Đề 110 – Ngày trước, trong cách xử thế, có người cho rằng: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Em có tán thành cách xử thế đó không? Vì sao?

BÀI LÀM

Hưởng thụ và cống hiến là hai vấn đề được mọi người quan tâm trong xã hội hiện nay. Cần phải chọn cách sống như thế nào cho đúng? Đó là câu hỏi luôn dằn vặt trong lứa tuổi thanh niên chúng ta. Ta phải sống phục vụ cho mọi người hay sống và xử thế như quan niệm của người xưa:

“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” .

Chúng ta phải giải quyết và chọn cách xử thế như thế nào cho phù hợp.

Câu tục ngữ là lời phê phán gián tiếp thái độ của những người khi đi ăn cỗ thì đến trước để được ăn trước. Họ muốn hưởng cái ngon trước người khác. Nhưng khi lội nước, khi đối mặt với khó khăn, nguy hiểm những người đó lại đi sau mọi người để tránh nguy hiểm, để đỡ nhọc nhằn. Mặt khác, câu tục ngữ còn mang ý nghĩa phê phán cách xử thế của con người trong cuộc sống. Đó là những người mà khi hưởng quyền lợi thì luôn đến nhanh nhất, trước nhất để giành phần hơn. Nhưng khi cần cống hiến thì họ chính là người tụt lại sau cùng. Câu tục ngữ đã nêu rõ cách xử thế trước hai vấn đề: hưởng thụ và cống hiến.

“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” rõ ràng đây là lời phê phán chứ không phải là lời răn dạy như những câu tục ngữ khác. Đó là lời mỉa mai chỉ trích gián tiếp thái độ xử thế của hạng người khôn ranh trong xã hội: Hưởng thụ thì giành phần trước, còn đối với nhiệm vụ khó khăn thì nhụt chí, lùi bước. Lối sống đó cần phải được phê phán mạnh mẽ, vì đó không phải là một lối sống đẹp. Họ đã lấy cá nhân mình làm điểm xuất phát, không nghĩ gì đến người khác. Đó là những hạng người ích kỉ, tư cách hèn kém, đáng để cho chúng ta chỉ trích, phê phán. Đối với nhiệm vụ, vấn đề sống phải cống hiến thì họ là những con người hèn yếu. Trước những công việc khó khăn thì trốn tránh trách nhiệm, lùi bước, sợ gian nan, sợ nguy hiểm. Họ đúng là loại người thấp kém:

“Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm”.

Và nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai? Thử hỏi trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nếu chỉ toàn những kẻ lo đi trước khi ăn cỗ và đi sau khi lội nước thì non sông gấm vóc giờ sẽ ra sao?

Bước sang thời kỳ đổi mới cũng vậy. Không có những con người dám lội nước trước, ăn cỗ sau, lo trước cái lo của mọi người, vui sau cái vui của thiên hạ thì làm sao chúng ta có thể tự hào về thành tựu phát triển đất nước? Nhưng không chỉ số ít ấy lội nước trước mãi. Hiện nay, đất nước ta đang từng bước khắc phục nền kinh tế khó khăn, tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Tất cả mọi người dân phải đồng lòng đồng sức, đoàn kết lao động để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đặt trường hợp nếu ai cũng giữ thái độ “lội nước theo sau” thì xã hội bao giờ mới tiến bộ, đất nước bao giờ mới ấm no, hạnh phúc? Những kẻ chọn cách xử thế trên là những người cá nhân ích kỉ lần lượt họ sẽ bị xã hội loại trừ.

Muốn xây dựng thái độ xử thế đúng đắn, bản thân chúng ta phải hiểu rằng mỗi người là một thành viên của tập thể của xã hội. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm góp sức, góp công xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Bản thân của mỗi người công dân phải hiểu và thực hiện theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa: “Mỗi người vì mọi người, mỗi người vì mỗi người” Đặc biệt, đối với những cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong cách xử thế họ phải là những người luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu phục vụ nhân dân. Là người cán bộ lãnh đạo thì họ phải biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” chớ không thể nào “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau.”

Tóm lại, hai quan điểm “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” và “lo trước | thiên hạ, vui sau thiên hạ” là hai quan niệm đối lập nhau. Ta không thể tán thành lối sống ích kỉ trong câu tục ngữ, Chúng ta cần phải phê phán thái độ sống ích kỉ, cá nhân, vụ lợi mà nên xây dựng, ca ngợi lối sống đẹp, đầy ý nghĩa. Sống vì mọi người, vì nhân dân và vì Tổ quốc luôn là người biết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Đề 110 – Ngày trước, trong cách xử thế, có người cho rằng: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Em có tán thành cách xử thế đó không? Vì sao?
5 (100%) 1 vote