BÀI LÀM

– Này này, bà có thôi nói về mình đi không hả? Nếu bà muốn đoạt giải trong kì thi “The most wanted” của trường thì nên chú trọng đến những vấn đề xã hội, cộng đồng, nhà trường hay đoàn thanh niên hơn chứ?

– Hứ, sai bét. Cái đó cổ lỗ sĩ rồi bà ơi. Bà không thấy người ta đang nói đến “cá tính hoá cá nhân” ầm ầm lên đấy sao?…

Đó là câu chuyện đã cách đây một năm. Lúc đó tôi không thể hiểu nổi cái “cá tính hoá cá nhân” mà lớp trưởng muốn nói là cái gì. Nhưng sau một năm, bây giờ tôi lại muốn vặn vẹo, sinh sự với những từ này.

“Cá tính hoá cá nhân” là xu hướng muốn khẳng định, thể hiện cá tính riêng biệt của bản thân mình. Đây là một hiện tượng rất phổ biến trong các thế hệ 8X, 9X ngày nay. Ngược dòng thời gian ta có thể bắt gặp những cái “tôi dám khẳng định mình như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… của thơ ca trung đại hay Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… trong phong trào Thơ mới. Bằng tấm lòng và tài năng, họ đã để lại những tác phẩm mang đậm phong cách cá nhân đồng thời là những gương mặt tiêu biểu, nổi bật trên văn đàn Việt Nam.

Ngày nay, càng có nhiều học sinh dám nói lên những suy nghĩ về thế giới, xã hội. Các em không âm thầm chịu đựng mà luôn đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình, tự do thể hiện con người, lối sống. Các em không bị gò bó theo lối cũ, những nguyên tắc, luật lệ hà khắc, càng không phải bắt chước một ai mà tự làm nên thương hiệu mang tên – “of me!” – một dạng nhật kí mạng được thế hệ trẻ ưa chuộng. Đó là nơi giao lưu, trò chuyện, gặp gỡ, tâm sự phổ biến nhất bây giờ. Ở đó ta bắt gặp không ít những gương mặt nổi bật. Trong thế giới mạng, không ai là không biết đến những trang blog đầy cảm xúc của Trang Hạ, Tào Đình hay những dòng tâm sự chân thực, dí dỏm, ngộ nghĩnh của Joe. Tôi cũng có một người bạn mà blog của anh chỉ toàn entry viết không quá 10 chữ nhưng lại có rất nhiều comment. Blog vừa là nơi nêu lên những suy nghĩ của mình đồng thời cũng là nơi thể hiện cá tính. Bao niềm vui, nỗi buồn, bao giận hờn hay những tình cảm mới lớn đều được viết trên blog với một ngôn ngữ, giọng điệu riêng. Bên cạnh đó, blog còn là nơi để các bạn có thể thoả sức thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách tạo theme, lập hình nền, là nơi post ảnh, tạo style, làm thơ hoặc viết văn…

Mới nhìn qua tưởng như “cá tính hoá cá nhân” chỉ toàn những ưu điểm vượt trội. Nhưng ít ai nhận ra đằng sau vẻ hào nhoáng đó là những tình cảm không – thể – giải – thoát, Hoài Thanh từng viết: “Thơ cũ là thời của chữ ta, còn Thơ mới là thời của chữ tôi”. Chính vì vậy mà: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh”. “Cá tính hoá cá nhân” cũng vậy, con người ta khi tách ra khỏi cộng đồng, xã hội để tự khẳng định cái tôi, cái cá nhân rồi sẽ có lúc tự cảm thấy cô đơn lẻ loi với cái tôi ấy. Khi mà cái tôi được đưa lên cao độ thì cũng chính là lúc lạc lõng, bơ vơ nhất. Khi mà ai cũng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, tự đề cao mình thì một lúc nào đó sẽ nhận ra bên cạnh không còn đến một người bạn để sẻ chia, giúp đỡ. Trong một lớp học, ai cũng muốn thể hiện mình hơn người khác thế là chia bè, chia phái, tách nhóm gây mất đoàn kết. Họ tưởng là được nâng cao hơn nhưng thực chất là đang thu mình càng sâu hơn trong cái vỏ ốc tự tạo. Nguyễn Ngọc Tư – nhà văn trẻ nổi tiếng với thể loại truyện ngắn đang được mọi người yêu mến đã viết như thế này: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghẹt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời… Lúc ấy, tôi có một cảm giác kì lạ, chỉ mình trên đời này, chỉ một mình… Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…”.

Tóm lại, “cá tính hoá cá nhân” là xu hướng đi lên tất yếu của toàn nhân loại. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ. Theo tôi mỗi người trong xã hội này như một mảnh ghép của cuộc sống. Nếu ai cũng cùng một màu thì bức tranh sẽ vô cùng nhạt nhẽo và vô vị. Những bức tranh cuộc sống sẽ vô cùng tươi đẹp nếu mỗi mảnh ghép có một màu sắc khác nhau và biết ghép vào với nhau một cách hoàn chỉnh nhất.

ĐỀ 10: Một hiện tượng xã hội khiến em quan tâm.
Đánh giá bài viết