BÀI LÀM

Trong ngần ấy trang truyện, tác giả dành phần lớn để miêu tả hai cuộc trò chuyện của lão Hạc với ông giáo. Lần thứ nhất lão toan tính bán “cậu Vàng”, và lần thứ hai – ngay ngày hôm sau khi bán cậu Vàng, lão sang nhờ ông giáo giữ mảnh vườn cho con và gửi số tiền 30 đồng để nếu lão có mệnh hệ nào thì nhờ người làm ma cho lão. Trong những trò chuyện ấy, chủ yếu lão đi tìm lời giải đáp cho những bài tính của đời mình. Tuổi già cô quạnh, lủi thủi sớm khuya, có “cậu Vàng” làm bạn, kể cũng khuây khỏa được ít nhiều. Vả lại, đây là con chó: “của cháu nó…Nó mua về nuôi, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt…”. Cho nên, sự hiện diện của con chó trong nhà không chỉ là vật nhân tình – cho bầu bạn tinh thần với lão, mà còn là vật gợi nhớ về đứa con tha hương cùng với nỗi giày vò về trách nhiệm làm cha chưa tròn của lão. Thế nhưng, đặt lên bàn cân mà tính, thì thấy miếng ăn của chó có khi còn tốn hơn cả miếng ăn của lão. Mà nhà lão thì đã cạn kiệt cả rồi, lão phải đi lần hồi làm thuê kiếm sống vẫn không đủ ăn. Sau trận ốm, lão không còn đủ sức đi làm thuê được nữa, hoa màu trong vườn thì bị bão phá sạch không còn mảy may chút gì để bán ra tiền.

Trong khi đó, cả khẩu phần của lão và con chó cộng lại cứ ít nhất mỗi ngày cũng tốn ba hào gạo mà “vẫn còn đói đeo đói dắt”. Để bán được tiền khi mà con chó còn chưa gầy sút, thì tốt nhất là phải “bán phắt” đi sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhất là bán đi chí ít cũng bớt được một khẩu phần trong nhà. Càng phải tiêu ít, càng ăn ít thì càng đỡ tốn kém mong còn dành dụm được chút tiền cho đứa con trai đi phu một ngày nào đó sẽ về. Thế là lão toan tính mãi, dằn vặt mãi, do dự mãi, rồi cuối cùng lão quyết gọi người đến bán. Tuy được tiền mà lại đỡ phải nuôi đấy… nhưng hỡi ôi, lão đã cam lòng đứt ruột đẩy “cậu Vàng” tình nghĩa bấy lâu nay vào chỗ chết. Bán đi rồi, tức là con vật thân tình, con vật gợi nhớ thì đã mất, mà nỗi nhớ, nỗi giày vò thì vẫn đang còn bầm đỏ. Hóa ra trong cuộc bán chác này, cái được chẳng đáng là bao, mà cái mất thì không kể xiết. Thế nên, lão đã vật ra khóc thương con chó, tự thấy mình tệ bạc với con chó, nỡ “đánh lừa một con chó”, rồi “lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước (…) Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão nếu như con nít. Lão hu hu khóc…” Lão thương con chó và thương thân, thấy tủi cho cái kiếp sống khốn khổ của mình. Phải là một tâm hồn giàu tình thương cảm, biết nâng niu sự sống và một nhân cách thật trong sáng mới có thể biết ăn năn, hối lỗi ngay cả với con vật nuôi như thế. Và hơn thế, lão thương và lo cho đứa con trai thì đã hẳn rồi, nhưng lão luôn mang một mặc cảm giày vò: phận làm cho không lo nổi cho đứa con để nó phần chí bỏ đi phu, rồi lão cũng lại cảm thấy mình sẽ có tội với người vợ đã khuất nếu chẳng may không giữ được mảnh vườn cho con lão. Để tiến tới quyết định bán chó, lão Hạc đã phải trải qua bao mối nghĩ ngợi, toan tính ngổn ngang. Cuối cùng thì lão phải bán, bán để rồi còn suy tính tiếp cho đường đi nước bước của phận mình. Dẫu sao, cuộc lựa chọn lần thứ nhất cũng đã hoàn thành: lão buộc lòng bán chó. Nhưng đến đây chưa phải là hết. Cuộc lựa chọn đầu tiên này chỉ làm tiền đề cho một cuộc lựa chọn tiếp theo dữ dội hơn, khốc liệt hơn. Sau khi bán xong con chó được năm đồng, lão tiến hành một bài tính: cả gia sản cơ nghiệp chỉ còn cả thảy ba mươi đồng và một mảnh vườn, vậy cứ ăn dần ăn mòn vào số tiền này thì liệu mảnh vườn kia có dám chắc là giữ được không? Và rồi sau này đến khi nhắm mắt xuôi tay, liệu lấy gì mà lo đám ma? Để mất mảnh vườn là không thể được, còn khi chết lại phiền dân làng lo hộ thì “chết không nhắm mắt” được. Cho nên dứt khoát lão phải gửi ba mươi đồng kia và giữ mảnh vườn kia, tiền thì dành cho đám ma, vườn thì dành cho con. Xong xuôi đâu đấy rồi, lão đã chấp nhận một đời sống phải nói là cực khổ, ép xác, chịu đựng một cách kiên gan và cao ngạo: lão “chế tạo được món gì ăn món ấy”. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc”, và lão “từ chối một cách gần như là hách dịcho tất cả những gì dù là nhỏ của ông giáo đem cho. Sau cùng lão tìm đến bả chuột để rồi… tự tử, nghĩa là lão đã dùng cái chết để kết thúc cuộc đời mình. Đến đây ta mới hiểu vì sao lão đã tỉ mẩn lo xong xuôi mọi việc, sắp đặt đâu ra đấy, từ việc bán chó, đến việc gửi vườn, đến việc gửi tiền cho ông giáo nhờ bà con làm tang hộ. Lão đã toan tính cái nước tự tử từ trước cho nên lão đã âm thầm, kiêu hãnh dọn dẹp một con đường gọn ghẽ nhất, ít phiền toái nhất để bước đến nhà mồ. Lão đã thực hiện một cách cao ngạo cái “chết trong như lão đã từng “sống trong”, sống sạch cho dù đời sống có cùng khốn đến mức nào. Đó là một nhân cách nhất quán từ đầu đến cuối. Nếu kéo dài sự sống, đương nhiên sẽ khó lòng mà nói trước liệu có giữ được tiền làm ma hay không, liệu có giữ được mảnh vườn không, liệu có dám nói chắc là không phạm phải những lỗi lầm mà lương tâm trong sạch không cho phép không?… Giả dụ lão cứ sống, cứ ăn tiêu, thậm chí mặc kệ “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” đời con con lo – nó đi biệt tăm như thế biết ngày nào về… thì cũng được chứ sao! Nhưng không, thà : “chết trong còn hơn sống đục”, mà trong bản tính tự nhiên của lão thì vô luận thế nào cũng chỉ có “sống trong” chứ không được phép “sống đục”, sống ích kỉ. Vậy là để bảo toàn nhân cách, không có con đường nào khác là lão phải tìm đến cái chết – không chỉ một cái chết, mà là hai cái chết: một của con chó và một của chính lão. Đó là cách lựa chọn tột cùng đau đớn và tàn khốc của một kiếp người…

