Câu 1: Trình bày những nét chính về tác giả Chính Hữu và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí.

Câu 2: Thế nào là cách dẫn trực tiếp? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 3: Giải thích ý nghĩa thành ngữ sau và cho biết thành ngữ có liên quan đến phương châm hội thoại nào:

– Nói như đấm vào tai

Câu 4: “Đoạn thơ Chị em Thuý Kiều sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc hoạ rõ nét chân dung chị em Thuý Kiều. Ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người.” (Ngữ văn 9, tập một, trang 83).

Phân tích đoạn trích để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: a) Những nét chính về tác giả Chính Hữu:

– Tên khai sinh của ông là Trần Đình Đức, bút danh là Chính Hữu.

– Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1926.

– Quê: huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. – Trước Cách mạng tháng Tám, ông học trung học ở Hà Nội.

– 1946: ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô. Ông hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

– Ông bắt đầu làm thơ từ năm 1947. Đề tài: người lính và chiến tranh.

– Tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ Đầu súng trăng treo.

– Năm 2000: ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

b) Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí:

Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

Câu 2: Thế nào là cách dẫn trực tiếp? Cho ví dụ minh hoạ.

– Dẫn trực tiếp là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.

– Ví dụ: Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: “Cái vườn là của con ta. hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tấu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả…”.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Câu 3: – Nói như đấm vào tai:

– Ý nghĩa: nói mạnh, trái ý người khác, khó tiếp thu, gây khó chịu cho người khác.

– Phương châm hội thoại liên quan: phương châm lịch sự.

Câu 4: Phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều.

1. Đặt vấn đề Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

– Truyện Kiều là kiệt tác văn học, kết tinh giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và thành tựu tiêu biểu của Nguyễn Du cũng như thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của văn học dân tộc.

– Đoạn trích nằm ở phần mở đầu tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Thuý Kiều. Trong đoạn trích này, tác giả tập trung miêu tả tài, sắc của Thuý Kiều và Thuý Vân.

– Nhờ tài chọn lọc, sắp xếp các chi tiết, các hình ảnh miêu tả mà mỗi nhân vật có một vẻ đẹp riêng, sinh động, hấp dẫn. Kim Trọng với “Phong lưu tài mạo tốt vời”. Từ Hải với “Râu hùm hàn én mày ngài”. Mã Giám Sinh với “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”,…

– Phân tích đoạn trích chúng ta sẽ thấy được những nét riêng về nhan sắc, về tài năng, tính cách, số phận của Thuý Kiều, Thuý Vân. 2. Giải quyết vấn đề

a) Giới thiệu khái quát về hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân

– Thuý Kiều và Thuý Vân là hai chị em: “Đầu lòng hai ả tố nga”. Tác giả dùng từ tố nga để khẳng định Kiều và Vân là hai cô gái đẹp.

– Lời giới thiệu của Nguyễn Du cũng chính là một lời ca ngợi :

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Bằng bút pháp ước lệ, tác giả đã gợi lên vẻ đẹp thanh cao, trong trắng của người thiếu nữ. Dáng vẻ thanh tú như cành mai, trong trắng, thanh khiết như tuyết. Đặc biệt bằng cụm từ “mười phân vẹn mười”, tác giả đã khẳng định vẻ đẹp hoàn mĩ của hai nàng. Vẻ đẹp ấy thật hoàn hảo, thật hơn người. Cách giới thiệu như vậy càng gây cho ta sự tò mò, thích thú, chờ đợi.

b) Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Vân (4 câu tiếp)

– Câu mở đầu vừa giới thiệu vừa khái quát đặc điểm của nhân vật:

Vân xem trang trọng khác vời

Hai chữ “trang trọng” nói lên vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thuý Vân.

– Vẻ đẹp trang trọng, đoan trang của người thiếu nữ được so sánh với những thứ cao đẹp trên đời: trắng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên có vẻ đẹp đặc biệt, trong trắng, tinh khiết, rực rỡ để miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân. Khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Nụ cười tươi như hoa. Giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngà ngọc. Làn tóc mềm mại, thướt tha đẹp hơn mây trời. Màu trắng của tuyết đặt bên màu da của Vân vẫn còn thua bởi da của Thuý Vân không chỉ trắng, mịn màng như tuyết mà còn có cả sức sống tràn trề của người con gái bước vào tuổi dậy thì.

