Đề 101 – Nhận thức về quê hương qua câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

BÀI LÀM

Quê hương! Hai tiếng gọi tha thiết thân quen đã đi sâu vào lòng ta từ những ngày bé thơ. Quê hương mãi mãi sẽ là niềm tự hào to lớn của mỗi người dân. Câu ca dao:

“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

đã biểu hiện được sâu sắc niềm tự hào đó của dân tộc Việt Nam. Nhưng trong xã hội ngày nay, câu ca dao ấy được hiểu và làm như thế nào?

“Ao ta” đó chính là cái ao thật thân quen và gần gũi, cái ao mà do chính ta đã bỏ công sức để tạo ra hoặc do ông bà để lại và nó thuộc chủ quyền của ta.

Cho dù ao ta có “đục” hay có “trong”, sâu hay cạn, ta vẫn cảm thấy thoải mái, tự hào khi được tự do lặn ngụp trong nước mát đó. Nói đến “cái ao” nhân dân ta muốn đề cập đến những gì thân thuộc của quê hương xứ sở, đến những di sản văn hoá dân tộc về mọi mặt kinh tế nghệ thuật, xã hội… do chính con người Việt Nam ta tạo dựng nên. Bởi thế phải gắn bó và sử dụng, trân trọng và giữ gìn chúng, đó chính là điều câu ca dao muốn đề cập đến. Vấn đề đặt ra trong câu ca dao như vậy có đúng không?

“Ao ta” chính là quê hương ta, đất nước ta. Đó là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi đã nuôi ta khôn lớn thành người. Quê hương đã đi vào lòng ta, thấm vào tim óc ta bằng thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó. Trong quê hương ấy có cả một lịch sử oai hùng, có biết bao anh hùng hi sinh nằm xuống từ thế hệ này đến thế hệ khác, tiếp nối nhau… Trong quê hương ấy có cả một thời vàng son huy hoàng của cha ông… mà tổ tiên đã giữ gìn và để lại cho ta. Những di sản ấy được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của cha ông. Đó là di sản được tập trung bằng những tinh hoa của sông núi, của con người Việt Nam. Vì thế nên những di sản quý giá vô ngần, ta phải trân trọng và giữ gìn nó. Do vậy, thái độ đề cao di sản văn hoá dân tộc chính là một thái độ đúng đắn và cần thiết đối với mỗi chúng ta.

“Ao nhà vẫn hơn” ý thơ chứa chan tình yêu quê hương vốn có ở mỗi con người. Thế nhưng nước ao “đục” ta có sử dụng được không? Ta cũng biết nước ao sạch, trong, mới giúp cho sinh hoạt của con người được thoải mái nên nước ao đục thì ta không sử dụng được. Từ hình ảnh này ta liên tưởng đến một số phong tục, nét sinh hoạt của dân tộc không còn phù hợp nữa hay nói đúng hơn nó đã lỗi thời vì theo thời gian đã trở thành cổ xưa. Trong trường hợp ấy nếu ta cứ khư khư bảo thủ, chấp nhận “cái ao đục” tức là ta chấp nhận cuộc sống lạc hậu, thiếu văn hoá, nghèo nàn. Trong khi các nước quanh ta đang tiến bộ không ngừng mà ta thì trì trệ thì thử hỏi làm sao sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dạy? Liệu ta có còn xứng đáng là con cháu của Bác nữa không? Tất nhiên là ta phải mạnh dạn nghiên cứu, học tập cách làm theo kiểu “ao người khác”, có nghĩa là ta phải tiếp nhận những cái hay, học hỏi những cái văn minh, tiến bộ của người khác, để sửa sang tu bổ lại cho bao nhà” được trong hơn, đẹp hơn. Nhất là trong tình hình hiện nay đất nước ta đang thời mở cửa, khi việc trao đổi thông tin, giao lưu văn hoá giữa các nước thì câu ca dao trên cần được suy ngẫm, nếu không dễ dẫn tới tư tưởng an phận, đóng cửa” một cách hẹp hòi. Ta không thể bằng lòng và tự mãn về “ao nhà vẫn hơn” mà phải có những hành động cụ thể, thiết thực để đưa nước nhà tiến lên cùng thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là ta phải quên hết cội nguồn và những bản sắc tốt đẹp của dân tộc, quê hương hoặc thay đổi những gì ta đã có hoặc thu nhận một cách bừa bãi để chạy theo kịp thời đại mới. Ta phải sáng suốt để phân biệt chọn lọc những cái hay, cái đẹp của người nước ngoài rồi sáng tạo cho phù hợp với đất nước với con người Việt Nam. Có được như vậy thì nền kinh tế của ta mới mau chóng phát triển, đời sống của người dân mới được nâng cao.

Nói tóm lại, khi còn trong quá khứ, câu ca dao trên là lời khuyên, là ý thức để đưa ta trở về cội nguồn của cha ông. Để thúc đẩy tình hình đất nước hiện nay, câu ca dao vừa góp phần giữ vững nền kinh tế nước nhà, bảo vệ hữu hiệu di sản văn hoá dân tộc vừa giúp ta mạnh dạn giang tay đón nhận những cái hay, cái văn minh tiến bộ của nước ngoài vào nhưng cũng không quên phát huy sức mạnh bên trong của đất nước. Đó là điều mỗi chúng ta cần quan tâm, lưu ý.

Đề 101 – Nhận thức về quê hương qua câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Đánh giá bài viết