BÀI LÀM

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn 
Bảy nổi ba chìm với nước non 
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương) 

Bà chúa thơ Nôm đã từng viết về thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến ngày xưa như thế. Họ xinh đẹp, tài năng, có những phẩm chất tốt nhưng lại bị cuộc đời chà đạp. Để bênh vực số phận của họ đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ lên tiếng qua các sáng tác, trong đó có Nguyễn Dữ với Chuyện người con gái Nam Xương, trích trong Truyền kì mạn lục, một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán của ông. Tác phẩm kể. về bi kịch cuộc đời của nhân vật Vũ Nương, một người con gái tư dung tốt đẹp, tính thuỳ mị nết na nhưng lại có một số phận oan trái.

Chuyện người con gái Nam Xương là tiếng nói đồng cảm, trân trọng, ngợi ca của tác giả đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ. Nhân vật chính là Vũ Nương, người con gái quê Nam Xương, vốn con kẻ khó nhưng có một khát khao bao trùm cả cuộc đời – đó là “thú vui nghi gia nghi thất”. Nàng vừa có nhan sắc, vừa có đức hạnh, mang đầy đủ vẻ đẹp của một người phụ nữ lý tưởng “Tính đã thuỳ mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp. Khi xây dựng nhân vật này, Nguyễn Dữ không mấy chú trọng đến “tư dung” – ngoại hình mà ông quan tâm nhiều đến những phẩm chất tốt đẹp của nàng. Vậy, sự thuỳ mị nết na ấy của Vũ Nương được biểu hiện như thế nào?

Trước hết, Vũ Nương là một người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình, không màng công danh và thuỷ chung, yêu thương chồng hết mực.

Trong những ngày đoàn viên ngắn ngủi, dù Trương Sinh “có tính đa nghi, phòng ngừa quá sức” nhưng nàng đã “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”. Thế rồi chiến tranh xảy ra, người chồng yêu dấu của nàng phải đi lính. Mong ước lớn nhất của nàng không phải là công danh phú quý mà nàng chỉ khát khao ngày chồng mình trở về “mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Mong ước ấy thật là bình dị. Vũ Nương đã khát khao và coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm ở trên đời.

Và rồi, người chồng yêu dấu của nàng đã ra đi. Trong xa cách, Vũ Nương luôn thương nhớ chồng khôn xiết, nỗi nhớ ấy cứ dài theo năm tháng: “Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Người thiếu phụ trẻ trung xinh đẹp ấy một lòng một dạ chờ chồng, nuôi con. Thế mà khi Trường Sinh trở về, nhân vật chính của chúng ta lại bị nghi oan là thất tiết. Đây là một cái án quá lớn đối với nàng. Trước sự đối xử tệ bạc: mắng nhiếc, đánh đập, đuổi đi của người mà suốt ba năm xa cách nàng luôn đằng đẵng nhớ thương ấy, Vũ Nương vẫn cố phân trần, khẳng định sự thuỷ chung của mình và cầu xin “Mong chàng một mực đừng nghi oan cho thiếp”. Nghĩa là người con gái này vẫn hết lòng tìm cách hàn gắn cái hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Thế nhưng mong ước bình dị, “cái thú vui nghi gia nghi thất” ấy đã vỡ tan. Tổ ấm mà nàng đã dày công gây dựng nên đã bị Trương Sinh phá vỡ nhưng người thiếu phụ này vẫn luôn nhớ đến chồng nên khi sống dưới thuỷ cung, nghe Phan Lang nhắc đến gia đình, nàng cũng “ứa nước mắt” và muốn được trở về. Dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, nhân vật Vũ Nương hiện lên rất đỗi dịu dàng, đằm thắm, thiết tha với hạnh phúc gia đình, không hư danh và thương chồng hết mực.

Không những thế, nhân vật này còn là một con dâu hiếu thảo, một người mẹ yêu thương con hết mực. Một mình nàng phải chịu bao gian lao, vất vả; nào là khi sinh đẻ không ai đỡ đần, nào là một thân vừa nuôi con thơ, vừa chăm sóc mẹ chồng già yếu. Thế nhưng nàng đã lo tròn chu tất lo thuốc thang cầu khẩn thần phật và lúc nào cũng dịu dàng ân cần lấy lời ngọt ngào, khôn khéo khuyên lơn. Rồi khi mẹ chồng mất, nàng lại một mình lo việc ma chay, tế lễ chôn cất như đối với cha mẹ đẻ của mình. Ngòi bút của Nguyễn Dữ thật già dặn khi để cho chính người mẹ chồng ấy nhận xét về tấm lòng hiếu thảo của nàng trước khi bà qua đời: “Sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống giòng tươi tốt, con cháu đông đàn. Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ.”. Rõ ràng, trong mắt của bà, nàng là một “người lành”.

Còn đối với bé Đản thì sao? Nàng luôn yêu thương và chăm sóc con chu đáo. Và cũng có lẽ vì yêu thương con, vì muốn con lúc nào cũng có cha ở bên, không cảm thấy thiệt thòi về mặt tình cảm nên Vũ Nương đã chỉ bóng mình ở trên tường mà bảo là cha nó để dỗ dành con. Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi nhưng nàng đã làm tròn nghĩa vụ của một người phụ nữ: làm con dâu, làm vợ, làm mẹ.