+ Bằng biện pháp nghệ thuật so sánh ẩn dụ, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp trung thực, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ. Chân dung của Thuý Vân là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Vân tạo sự êm đềm hoà hợp với xung quanh. “Mây thua”, “tuyết nhường” nên nàng sẽ có cuộc đời suôn sẻ.

c) Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Kiều (12 câu tiếp)

– Câu thơ đầu khái quát vẻ đẹp của Thuý Kiều: “Kiều càng sắc sảo, mặn mà”. Nàng “sắc sảo” về trí tuệ và “mặn mà” về mặt tâm hồn.

– Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Kiều, tác giả vẫn dùng những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thuỷ” (nước mùa thu), “xuân sơn” (núi mùa xuân), hoa, liễu. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về một giai nhân tuyệt thế. Điều đáng nói ở đây là khi hoạ bức chân dung Kiều, tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt. Bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Cái “sắc sảo” của trí tuệ, cái “mặn mà” của tâm hồn đều liên quan tới đôi mắt. Hình ảnh ước lệ “làn thu thuỷ” – làn nước mùa thu gợn sóng gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt,… Còn hình ảnh ước lệ “nét xuân sơn” – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.

– Khi tả Thuý Vân, tác giả chủ yếu gợi tả nhan sắc mà không thể hiện cái tài, cái tình của nàng. Nhưng khi tả Kiều, tác giả chỉ dành một phần để tả về sắc, còn dành hai phần để gợi tả tài năng. Tài của Kiều lạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), hoạ (vẽ). Đặc biệt, tài đàn của nàng đã là sở trường năng khiếu bẩm sinh “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Từ “ăn đứt” có tác dụng khẳng định sự vượt trội của Thuý Kiều trong việc tài đàn so với mọi người. Cực tả tài đàn của Kiều cũng là để ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn bạc mệnh mà Kiều tự sáng tác chính là ghi lại tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.

– Khi tả Thuý Vân, tác giả chỉ dùng từ “thua”, “nhường” để so sánh vẻ đẹp của thiên nhiên với vẻ đẹp của Vân. Nhưng miêu tả Thuý Kiều, tác giả dùng những từ chỉ mức độ cao hơn “ghen”, “hờn”. Điều đó cho ta thấy, trước vẻ đẹp tuyệt vời của Thuý Kiều, thiên nhiên cũng phải ghen, phải hờn giận.

– Vẻ đẹp của Thuý Kiều là sự kết hợp của cả sắc – tài – tình. Cao hơn nữa, tác giả đã dùng câu thành ngữ “nghiêng nước nghiêng thành” để cực tả vẻ đẹp của Thuý Kiều.

– Chân dung của Thuý Kiều cũng là chân dung mang tính cách, số phận. Vẻ đẹp của Thuý Kiều làm cho tạo hoá phải ghét ghen, các vẻ đẹp khác phải đố kị, nên số phận nàng sẽ éo le, đau khổ.

– Tác giả chỉ dùng bốn câu thơ để miêu tả Thuý Vân nhưng đã dùng tới 12 câu để miêu tả Thuý Kiều. Vẻ đẹp của Thuý Vân chủ yếu là vẻ đẹp về ngoại hình. Còn vẻ đẹp của Thuý Kiều là vẻ đẹp của cả nhan sắc, tài năng và tâm hồn.

3. Kết thúc vấn đề

– Qua phân tích đoạn trích, ta thấy tác giả đã đề cao những giá trị của con người. Gợi tả tài sắc chị em Thuý Kiều, Nguyễn Du đã trân trọng đề cao vẻ đẹp của con người, một vẻ đẹp toàn vẹn, “mười phân vẹn mười”.

– Nghệ thuật lí tưởng hoá hoàn toàn phù hợp với cảm hứng ngưỡng mộ, ngợi ca con người.

– Đoạn trích là một trong những đoạn hay nhất của tác phẩm được nhiều người yêu thích và học thuộc. Ngôn ngữ giàu cảm xúc. Tác giả vận dụng một cách linh hoạt các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hoá,… làm cho những vần thơ ước lệ mà trữ tình, đầy chất thơ.

 

ĐỀ 11 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết