫn chưa đủ, niềm đam mê, khát vọng ấy phải gắn với thực tiễn, phù hợp với thực tiễn, mĩ gắn với thiện. Bi kịch Vũ Như Tô còn cho thấy sự nhạy cảm đặc biệt của nhà viết kịch tài ba Nguyễn Huy Tưởng. Cửu Trùng Đài không còn trong lịch sử đã để lại sự xót xa, tiếc nuối cho tài hoa người nghệ sĩ, cho một công trình nghệ thuật không tồn tại cùng non sông đất nước… Với hình thức nghệ thuật hoàn chỉnh, đặc biệt là tính hàm súc và sự đa chiều. Vũ Như Tô dù là vở kịch đầu tay, cũng đã làm nên một tiếng vang trong sự nghiệp viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng.

2. Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

a) Vị trí đoạn trích

Đoạn trích thuộc hồi V (hồi cuối cùng) của vở kịch. Tên đoạn trích do người biên soạn SGK đặt. Hồi V là cao điểm của bi kịch đời Vũ Như Tô, là một hồi kịch xuất sắc trong tác phẩm.

b) Nội dung

Trong đoạn trích, tác giả tập trung làm nổi bật hai nhân vật là Vũ Như Tô và Đan Thiềm. hai nhân vật vừa thống nhất cao độ (niềm đam mê, hết mình vì nghệ thuật của họ như lạc lõng giữa cuộc đời) lại vừa như là một sự bổ sung cho nhau để làm sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn những vấn đề tưởng như đơn giản trong vở bi kịch Vũ Như Tô. Số phận các nhân vật được làm rõ từ hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa đời sống cực khổ của nhân dân với sự xa hoa, trụy lạc của bạn vua quan; mâu thuẫn giữa tài năng và sự đam mê nghệ thuật của nghệ sĩ với lợi ích thiết thực của nhân dân do nghệ thuật đưa lại.

– Nhân vật Vũ Như Tô:

+ Vũ Như Tô là một nghệ sĩ có tài, đam mê nghệ thuật, có khát vọng. Có hoài bão cao cả, dẫn dắt nghệ thuật lên trên cả mạng sống của mình. Những câu nói của ông cho chúng ta thấy rất rõ tâm huyết của đời ông với Cửu Trùng Đài (Tôi sống với Cửu Trùng Đài, tôi chết với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài nuột bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu? (lời thoại thứ 15, lớp I); Nhưng tôi đã quyết không chịu rời Cửu Trùng Đài một bước (lời thoại thứ 16, lớp I); Tôi có gây oán thù với ai? lời thoại thứ 2, lớp V); Ta tội gì? Ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài và xây cho giống nòi một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu Trùng Đài có phải đâu để hại nước? (lời thoại thứ 6, lớp VIII); vài năm nữa đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực có một cảnh Bồng Lai… (lời thoại thứ 8, lớp VIII); Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài (lời thoại thứ 2, lớp IX); Ôi, muộn phần căn giận! Trời ơi, phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! (lời thoại thứ 12, lớp IX)

+ Diễn biến tâm trạng của ông được làm rõ qua các câu thoại trong hồi kịch (thái độ ngơ ngác, không hiểu – lớp 1, V, thái độ hi vọng tràn đầy có thể cứu được Cửu Trùng Đài khi cái chết đã kề cổ – lớp VIII; thái độ đau đớn tột cùng khi Cửu Trùng Đài bị đốt – lớp IX). Cho đến tận khi cái chết cận kề, Cửu Trùng Đài bị đốt, ông vẫn không thể lý giải nổi tại sao lại đốt nó. Niềm đam mê nghệ thuật thật cảm động qua hình ảnh nghệ sĩ Vũ Như Tô.

+ Sự xung đột giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa nghệ thuật thuần tuý với thực tiễn đã tạo ra bi kịch của Vũ Như Tô. Nghệ thuật chân chính theo Nguyễn Huy Tưởng phải là thứ nghệ thuật không khuất phục cường quyền, tuy nhiên nghệ thuật phải gắn với nhân dân, vì nhân dân. Người nghệ sĩ chân chính phải là người nghệ sĩ có niềm đam mê nghề nghiệp, có hoài bão, khát vọng cao cả. Nhưng niềm đam mê, khát vọng ấy phải phù hợp với cuộc sống của nhân dân. Công trình của Vũ Như Tô đã gửi gắm bao ước mơ, hoài bão, tinh hoa của một đời nghệ sĩ nhưng công trình ấy đã gây ra bao thảm cảnh cho nhân dân. Nguyễn Huy Tưởng để cho xung đột tự phát triển đến đỉnh điểm bằng lời đối thoại giữa các nhân vật khác với Vũ Như Tô. Vũ Như Tô đau đớn bao nhiêu khi nhìn thấy Cửu Trùng Đài bị đốt thì những nhân vật khác (quân sĩ, Ngô Hạch, bọn nội giám,…) lại càng sung sướng bấy nhiêu. Đan xen vào tâm trạng ngơ ngác, xót đau, tiếc nuối của người nghệ sĩ tài hoa là thái độ hả giận sung sướng hò reo của số đông làm cho kịch tính của màn kịch càng tăng cấp, căng thẳng.