Qua cách xử thế cũng như qua lời nói, thái độ, hành động, ta còn thấy hiện lên một Vũ Nương coi trọng nhân phẩm. Trước sự nghi oan của chồng, nàng đã tìm đến cái chết với lời than: “Nếu thiếp đoan trang giữ tiết trinh bạch gìn lòng thì vào nước xin làm ngọc Mị Nương, dưới đất xin làm cỏ Ngu Mĩ”. Lời than như một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của mình. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng đắng cay nhưng cũng có sự chỉ đạo của lý trí “tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời than” không phải là một hành động bột phát trong cơn nóng giận như truyện cổ tích miêu tả. Và khi không còn ở dương gian, sống ở cõi âm, nàng vẫn muốn trở về, muốn khát khao được phục hồi danh dự. Dường như Nguyễn Dữ đã tập trung những nét điển hình của người phụ nữ Việt Nam vào nhân vật Vũ Nương. Đó là hình ảnh người phụ nữ lý tưởng trong xã hội phong kiến ngày xưa.

Lẽ ra, với sự dịu dàng, đảm đang, tháo vát, hiểu nghĩa, tận tụy và chung tình đó, người phụ nữ này phải được đền bù xứng đáng bằng một gia đình yên ấm. Nhưng oái oăm thay, Vũ Nương lại phải nhận lấy một số phận đau thương – nàng phải chết. Đó chính là bi kịch về số phận con người. Ngày sum họp cũng là ngày nàng lìa xa tổ ấm. Và đau đớn hơn, kẻ đẩy nàng vào cái chết bi thảm không phải ai xa lạ mà chính là người chồng nàng hằng thương nhớ “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” và đứa con trai duy nhất của nàng. Chỉ vì tin lời con trẻ và do ghen tuông mù quáng mà Trương Sinh đã nghi ngờ và gán cho vợ là thất tiết. Chàng ta đã hành hạ, đánh đập, nhiếc móc Vũ Nương không tiếc lời, không nghe lời “biện bạch mà bênh vực cho nàng” của hàng xóm cũng như những lời phân trần, giãi bày của vợ để Vũ Nương phải lấy cái chết để bày tỏ lòng mình. Một cái chết thật đớn đau và oan uổng. Cái chết đó khác nào bị bức tử mà kẻ bức tử lại hoàn toàn vô can. Qua thân phận của nhân vật này, nhà văn muốn tố cáo xã hội phong kiến và bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Vũ Nương cũng như bao người con gái khác, họ đều phải chịu một số phận đau thương như thế. Một cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều mòn mỏi trong cung cấm để tuổi xuân phải trôi qua trong nỗi tiếc nuối, đợi chờ. Một Thuý Kiều tài sắc vẹn toàn mà phải mười lăm năm lưu lạc, dang dở tình duyên, hai lần vào lầu xanh, trải qua những tháng ngày nhục nhã… Những người phụ nữ đức hạnh này không được che chở, bênh vực mà còn bị đối xử một cách bất công, vô lý.

Để xây dựng thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương, một yếu tố mà ta không thể không nhắc đến, ấy là nghệ thuật kể truyện. Truyện có rất nhiều lời thoại và lời tự bạch của nhân vật được sắp xếp rất đúng chỗ làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần không nhỏ vào việc khắc hoạ tính cách nhân vật. Qua lời nói của Vũ Nương với Trương Sinh, với mẹ chồng và những lời tự bạch của nàng trước khi chết bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lý có tình ngay cả trong lúc đang tức giận nhất đã cho ta thấy được sự nết na, hiền thục trong trắng, không có gì đáng khuất tất của nhân vật này. Nguyễn Du đã đan xen những yếu tố kì ảo vào truyện: Vũ Nương không chết. Nàng ở dưới thuỷ cung, hiện lên ở bến sông với lời tạ từ ngậm ngùi: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về dân gian được nữa” đã làm cho thế giới kì ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần gũi với cuộc đời thực, hoàn thiện thêm nét đẹp của tính cách nhân vật Vũ Nương: dù ở thế giới khác vẫn nặng tình với cuộc đời, quan tâm đến chồng con và khát khao được phục hồi danh dự. Cũng qua chi tiết ảo này, người đọc thấy rõ hơn về số phận đau thương của nhân vật chính. Nỗi oan của nàng quá lớn nên không có đàn nào giải nổi.

Trên cơ sở cốt truyện có sẵn, nhà văn đã sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa: lời trăn trối của bà mẹ chồng đã khẳng định một cách khách quan nhân cách và công lao của Vũ Nương đối với gia đình chồng. Những lời phân trần, giãi bày của nàng khi bị nghi oan và hành động quyết liệt, bình tĩnh của nàng khi tìm đến cái chết làm cho hành động nhân vật trở nên đẹp hơn.

Câu chuyện đã khép lại nhưng tấn bi kịch về cuộc đời của nhân vật Vũ Nương và những phẩm hạnh của nàng mãi để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Nguyễn Dữ đã vượt khỏi công thức thông thường về hình tượng người phụ nữ trong thể truyền kì để xây dựng nên hình tượng của một người phụ nữ bình thường như bao người vợ, người mẹ khác trong đời. Tuy mang yếu tố hoang đường nhưng Chuyện người con gái Nam Xương vẫn là một áng văn giàu giá trị nhân đạo, có sức hấp dẫn đối với người đọc ngày nay.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề 1: Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Đánh giá bài viết