Suy cho cùng, sự lựa chọn cái chết ấy cũng do lòng thương con sâu xa của người cha mà ra cả. Một người cha rất mực nhân từ, yêu quý con, thương con mà đau khổ vì không có điều kiện để lo cho con trọn bề gia . thất. Lão chết đi để lại mảnh đất hương hỏa – mảnh đất thiêng cho con cũng là mong cho con từ chính mảnh đất này mà vẹn tròn cơ nghiệp. Thủ tiêu đời sống già cả khốn khổ của mình để cấy cái sống vào kiếp sống của đứa con mình, hi vọng nó sẽ có cuộc sống khá hơn, sự hi sinh này thật lớn lao song cũng thật là cay đắng… Lão mang trong mình cả tình phụ tử cả tình mẫu tử thiêng liêng cộng lại. Đi qua hai câu chuyện, lại thêm những đoạn lão Hạc sống và nghĩ một mình, rồi lại qua cả những cảnh hiểu lầm của người khác, cuối cùng là cái chết sạch trong của lão Hạc – câu chuyện phả vào ta một nỗi buồn man mác. Ngòi bút Nam Cao biết thương vô cùng kẻ khó và nhìn ra được vẻ đẹp nhân cách trong những con người như thế… Hẳn là, trong xã hội bấy giờ, những thân phận đã nghèo đói thì vị thế xã hội cũng lại chẳng ra gì, đừng mơ tưởng cưới được người về làm vợ, ngay cả mảnh đất cắm dùi của mình không khéo giữ cũng bị những kẻ có thế lực rình rập, “dòm ngó” hòng chiếm đoạt. Bố con lão Hạc bị chia lìa, bản thân lão thì phải liều mình tự tử. Cái chết của lão ở phần cuối truyện như một lời kêu cứu khẩn thiết, đồng thời cũng là lời kết án của tác giả đối với xã hội đương thời. Có thể bắt chước lời ông giáo – đóng vai người kể chuyện trong phần : kết, để nói vọng lấy một lời vào đất cùng linh hồn lão Hạc – hay là những kiếp lão Hạc ngày xưa, rằng: “Lão Hạc ơi! Anh con trai của lão : ngày ấy đã về. Anh cũng chẳng kịp về ngay cái làng nghèo khó và đau” khổ ấy, mà anh đã hăm hở nhập vào một đoàn trai đi kháng chiến. Hòa bình anh mới trở về làng… Cầu cho linh hồn của lão được mát mẻ nơi chín suối!…

giaibai5s.com

Đề 1: Đọc truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, em có suy nghĩ gì về cuộc lựa chọn âm thầm mà khốc liệt của lão Hạc – Văn mẫu lớp 8
5 (100%) 3 votes