HƯỚNG DẪN 

– Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài “ngàn năm chưa dễ có một”, là hiện thân cho niềm đam mê sáng tạo Cái Đẹp muôn đời. Ông còn là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả. Là người cương trực, thẳng ngay, không chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu, trước cái giả danh “nhân dân” trước ngu muội và cường quyền, Vũ Như Tô từng chửi mắng tên hôn quân vì cho xây Cửu Trùng Đài để ăn chơi xa xỉ khi dân còn quá nghèo đói. Sau này, ông đã chấp nhận yêu cầu xây Cửu Trùng Đài vì muốn xây dựng cho đất nước một công trình nghìn thu có một, nhân dân hãnh diện (Với ông, Cửu Trùng Đài tượng trưng cho cái đẹp cái cao cả, là giấc mộng lớn). 

– Đan Thiềm là hiện thân của người đam mê Cái Tài, mến mộ người sáng tạo nên Cái Đẹp “tranh tinh xảo với hóa công”. “Bệnh Đan Thiềm” chính là bệnh mê đắm tài hoa siêu việt của người sáng tạo nghệ thuật. Vì quý trọng tài năng của Vũ Như Tô, người cung nữ này sẵn sàng đánh đổi mạng sống để cứu người nghệ sĩ tài ba. Đan Thiềm được tác giả xây dựng bên Vũ Như Tô là để hoàn thành trọn vẹn một tiếng nói tri âm trong nghệ thuật và trong cuộc đời của những người yêu Cái Đẹp. . 

– Ở hồi cuối này, Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều lâm vào trạng thái khủng hoảng với bi kịch là nỗi đau vỡ mộng. Diễn biến tâm trạng mỗi người lại có sự vận động và biểu hiện khác nhau.

+ Đan Thiềm đau đớn nhận ra thất bại của “mộng lớn” (không bảo vệ được cái đẹp); hốt hoảng, đau đớn tột cùng khi Vũ Như Tô không trốn đi dù nàng đã nài nỉ; chấp nhận quên mình để bảo vệ Vũ Như Tô: “Đừng giết ông Cả. Kẻo tướng quân mang hận về muôn đời. Tha cho ông Cả. Tôi xin chịu chết “. Hành động cuối cùng của nàng như là một biểu hiện cao cả nhất của nghĩa cử yêu chuộng người tài, mến mộ Cái Đẹp và phản ứng trước những oan khuất trớ trêu của cuộc đời: “Đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt!”. Nàng không nói “vĩnh biệt ông Ca!” mà mong muốn “cùng ông vĩnh biệt”…

+ Vũ Như Tô, trái lại, vẫn không thể thoát ra khỏi ảo vọng của chính mình. Ông không tin rằng, cái việc cao cả mình làm lại có thể bị xem là tội ác, vẫn tự tin sự quang minh chính đại của mình. Vì thế, sự vỡ mộng của Vũ Như Tô càng đau đớn. Tác giả đã để cho nhân vật bật lên tiếng kêu bị thiết trong âm điệu não nùng nhưng không thiếu chất bi tráng của kẻ sẵn sàng chết vì giấc mộng lớn không thành: “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”.

Có thể thấy rằng, diễn biến tâm trạng của hai nhân vật ở hồi cuối này góp phần thể hiện tính cách bi kịch ở mỗi người cũng như những gì được xem là “đồng bệnh”, “tri âm”, đồng thời qua đó góp phần khơi sâu hơn chủ đề của tác phẩm.

– Thái độ của nhà văn thể hiện qua hai nhân vật Vũ Như Tô – Đan Thiềm là vấn đề không đơn giản, phải xuất phát từ đặc điểm thể loại kịch, từ hình tượng nhân vật (ngôn ngữ, hành trạng, diễn biến, xung đột kịch) và từ sự cảm nhận riêng của mỗi người trong mỗi thời đại, hoàn cảnh khác nhau. Có thể nêu các ý sau:

+ Ca ngợi, cảm phục cái tài của người nghệ sĩ, trân trọng mơ ước sáng tạo, đam mê đến cùng để đóng góp những giá trị lớn lao, siêu việt cho đời.

+ Nghệ thuật không thể đi ngược lại quyền lợi nhân dân, không thể đứng ngoài cuộc đời Cái Đẹp phải đi cùng cái có ích, sự lương thiện, nếu quên điều đó, nghệ sĩ phải trả giá.

+ Trong nghệ thuật và cuộc đời, cần một tiếng nói tri âm, một tấm lòng cao cả.

+ Cảm thông đối với người nghệ sĩ tài năng nhưng phải chịu số phận bi thảm đồng thời chống lại sự ngộ nhận, bạo quyền, sự bột phát không kiềm chế của con người đối với nghệ thuật.

ĐỀ 119: Phân tích tính cách, diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm trong đoạn trích. Thái độ của nhà văn thể hiện qua hai nhân vật này là gì?
Đánh giá bài viết