– Nhân vật Đan Thiềm:

+ Nếu qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả muốn làm rõ vấn đề nghệ thuật chân chính không thể tách rời lợi ích của nhân dân lao động thì qua nhân vật Đan Thiềm. Ông muốn đưa một cách nhìn khác: Đan Thiềm là nhân vật bảo vệ nghệ thuật, bảo vệ người tài, đam mê cái đẹp. Từ nhân vật Đan Thiềm, cảm hứng hướng tới Vũ Như Tô chính là cảm hứng hoài tiếc khi nghệ thuật thuần tuý không có chỗ đứng trong cuộc đời, khi non sông đất nước không có một toà đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. 

Là một cung nữ bình thường trong triều, khi Vũ Như Tô không đồng ý, kiên quyết từ chối lời vua Lê Tương Dực xây Cửu Trùng Đài thì chính bà là người đã động viên, thuyết phục ông hãy dùng cái tài của mình để xây dựng cho đất nước một công trình nghệ thuật bền như trăng sao, để cho dân ta nghìn thu còn hãnh diện… Lời của Đan Thiềm đã khích lệ khát khao nghệ thuật đích thực trong Vũ Như Tô, ông đã nhận lời và đặt hết tài năng của mình vào Cửu Trùng Đài, xem Cửu Trùng Đài quý hơn cả mạng sống chính mình. Trước lúc chết, Vũ Như Tô đã rú lên đau đớn: Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!, từ đó có thể thấy rằng Đan Thiềm, mộng lớn tô điểm cho đất nước, Cửu Trùng Đài đều là một, là cuộc sống có ý nghĩa của nhà kiến trúc tài ba này.

Trong hồi V của vở kịch, nhân vật Đan Thiềm lại hiện ra với vai trò đó. Bà là người đầu tiên báo tin cho Vũ Như Tô phải trốn đi. Những lời nói van lơn, đầy nước mắt của bà cho thấy rõ bà là người bất chấp tất cả để bảo vệ cái tài, bảo vệ người tài: Ông trốn đi, tài kia không nên để uống. Ông nhà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa (lời thoại thứ 14, lớp I); Trốn đi, đợi là thượng sách. Đừng để phí tài năng (lời thoại thứ 3, lớp V); Tôi chết đi không thiệt hại cho đời, còn ông ông phải đi mới được (lời thoại thứ 7, lớp V); Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Những xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài (lời thoại thứ 12, lớp VII); Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm non sông (lời thoại thứ 17, lớp VII).

– Thái độ của Nguyễn Huy Tưởng: Trong lời đề tựa vở kịch này Nguyễn Huy Tưởng đã viết: Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiền. Lời tựa cho ta thấy rất rõ quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Bi kịch đời Vũ Như Tô là sự xung đột đau đớn giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa nghệ thuật thuần túy và lợi ích của nhân dân lao động. Nguyễn Huy Tưởng để cho độc giả tự giải quyết vấn đề này. Một mặt, ông cho rằng không tồn tại nghệ thuật thuần tuý mà nghệ thuật phải thực sự gắn với lợi ích của nhân dân; mặt khác, là một nghệ sĩ có tài và nhạy cảm, Nguyễn Huy Tưởng không khỏi hoài tiếc cho non sông đất nước không có Cửu Trùng Đài, khi người tài giỏi có thể tô điểm non sông lại bị chết một cách oan ức. Bởi thế, trong lời tựa, ông cho rằng mình cùng bên với Đan Thiềm, có nghĩa là ông bảo vệ nghệ thuật, bảo vệ đến cùng những khát vọng của người nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô.

c) Nghệ thuật kịch:

– Ngôn ngữ đối thoại kết hợp với diễn biến tâm lý của nhân vật giúp khắc họa tính cách nhân vật một cách thật rõ nét (Diễn biến tâm lí được làm rõ ở phần chỉ dẫn động tác, thái độ – phần in nghiêng trước lời đối thoại của các nhân vật).

– Hồi V được xem là hồi đặc sắc nhất của vở kịch. Chỉ qua chín lớp kịch ngắn, xung đột đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, tính cách nhân vật bộc lộ rõ. Màn kịch đã làm rõ những vấn đề tư tưởng lớn đặt ra trong tác phẩm. Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa sáng tạo thuần túy và lợi ích của nhân dân.

ĐỀ 126: Nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
Đánh giá bài viết