BÀI LÀM

Vốn là một nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, Huy Cận thường thể hiện trong thơ của mình nỗi buồn chất ngất. Nhà thơ buồn vì đời, vì đất nước đang bị xâm lăng. Hoà bình lập lại, miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngòi bút của Huy Cận chuyển sang ca ngợi cuộc sống mới, con người mới. Ông viết khá nhiều, trong đó có Đoàn thuyền đánh cá. Bài thơ là một khúc ca về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và vẻ đẹp của người lao động trong công cuộc chinh phục biển khơi.

Biển Hạ Long hiện ra trước mắt người đọc hết sức hùng vĩ: 

Mặt trời xuống biển như hòn lửa 
Sóng đã cài then đêm sập cửa.     

Hình ảnh so sánh “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” tạo cho biển một vẻ đẹp lộng lẫy đến huyền ảo. Câu thơ thứ hai mới thực sự là một câu thơ hay. Cái hay này thể hiện ở cách nói nhân hoá, ở trí tưởng tượng mới lạ và độc đáo của nhà thơ. Cả vũ trụ được ví như một ngôi nhà lớn với màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ, và những gợn sóng là then cửa. Khi ngôi nhà khổng lồ ấy vừa đóng cửa, nghĩa là lúc màn đêm đang bắt đầu buông xuống, cũng chính là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

Cảnh ra khơi thật tấp nập và vui vẻ: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Người lao động hát, tiếng hát sảng khoái, lạc quan này hòa cùng ngọn gió căng buồm đưa con thuyền băng băng rẽ sóng. Những cánh buồm no gió căng phồng làm cho mặt biển có một vẻ đẹp thơ mộng:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng

Nhà thơ đã vẽ lên một cảnh tượng hết sức lãng mạn: Con thuyền ra khơi có gió làm lái, có trăng làm buồm. Trời biển bây giờ là của ta nên ta có thể ung dung lướt giữa biển khơi. Con người không trở nên nhỏ nhoi trước thiên nhiên rộng lớn mà lại hoà nhập vào với thiên nhiên, được đặt ngang tầm với thiên nhiên. Những con người này đang ra khơi đánh cá:

Ra đậu dặm xa dò bụng biển      
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Nhà thơ miêu tả những ngư dân đi đánh cá mà ta cứ tưởng như những con người này đang ra chiến trận. Trong công cuộc chinh phục biển khơi, hình ảnh con người vẫn là trung tâm. Với sức mạnh dẻo dai, với sức khỏe vô biên, họ đang “dò bụng biển”, vây lưới để đánh bắt cá. Thế mới biết, không một sức mạnh nào, kể cả sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ lại sánh được với sức mạnh của con người.

Nhìn đàn cá tung tăng trên mặt biển, tác giả cứ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp huyền diệu và giàu có của thiên nhiên:

Cá nhụ cá chim cùng cá đé            
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng    
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe 
Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long.    

Biển giàu và đẹp quá! Cái đẹp muôn màu, muôn vẻ được tạo nên từ màu sắc của các loài cá, của ánh trăng. Những chú cá này như những nàng tiên cá đang bơi lội trên mặt biển tràn ngập ánh trăng. Khi nó quẫy đuôi, ánh trăng vàng chóe sáng. Phát hiện này chứng tỏ tác giả thật tinh tế. Và cách nói của câu thơ tiếp theo một lần nữa lại thể hiện trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà thơ:

Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long. 

Những vì sao trên trời in bóng xuống mặt nước thấm đẫm ánh trăng. Gió thổi làm sóng vỗ mơn man mạn thuyền, phát ra những âm thanh nhẹ nhàng như một tiếng thở dài của màn đêm lùa bóng sao in trên đáy nước. Hiện thực là vậy nhưng tác giả đã nhân cách hóa làm cho ta thấy những vật vô tri vô giác cũng giống như con người: biết thở, biết lùa bóng nước. Tâm hồn của những người đánh cá đang chìm đắm say sưa trong vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, bay bổng cùng với một niềm vui phơi phới. Và họ lại tiếp tục hát:

Ta hát bài ca gọi cá nào             
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Thiên nhiên và con người bây giờ đã hòa làm một. Người lao động dùng tiếng hát để gọi cá, ánh trăng gõ vào mạn thuyền làm nhịp cho lời hát. Bằng trí tưởng tượng bay bổng, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình ảnh vừa thực, vừa ảo: trăng trên cao in bóng xuống mặt nước làm cho mặt nước đẫm ánh trăng, nước biển vỗ sóng như gõ nhịp vào mạn thuyền để gọi cá vào lưới. Cảnh lao động vì thế vừa đẹp, vừa nên thơ.

Cuộc đời của người lao động gắn liền với biển nên họ yêu | biển biết bao:

Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Biển bao la rộng lớn nhưng cũng rất ân tình như tấm lòng của người mẹ. Đó cảm nhận và là tình cảm chung của ngư dân đối với biển khơi.

Trời đã chuyển dần về sáng: 

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng       
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng       
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông   
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Công việc đánh cá hết sức nặng nhọc, những người dân chài phải thức suốt đêm để làm việc. Kết quả họ thu được là những chùm cá nặng đến “xoăn tay”, nghĩa là phải ráng hết sức mình, cánh tay căng phồng, bắp thịt cuồn cuộn mới kéo lên được những chùm cá ấy. Cách dùng từ của Huy Cận có sức gợi hình cao. Hình ảnh người lao động hiện lên thật trẻ trung, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Khoang thuyền đã đầy ắp cá. Những con cá “vảy bạc đuôi vàng” làm lóe sáng cả rạng đông.

Cuối cùng, đoàn thuyền đánh cá đã trở về: 
Câu hát căng buồm với gió khơi 
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời 
Mặt trời đội biển nhô màu mới 
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Khi ra đi, khi đang đánh cá trên biển và bây giờ khi trở về, người lao động đều cất cao tiếng hát. Tiếng hát hòa quyện vào thiên nhiên, bộc lộ sự hăng say, tinh thần lạc quan, niềm vui đang tràn ngập của những ngư dân. Vui vì kết quả thu được sau một chuyến đi biển là khoang cá đầy ắp, vì họ đang được sống trong cuộc đời mới, được làm chủ biển khơi, làm chủ đất trời. Hình ảnh “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” là một hình ảnh phóng đại, nâng con người lên tầm cao ngang bằng vũ trụ, tạo cho hình ảnh đoàn thuyền đánh cá một vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ. Hình ảnh này còn cho ta thấy được nhịp điệu khẩn trương, khí thể sôi nổi, hào hứng của người lao động đánh cá dù họ phải trải qua một đêm lao động nặng nhọc. Câu thơ cuối đã mở ra một cảnh tượng hết sức tươi sáng “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Sức sống của một ngày mới bừng lên. Đây là một hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống huy hoàng, tươi đẹp của đất nước Việt Nam, của người lao động xây dựng nên cái huy hoàng của Tổ quốc.

Với tài thơ độc đáo và trí tưởng tượng bay bổng, nhà thơ đã sáng tạo ra những hình ảnh thiên nhiên tráng lệ, tạo cho biển cả một vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa lãng mạn lại vừa hùng vĩ. Bài thơ còn là lời ngợi ca vẻ đẹp của người lao động trong công cuộc chinh phục biển khơi và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 12: Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và vẻ đẹp của người lao động được thể hiện trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
Đánh giá bài viết