Đề 12: Cảm nhận về câu ca dao: Ước gì sông rộng một gang – Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi

BÀI LÀM

“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.”

Sinh ra trong một đất nước nhiều sông ngòi, kênh rạch, ca dao Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng theo suy nghĩ, tư duy của con người ở vùng sông nước, trong nội dung cũng như trong hình thức nghệ thuật. Những hình ảnh và chi tiết nghệ thuật có liên quan với sông, cầu, thuyền, bến… xuất hiện khá liên tục trong ca dao của nhiều thời và nhiều vùng khác nhau trong cả nước, từ Bắc chí Nam. Dù trong những lời ca quan họ Bắc Ninh hay trong lời ca hát ví ở Nghệ An, hò Huế, hò giã gạo ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hoặc trong hò Đồng Tháp, hò cấy Gò Công – Nam Bộ, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy những hình ảnh và chi tiết nghệ thuật nói trên. Ví dụ:

“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Gió bay cầu thấp cầu cao
Gió bay cầu nào con chỉ mẹ coi?”

“Qua cầu ghé nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp da sầu bấy nhiêu.”

“Anh về xẻ ván cho dầy
Bắc cầu sông Cái cho thầy mẹ sang.”

“Muốn sang thì bắc cầu kiều.
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”

Ca dao không chỉ nói đến “cầu tre”, “cầu ván”, “cầu đá”, “cầu xây”… là những loại cầu có thực và phổ biến trong cả nước, mà ca dao còn sáng tạo ra cả những loại cầu không có hoặc chưa có trong thực tế như “cầu mồng tơi”, “cầu sợi chỉ”, “cầu cành hồng”, “cầu dải yếm”…

Đây là chiếc cầu “bắc” bằng sợi chỉ ở trong ca dao Nam Bộ:

“Sông cách sông, thủy cách thủy
Em xe sợi chỉ, em bắc cây cầu
Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư.”

“Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh bắc ngon mồng tơi làm cầu.”

“Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.”

Nhưng hay nhất, đẹp nhất, nên thơ và gợi cảm nhất vẫn là chiếc “cầu dải yếm” ở trong câu ca dao từ lâu đã trở thành của chung tất cả mọi miền đất nước:

“Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.” 

Từ “hẹp” ở vế thứ nhất, có dị bản ghi thành từ “rộng”. Nhưng khi đã có một con số, đồng thời cũng là một hình ảnh xác định, cụ thể “một gang” cũng không làm cho bề ngang của dòng sông thay đổi (nghĩa là ở đây từ “rộng” hay từ “hẹp” đều chỉ có một nghĩa, một nội dung thống nhất, là bề ngang của con sông mà thôi).

Người kiến trúc sư vô danh và thiên tài đã thiết kế nên chiếc cầu dải yếm độc đáo này là một cô gái Việt Nam không rõ làng nào, huyện nào, tỉnh nào, nhưng chắc là đã sống cách đây vài thế kỉ. Khi nghĩ ra bản thiết kế này, chắc tác giả đang ở trong độ tuổi mười tám đôi mươi, tình yêu vừa chớm nở, sức tưởng tượng dồi dào phong phú. Chiếc cầu dải yếm không chỉ tồn tại âm thầm trong trí tưởng tượng của tác giả. Nó đã được công bố thành lời trong ca dao mà người đầu tiên được trực tiếp nghe tác giả công bố cũng chính là người yêu của người nữ “kiến trúc sư thiên tài này. Hay nói đúng hơn, chiếc cầu này được nghĩ ra để “bắc” riêng cho một người “sang chơi”. Và nhờ có tình yêu với người ấy mà tác giả mới thiết kế được chiếc cầu tuyệt diệu này.

Có lần nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đặt câu hỏi: “Khi người con gái nói:

“Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”

thì là nói thật hay nói đùa?”.

Tôi nghĩ là người con gái ở đây đã nghĩ thật và nói thật, nhưng là cái thật của ước mơ, khát vọng, chứ không hợp với logic thông thường và rất xa thực tế. Thực tế làm gì có loại sông “hẹp một gang” ấy (?). Và nếu đặt vấn đề như vậy thì trong ca dao còn có biết bao nhiêu điều vô lí khác không thể giải thích được. Rồi những chiếc cầu tưởng tượng rất nên thơ khác ở trong ca dao cổ (như cầu “sợi chỉ”, cầu “mồng tơi”, câu “cành hồng”…) đều là sản phẩm của sự bông đùa, hài hước hay sao? Không, đó là sản phẩm của tư duy, những hình tượng nghiêm túc bắt nguồn từ những khát vọng yêu đương cháy bỏng, chân thành của con người trong độ tuổi yêu đương. Khi yêu cũng như khi say, con người thường thoát li những điều kiện thực tế và suy nghĩ một cách tự do, hồn nhiên theo khát vọng cháy bỏng của trái tim mình. Do đó khi tỉnh hoặc hết yêu, người ta thường ngạc nhiên, khó hiểu với chính bản thân mình. Đó cũng là một điều dễ hiểu.

GS. Hoàng Tiến Tựu – Bình giảng ca dao

Đề 12: Cảm nhận về câu ca dao: Ước gì sông rộng một gang – Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi
Đánh giá bài viết