HƯỚNG DẪN 

I. CHÙM THƠ THU

Nguyễn Khuyến được gọi là Nhà thơ của quê hương, làng cảnh Việt Nam (Xuân Diệu), trong đó chùm thơ thu của ông đã trở thành một hiện tượng độc đáo trong nền thơ ca Việt Nam trung đại. Cả ba bài thơ đều được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú, cùng hướng cảm xúc đến mùa thu nông thôn Bắc Bộ nhưng mỗi bài là một nét thu, tình thu.

Trong Thu vịnh, ông là một nhà thơ nhạy cảm, trong Thu điếu, ông là một người câu cá đầy tâm trạng, trong Thu ẩm ông lại hoá thân trong hình ảnh một người uống rượu cảm thu. Bức tranh thu trong Thu vịnh được phác hoạ với không gian trên cao thoáng đãng, rộng mở (trời thu xanh ngắt) và không gian tầng thấp (Nước biếc trông như tầng khói phủ). Cả một không gian thu được bao quát trong sắc màu thu (trời xanh ngắt, nước biếc như khói phủ, trăng thu, sắc hoa năm ngoái ); âm thanh thu (ngỗng nước nào); vẻ đẹp mùa thu hiện lên trong nhiều điểm thời gian khác nhau (ngày, đêm), tác giả thể hiện tâm sự của một nhân cách lớn (thẹn với ông Đào…). Cũng là ngõ thu, giậu thu, khói thu, ao thu, trời xanh ngắt… nhưng trong Thu ẩm còn có hình ảnh con người say rượu. Chỉ dăm ba chén, tâm tư đã nhoà nhạt vào cảnh vật. Tự nhận rằng đã say nhè nhưng thực chất nhà thơ không thể say được, một chút tâm trạng đã được mượn rượu để giãi bày.

Ba bài thơ thu đều đậm đà sắc màu vàng cảnh Việt Nam, hình tượng và ngôn ngữ thơ tinh luyện mà giản dị, cách gieo vần tài tình, luật thơ được sử dụng rất chuẩn. Qua những bức tranh thu, Nguyễn Khuyến thể hiện tâm sự của một con người có nhân cách cao cả, về ở ẩn rồi vẫn còn đây một nỗi niềm.

II. CÂU CÁ MÙA THU (THU ĐIẾU)

Thu điếu nằm trong chùm thơ mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, bài thơ mượn chuyện câu cá để thể hiện cảnh thu, tình thu.

– Hai câu đề: Nhà thơ đã tạo được một không gian thu đầy trong trẻo và tĩnh lặng nhờ vẫn có được sử dụng một cách hợp lí ngay từ hai câu đầu (leo, veo, tẻo teo). Hình ảnh Chiếc thuyền câu bé tẻo teo không phá đi gam màu chủ đạo của ao thu: lạnh, tĩnh lặng và trong suốt. Cảm xúc của toàn bài đã được mở với bức tranh thu hướng đến cái thanh tĩnh.

– Hai câu thực: Sóng biếc theo làn hơi gợn tí – Lá vàng trước gió khẽ dựa vèo là sự quan sát thật tài tình của nhà thơ. Nghệ thuật đối được sử dụng rất chuẩn ở hai câu thơ này (sóng biếc – lá vàng; hơi gợn tí – khẽ đưa vèo). Sóng và lá ở đây được nhìn trong trạng thái động, nhưng cái động đó không đủ để làm mất đi sự tĩnh lặng của ao thu, khí thu, ngược lại còn làm tăng thêm cái tĩnh lặng gần như tuyệt đối cho bức tranh thu. Nhà thơ dùng động để nói tĩnh, có thật tĩnh lặng mới cảm nhận ra được cái gợn tí của sóng và cái đưa vèo rất khẽ của chiếc lá.

– Hai câu luận: Hướng tới không gian được mở cả chiều cao (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt) và chiều rộng, sâu (Ngõ trúc quanh co khách vắng teo). Sắc màu xanh ngắt của trời thu và cái tĩnh lặng của ngõ quanh co bao quát cả một không gian rộng lớn mà tĩnh lặng tuyệt đối.

– Hai câu kết: Không gian ấy thật phù hợp để xuất hiện hình ảnh người đi câu cá hòa cùng không gian tĩnh, ngưng đọng là hình ảnh con người đầy tâm trạng: Tựa gối buông cần lâu chẳng được. Cái dáng diệu tựa gối buông cần ấy đầy sức gợi. Hình ảnh con người làm đậm thêm cái không khí tĩnh lặng của ao thu, trời thu, ngõ thu, hơn thế nữa, nó còn gợi một chiều sâu tâm trạng khó giãi bày.

Thế giới nội tâm ấy càng được khẳng định khi người đi câu không chờ cá cắn câu mà như để hết cả hồn mình vào cảnh thu yên tĩnh. Không cần phải lí giải một cách kĩ lưỡng tại sao Nguyễn Khuyến không màng đến việc câu cá, hai câu kết mở ra một thế giới tâm trạng bằng cái dáng ngồi ưu tư của người đi câu trong không gian tĩnh mịch tuyệt đối. Chắc chắn tâm sự chất chứa trong Thu điếu có sự gặp gỡ đồng điệu với nhiều bài thơ khác của ông, đó là tâm sự của một người đã từ quan về ở ẩn, vui thú với làng quê nhưng chưa bao giờ có một phút thanh thản.

ĐẾ 101: Cảm nhận bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến.
Đánh giá bài viết