HƯỚNG DẪN

Vũ Như Tô là một vở bi kịch kiểu bi kịch cổ điển Pháp thế kỉ XVII, với tiêu đề là tên nhân vật trung tâm, với những hồi, những cảnh (lớp) kế tiếp nhau, liên kết với nhau chặt chẽ, với những xung đột đầy kịch tính, và cuối cùng kết thúc bằng những cái chết: vua Lê Tương Dực bị giết chết, hoàng hậu nhảy vào lửa tự vẫn, Nguyễn Vũ tự đâm dao vào cổ chết, Đan Thiềm bị lôi đi xử giao; Vũ Như Tô ra pháp trường.

– Cách diễn tả không khí, nhịp điệu của sự việc: chủ yếu qua các đối thoại, qua âm thanh hậu trường (Ví dụ: tiếng quân reo, tiếng vũ khí). Nhịp điệu được tạo ra thông qua nhịp điệu của lời nói – hành động. Với một ngôn ngữ có tính tổng hợp (kể, miêu tả, bộc lộ…) và tính hành động rất cao như vậy, người ta dễ dàng hình dung ca một không gian bạo lực kinh hoàng trong một nhịp điệu chóng mặt. Nguyễn Huy Tưởng đã tạo nên một không khí mang đậm màu sắc bi kịch: trang nghiệm, thống thiết, căng thẳng, dồn dập.

– Cách dẫn dắt hành động và xung đột. kịch: Một phương diện đặc sắc khác của kịch Nguyễn Huy Tưởng là nghệ thuật tạo dựng và dẫn dắt hành động kịch. Ông liên tục đặt nhân vật của mình vào tình huống bi kịch và dẫn dắt chúng qua các tình huống. Tình huống trước làm nảy sinh xung đột, những xung đột này lại làm nảy sinh mâu thuẫn mới xô đẩy nhân vật vào những tình huống mới… Vì vậy, hành động trong kịch Vũ Như Tô diễn ra như một chuỗi những mâu thuẫn và xung đột căng thẳng, khẩn trương, cuồn cuộn như cơn gió lốc để chúng đối đầu với những tình huống ấy và còn đối địch lẫn nhau. Trong hồi V, chúng ta có thể thấy rõ điều đó: Nghe tin có biến, Đan Thiềm hốt hoảng đến giục Vũ Như Tô bỏ trốn, nhưng Vũ Như Tô kiên quyết chối từ (lớp 1); Nguyễn Vũ xuất hiện (lớp 2), Lê Trung Mại (lớp 3) và bọn nội gián xuất hiện (lớp 4) cứ mỗi nhân vật mới xuất hiện ở mỗi lớp kịch lại càng dây tình huống nguy cấp với Vũ Như Tô lên thêm một bước. Cuối cùng, xung đột nhỏ (giữa đám cung nữ và Đan Thiềm), và xung đột lớn (giữa Vũ Như Tô và quan quân Trịnh Duy Sản) được đẩy đến cao trào nghẹt thở, dẫn đến cái chết của các nhân vật chính (Vũ Như Tô, Đan Thiềm và Cửu Trùng Đài – nếu có thể coi Cửu Trùng Đài cũng là một nhân vật đặc biệt).

– Cách chia lớp: theo sự xuất hiện của nhân vật mới (tác nhân mới), sự gia tăng của hành động và xung đột kịch.

– Ngôn ngữ kịch: được Nguyễn Huy Tưởng chọn lọc và kì công xây dựng, rất phù hợp với không khí một vở bi kịch lịch sử: cổ kính, trang nghiêm, bị thiết, trầm hùng. Lớp từ mang tính thời đại” được chọn lọc và tuyển lựa rất kĩ: “thần nhân”, “man di”, “đa tạ”, “tri ngộ”, “lão thần”, “tham quyền cố vị”.

Những đối thoại mang sắc thái của những đoạn văn biền ngẫu thời trung đại. “Vua xa xỉ là vì ông, công khí hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán giận là vì ông, thân nhân trách móc là vì ông”, “tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài…” cũng được tính toán khá kĩ lưỡng. Đặc biệt, ngôn ngữ kịch Vũ Như Tô được “cá tính hóa” khá rõ nét. Vũ Như Tô, Đan Thiềm – những “kẻ si”, những người có nhân cách và trí tuệ lớn thì ngôn ngữ cũng trang trọng, hàm súc, giàu tính biểu tượng: “Xin đa tạ tấm lòng tri kỷ. Đan Thiêm, xin cùng bà vĩnh biệt!… Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một đài vĩ đại để tạ lòng tri kỷ”, “Ôi mộng lớn? Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài” (Vũ Như Tô); “Tôi nói thế không hổ với quỷ thần hai vai, không hổ với thanh thiên bạch nhật”, “ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa” (Đan Thiềm)… Ngôn ngữ của Ngô Hạch (chỉ huy loạn quân) thì bặm trợn, uy hiếp “Dẫn nó ra pháp trường!”, “Rõ quân ngu muội! Đến đầu mày chả chắc…”. Bên cạnh đó, đám cung nữ và loạn quân thì ngôn ngữ lại thông tục, xô bồ “Câm ngay đi. Quân điên rồ, câm ngay đi không chúng ông vả vỡ miệng bây giờ”, “Kẻ hay xúc xiểm vua là ả kia”…

ĐỀ 113: Nghệ thuật thể hiện và đặc sắc ngôn ngữ trong hồi V.
Đánh giá bài viết